Trong kỷ nguyên Internet, biên giới địa lý, hành chính không còn nhiều ý nghĩa như từng xảy ra trong 200 năm trở lại đây. Rất nhiều dịch vụ, sản phẩm mới được sản sinh, cung ứng ở quy mô châu lục hay toàn thế giới.
Chuyển đổi số: Những cánh cửa tương lai
Thứ sáu, 25/09/2020 10:34
Trong khuôn khổ Tech Summit 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức vào giữa tháng 7/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, các diễn giả nổi tiếng đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh các chủ đề liên quan đến các công nghệ mới trong kỷ nguyên Internet phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đã nhấn mạnh đến chuyển đổi số như là công việc sống còn của mỗi tổ chức, doanh nghiệp (DN) sau Covid-19.
Kỷ nguyên Internet cũng mở ra các cơ hội để nhân loại có thể tập hợp nguồn lực, chung tay giải các bài toán lớn của thế kỷ như biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, để phát hiện, ngăn chặn thảm họa, đưa ra các phương thức phát triển có tính bền vững, thân thiện môi trường.
Cơ hội từ 5G
Theo ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia & Lào: Nếu truy cập mạng bằng công nghệ 3G vẫn còn hạn chế, 4G gia tăng tỷ lệ sử dụng các ứng dụng đòi hỏi băng thông rộng thì với 5G sẽ "tất cả ngành nghề sẽ thay đổi". Theo đó, các ngành sản xuất, nông nghiệp, thậm chí y tế sẽ "thay da đổi thịt" với sự xuất hiện của các robot và hệ thống 5G truyền tải thông tin.
Ông Brunetti tin rằng Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ, trong đó bao gồm một nền kinh tế và chính trị ổn định. Ngoài ra Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, ký nhiều hiệp định tự do thương mại nhất thế giới. Những yếu tố trên, cộng với mức độ phủ sóng điện thoại và mạng viễn thông ngày một cao, chính là phần nền để các công nghệ đổi mới sáng tạo, bao gồm cả 5G phát triển.
Cũng theo ông Brunetti, điều quan trọng hiện tại là Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế. "Chúng tôi tin vào viễn cảnh năm 2045, Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển. Ericsson đang bắt tay cùng những DN viễn thông hàng đầu quốc gia để hiện thực hoá tầm nhìn này.
Những cánh cửa tương lai
Trong phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn Tech Summit 2020, các diễn giả đến từ nhiều đơn vị khác nhau - các DN công nghệ, viễn thông, viện nghiên cứu... đã thảo luận về những yếu tố để tận dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo - được xem như chiếc chìa khoá mở cửa tương lai, đặc biệt quan trọng cho quá trình chuyển đổi số.
Việt Nam được nhìn nhận là sở hữu những yếu tố thuận lợi nhất định về khả năng sáng tạo, kỹ năng và trình độ của nguồn nhân lực, môi trường hoạt động của các DN công nghệ ở Việt Nam cũng còn nhiều không gian để tiếp tục tăng trưởng khi thể chế và nhiều quy định chưa được áp dụng chặt chẽ.
Nhưng bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc thiếu liên kết giữa các đơn vị trong mạng lưới, chưa có hệ thống quản lý thông suốt theo từng cấp là điểm hạn chế của Việt Nam khi tiến xa hơn trong hành trình tiếp cận và ứng dụng các nền tảng dữ liệu lớn rộng rãi.
TS. Đào Đức Minh, Giám đốc Điều hành viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI thuộc Vingroup cho biết những rào cản từ sự khác biệt về văn hoá trong nghiên cứu và cách thực hiện khiến cho DN và những trường đại học/viện nghiên cứu chưa thể kết hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng các sản phẩm áp dụng công nghệ mới.
"Từ những bước đầu tiên trong hành trình áp dụng công nghệ là chuyển đổi số ở quy mô một DN cũng phải có một bộ phận gồm nhiều thành viên có thể nói nhiều ngôn ngữ khác nhau khi giao tiếp với các đơn vị đầu - cuối", ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara khẳng định.
Để giải quyết những hạn chế đang tồn tại, và chuẩn bị nền tảng cho tương lai, các diễn giả đề xuất sự kết nối nhiều hơn, chặt chẽ hơn theo cả hàng dọc và hàng ngang, giữa các đại diện công - tư nhằm đảm bảo sự xác thực thông tin và các bên nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, nên có những DN tiên phong làm nhiệm vụ dẫn đường, đầu tư và đóng gói những gì phức tạp nhất trở thành những thứ mà công ty nào cũng có thể tiếp cận.
