Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Hải, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên cùng hơn 3.000 đại biểu tại 200 điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh…
Toàn cảnh Hội nghị.
Thái Nguyên phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnhThái Nguyên, sau một năm thực hiện, công tác chuyển đổi số (CĐS) của Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương, việc triển khai, quán triệt Nghị quyết về CĐS được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về CĐS được tăng cường; bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội. Chuyển đổi số của Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực và có bước đột phá trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Về phát triển Chính quyền số, đã có 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản đi, đến và điều hành đã gửi, nhận trên 2,3 triệu văn bản (tiết kiệm khoảng 8 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện). Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác 100%. Hoạt động của Trung tâm dữ liệu tập trung và Trung tâm giám sát An toàn thông tin đã bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Tỉnh đã thí điểm các giải pháp đô thị thông minh tại TX. Phổ Yên và TP. Sông Công; hoàn thành thí điểm chuyển đổi số tại xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) và xã La Bằng (huyện Đại Từ). Đáng chú ý, tỉnh đã xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trực tuyến qua ứng dụng C-ThaiNguyen và đã có khoảng 200.000 lượt cài đặt.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị.
Về Kinh tế số cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Ở thời điểm hiện tại, các dịch vụ công, như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đều được thực hiện thanh toán qua ngân hàng; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử; xúc tiến thành lập Khu CNTT tập trung Yên Bình; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 60% hộ gia đình.
Về lĩnh vực Xã hội số, Thái Nguyên đã triển khai ứng dụng công dân số “Thái Nguyên ID” giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số, qua đó, nền tảng công dân số sẽ được thiết lập cho toàn bộ người dùng là công dân trên cơ sở định danh cá nhân. Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống du lịch thông minh, phần mềm quản lý di sản văn hóa tập trung. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành giáo dục, phổ cập hệ thống quản lý trường học số tại tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh của Thái Nguyên đã thực hiện phần mềm quản lý thông tin, khởi tạo dữ liệu trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho hơn 1,3 triệu người dân, gần 300 nghìn hộ gia đình. Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần PC-Covid, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng khai báo y tế điện tử bằng mã QR, bản đồ dịch tễ COVID-19 đã có những đóng góp tích cực trong công tác quản lý, truy vết, tuyên truyền, giám sát dịch bệnh. Nền tảng khám chữa bệnh từ xa cũng đã được triển khai.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT về kết quả CĐS các Bộ, ngành, địa phương năm 2020, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh/thành phố. Trụ cột Chính quyền số đứng thứ 3/63 tỉnh/thành phố, trong đó chỉ số thông tin và dữ liệu đứng thứ 2; Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của Thái Nguyên thuộc nhóm 07 địa phương xếp loại A, là nhóm dẫn đầu cả nước. Kết quả đó có vai trò và đóng góp quan trọng của Cổng Thông tin điện tử tỉnh - kênh thông tin quan trọng chia sẻ và kết nối thông tin trực tiếp lên ứng dụng C-ThaiNguyen.
Quyết tâm đưa Thái Nguyên trở thành 1 trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu “Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số”. Tỉnh sẽ cụ thể hóa vào chương trình bằng các nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ TT&TT trong thực hiện công cuộc CĐS của tỉnh Thái Nguyên.
CĐS sẽ giúp Thái Nguyên hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm phát triển kinh tế, xã hội lớn
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ: “Đảng bộ tỉnh lựa chọn chuyển đổi số để đưa vào Nghị quyết đầu tiên bởi đây là xu hướng tất yếu, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất giúp phát triển kinh tế xã hội, giúp tỉnh cất cánh, thay đổi thứ hạng. Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực chuyển đổi số, lấy đây làm kim chỉ nam, làm chìa khóa, làm nền tảng, đòn bẩy để phát triển”. Chuyển đổi số sẽ giúp Thái Nguyên thực hiện giấc mơ của mình, đó làtrở thành trung tâm phát triển kinh tế, xã hội lớn, không chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc, mà còn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Điều này cũng sẽ hiện thực hoá mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Thái Nguyên vào năm 1964, đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực về CĐS
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực về CĐS, đặc biệt là sự quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt những vấn đề liên quan đến sự khởi động, dẫn dắt, định hướng của Tỉnh ủy.
Ngay từ năm 2020, Thái Nguyên đã bắt đầu khởi động CĐS với Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnhvà lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động CĐS. Đây là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về chương trình CĐS. Chỉ sau 01 năm triển khai, Thái Nguyên đã có sự thay đổi rõ rệt về CĐS với nhiều điểm nhấn nổi bật, là một trong số các tỉnh phát triển được nhiều ứng dụng CĐS nhất; kết quả CĐS của Thái Nguyên liên tục tăng hạng trong thời gian gần đây, đặc biệt nhiều trụ cột, chỉ số xếp hạng top đầu cả nước.
