Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân xuất sắc chuyển đổi số
Trong tổng số 20ha trồng rau sạch, chị Trâm đã dành 1,5ha để xây dựng nhà màng trồng dưa baby, ớt chuông, rau muống thủy canh nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao.
Nói về việc áp dụng chuyển đổi số trong việc trồng rau chị Trâm cho biết: "Trang trại dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ của trang trại. Với công nghệ này, quản lý trang trại sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Cùng với đó, phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Trung bình, chúng tôi cài đặt hẹn tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3 - 4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc" - chị Trâm cho biết.
Theo chị Trâm, các ứng dụng này hỗ trợ tích cực cho đội ngũ quản lý trang trại và người lao động tham gia sản xuất.
"Áp dụng công nghệ số, Hải Phong Farm chỉ cần 1 quản lý trang trại là có thể quản lý được tất cả 5ha. Chỉ cần theo dõi trên máy chủ, quản lý trang trại rất thuận tiện trong theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp" - chị Trâm thông tin.
Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm rau, củ, quả của Hải Phong Farm đạt tiêu chuẩn để đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. "Năm vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Hải Phong Farm có doanh thu 15 tỷ đồng, trừ chi phí có lãi 1,5 tỷ đồng" - chị Trâm.
Chị Trâm cho biết, hiệu quả áp dụng công nghệ số trong việc trồng rau đã thấy rõ. Tuy nhiên, để áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp cần vốn đầu tư rất lớn, không phải nông dân nào cũng có thể làm được.
"Để áp dụng công nghệ số trồng rau công nghệ cao, trung bình cần đầu tư 300.000/m2. Đơn cử như để có 1,5ha trồng rau sạch như trên, tôi phải đầu tư gần 7 tỷ đồng. Tham dự Diễn đàn Nông dân với chuyển đổi số trong nông nghiệp, tôi muốn kiến nghị về việc hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi cho nông dân đầu tư các công nghệ số để nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị nông sản" - chị Trâm bày tỏ.
Đào tạo, tập huấn cho nông dân lớn tuổi tham gia chuyển đổi số
Với mô hình trồng nho, tham quan và bán các sản phẩm từ nho, lão nông Nguyễn Văn Mọi (SN 1948) ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Ông Mọi phấn khởi cho biết: Sản phẩm "Nho Ba Mọi", được canh tác theo hướng VietGAP và được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2010 đến nay. Hiện với, diện tích sản xuất 2ha, năng suất/sản lượng: 30 tấn/năm, trang trại nho Ba Mọi có tổng doanh thu/năm đạt trên 14 tỷ/năm.
Theo ông Mọi, trong bối cảnh dịch Covid-19, phương thức bán hàng online, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Tuy nhiên, không phải những nông dân nào cũng sành sỏi khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Do vậy, ông Mọi mong muốn thời gian tới, Bộ NNPTNT, Hội NDVN sẽ có nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực áp dụng chuyển đổi số cho nông dân
Ông Mọi đề xuất, cùng với chú trọng đến đối tượng nông dân trẻ, năng động thì cũng cần quan tâm, hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ những nông dân lớn tuổi như ông áp dụng chuyển số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.