Tổng kết phiên thảo luận đầu tiên, ông Lê Hồng Việt Giám đốc công nghệ tập đoàn FPT và cũng là người điều phối phiên thảo luận chốt lại, để thúc đẩy phát triển công nghệ ở Việt Nam phải gia tăng được số lượng người sử dụng, nhu cầu mới sẽ tạo ra những ứng dụng mới, đồng thời các DN công nghệ và những đơn vị khác nên có nhiều cuộc trao đổi hơn, xây dựng kết nối vững chắc trong hành trình cùng tiến về tương lai.
Chìa khóa tăng trưởng: Định dạng mới
Trong phiên thảo luận cuối của Tech Summit 2020 ghi nhận những chia sẻ của các diễn giả về những cơ hội nhìn từ đại dịch Covid-19 trong đó công nghệ được nhìn nhận mang lại giá trị giúp DN không chỉ tồn tại sau dịch mà còn là cơ hội để thay đổi mô hình kinh doanh phục vụ, trải nghiệm của người tiêu dùng.
Các diễn giả là CIO, CEO cùng chia sẻ cách thức phát triển sản phẩm, dịch vụ, mở rộng hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số (chuyển đổi số) và phân tích dữ liệu để DN vượt qua thách thức trước mắt, cũng như chuẩn bị hành trang cho công cuộc khai thác kho tàng mới của thế kỷ 21.
Ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc dịch vụ CNTT, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng đại dịch cũng làm thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, không dừng lại nhu cầu thiết yếu mà còn là trải nghiệm của khách hàng, làm thay đổi cách hành xử đối với dịch vụ của DN. Các nhà quản lý ở cấp chính phủ lẫn DN đều đưa ra chính sách mà trước đây tưởng chừng không làm được trước. DN theo đó đối mặt với những thách thức trước những thay đổi diễn ra trong thời gian rất ngắn.
Trong vai trò điều phối phiên thảo luận chủ đề "Chìa khóa tăng trưởng: Định dạng mới", ông Nguyễn Chí Đức, Giám đốc khu vực, Phát triển Kinh doanh (Việt Nam, Thái Lan và Campuchia) của Votiva đặt vấn đề rằng DN đang đối mặt thách thức phía trước nhưng có phải đây cũng là điều tích cực DN buộc phải thay đổi để tối ưu hoạt động của mình trước những thay đổi của người tiêu dùng?
Ông Nishikawa Shinichiro, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á – NTT Data Global, thành viên HĐQT công ty Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo) nhìn nhận lĩnh vực thanh toán chịu tác động đáng kể từ thay đổi trong hành vi thanh toán của người dùng nhưng "chúng tôi nhìn nhận đây là cơ hội cho thanh toán cũng như thương mại điện tử", ông nói.
Nhìn từ góc độ DN, ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ, SonKim Group cho biết chiến lược chuyển đổi số tại Sonkim đã có từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Thay vì làm trong 3 - 6 tháng thì chúng tôi đẩy nhanh quá trình đó xây dựng những nền tảng dựa trên công nghệ có sẵn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thay đổi trước đại dịch.
Sonkim có hai mảng và bất động sản và bán lẻ. Mảng bán lẻ đã được mạnh dạn triển khai chuyển đổi số từ cuối năm 2019. Ông Huân nhìn nhận chuyển đổi số là chiến lược chứ không phải giải pháp tình huống và Covid-19 giúp đẩy nhanh quá trình.
"Chúng tôi cũng xây dựng hệ thống thông tin điều chỉnh thay đổi chiến lược theo dữ liệu hằng ngày. Nền tảng xây dựng cần linh hoạt để đáp ứng được tất cả những diễn biến những quý tới", ông Huân nói.
Ở góc độ tư vấn, ông Huỳnh Lương Huy Thông - Công ty CNTT VNPT nhấn mạnh chuyển đổi số tại một DN sẽ có 3 quá trình chuyển bắt đầu từ việc chuyển từ môi trường vật lý lên môi trường số, khi đó những dữ liệu số sẽ được lưu trữ và chia sẻ với nhau dễ dàng. Tiếp theo là xác định mục tiêu chuyển đổi, mô hình hoạt động sẽ như thế nào sau khi áp dụng chuyến đổi số, đây là quá trình sáng tạo của mỗi công ty và bước cuối cùng là thực hiện điều đó.
Các diễn giả đều cho rằng trước môi trường kinh doanh nhiều biến động, trước khi tiến hành chuyển đổi số, DN cần phải xác định được định hướng và tầm nhìn DN, tìm kiếm những sự khác biệt và đầu tư một cách có trọng tâm, và quan trọng là lan tỏa được tầm nhìn và giá trị cho đội ngũ nhân viên của mình.