Các đồng chí lãnh đạo bấm nút khai trương mạng 5G.
Về sự quyết tâm của người đứng đầu, Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên có ngày CĐS (ngày 31/12). Kết quả CĐS của Thái Nguyên cho thấy một bài học về niềm tin. Đây là hành trang lớn nhất đối với tỉnh Thái Nguyên, tạo cảm hứng cho 62 tỉnh thành còn lại để vững bước đi nhanh hơn trong công cuộc CĐS quốc gia. Không chỉ vậy, Bộ trưởng cũng rất ấn tượng về câu chuyện CĐS trong công tác Đảng của Tỉnh ủy Thái Nguyên thông qua ứng dụng “Sổ tay Đảng viên Thái Nguyên” đang triển khai đồng bộ trong các cấp, ủy đảng trực thuộc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “CĐS cũng giống như đi khai phá một vùng đất mới, một thế giới mới. Nếu muốn CĐS, phải đi học hỏi tinh thần của những người đi khai phá, di cư, tìm đến thế giới mới lập nghiệp”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng gợi mở cho tỉnh Thái Nguyên hướng phát triển trong thời gian tới, như: Cần có quyết tâm trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành các chỉ tiêu hạ tầng số; dùng nền tảng số để phổ cập kỹ năng số cho toàn bộ 1,3 triệu người dân của tỉnh; thử nghiệm một loại “kinh phí học tập”, qua đó người dân có “Thái Nguyên ID” có thể được cấp “kinh phí học tập” để học các khóa học kỹ năng số trên nền tảng phổ cập kỹ năng số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông
và Bằng khen của Bộ trưởng cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Bộ trưởng cho rằng, CĐS là một con đường dài, không có kết thúc. Cách để học hỏi nhiều nhất là chia sẻ. Bộ TT&TT sẽ chia sẻ câu chuyện thành công về CĐS của Thái Nguyên ra toàn quốc và kinh nghiệm của các tỉnh thành khác cho Thái Nguyên. Để tạo ra bước đột phá tiếp theo cho CĐS, Thái Nguyên cần trở thành một thị trường số rộng lớn. Dữ liệu giống như một loại tài nguyên mới. Nếu Thái Nguyên đưa mọi hoạt động lên môi trường số sớm, tỉnh sẽ trở thành địa phương giàu tài nguyên nhất Việt Nam.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao tặng máy tính bảng cho các học sinh
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Tân Long (huyện Đồng Hỷ).
CĐS cần một hạ tầng số hiện đại, Thái Nguyên có thể trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành các chỉ tiêu về hạ tầng số. Song hành với đó, Thái Nguyên cũng cần nâng cao kỹ năng số cho mọi người dân và phổ cập hơn nữa các nền tảng CĐS quốc gia. Thái Nguyên nên tự tìm ra cho mình một khái niệm, cách tiếp cận riêng về CĐS, tạo ra “chuyển đổi số phiên bản Thái Nguyên”. Nếu làm được điều này, đây sẽ là sự đóng góp lớn nhất của tỉnh cho công cuộc CĐS quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ và ảnh lưu niệm cho Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên
vì có thành tích xuất sắc trong công tác Chuyển đổi số năm 2021.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 là năm trọng tâm để thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia. Bộ TT&TT đã công bố danh sách 35 nền tảng CĐS quốc gia. Thái Nguyên đang có lợi thế lớn trên hành trình CĐS. Thái Nguyên hãy tiên phong lựa chọn sử dụng các nền tảng số, hướng tới phổ cập toàn tỉnh trong năm 2022 theo tinh thần của CĐS là “việc 05 năm chỉ làm trong 01 năm”. Chỉ có dùng sớm, phổ cập nhanh, Thái Nguyên mới có cơ hội bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng để thực hiện khát vọng về một Thái Nguyên “bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển”. Bộ TT&TT và cộng đồng công nghệ cả nước cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Thái Nguyên trên hành trình CĐS đầy khó khăn, chông gai trước mắt nhưng cũng hết sức vinh quang này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trao Bằng khen của Tỉnh ủy tặng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện
Nghị quyết số 01-NQ/TƯ ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
trong thực hiện phong trào thi đua "Thái Nguyên đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số" năm 2021.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Tỉnh sẽ cụ thể hóa vào chương trình, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành triển khai của các cấp chính quyền, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01 về CĐS; tập trung huy động các nguồn lực; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để bứt phá vươn lên trong phát triển Kinh tế số và Xã hội hóa, qua đó từng bước hiện thực hóa khát vọng, giấc mơ CĐS của tỉnh.
Nhân dịp này, Bộ TT&TT đã tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông cho 5 cá nhân thuộc tỉnh Thái Nguyên; tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 01 tập thể và cá nhân của tỉnh Thái Nguyên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Cũng tại Hội nghị đã diễn ra hoạt động khai trương, trải nghiệm mạng di động 5G tại Thái Nguyên.
|