Ngay từ những ngày đầu chính thức bắt tay triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quan điểm nhất quán của lãnh đạo Petrovietnam đó là trước tiên thay đổi về nhận thức - vai trò quyết định “thành, bại” trong chuyển đổi số. Đây cũng là một hành trình dài, toàn diện và để thành công cần sự tham gia của tất cả các bộ phận, đơn vị; từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, công nhân viên của Petrovietnam.
Bên cạnh đó, tập đoàn, các đơn vị thành viên khác của tập đoàn cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số cũng như triển khai các sáng kiến số một cách đồng bộ trong toàn tập đoàn, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua xây dựng các chuỗi giá trị trên nền tảng số, đạt hiệu quả thiết thực thông qua chuyển đổi số.
Với những kết quả của dự án tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số, từ năm 2020, Petrovietnam đã bắt tay vào xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản cho tập đoàn, hướng tới các mục tiêu: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trên toàn chuỗi giá trị năng lượng; đón đầu xu hướng dịch chuyển năng lượng trong khu vực và trên thế giới; tối ưu hoạt động bộ máy quản trị và vận hành; ứng biến linh hoạt với những thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, tập đoàn đã ban hành tầm nhìn số và lộ trình chuyển đổi số cho công ty mẹ tập đoàn bao gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ triển khai công tác cán bộ thực hiện chuyển đổi số.
Trong một vài năm gần đây, thế giới nói chung và ngành Dầu khí nói riêng đã chứng kiến những sự biến động lớn về địa chính trị và môi trường kinh doanh. Giá dầu thô biến động khó lường trong thời gian vừa qua, kết hợp với những dự báo bất định trong tương lai gần đã tạo những áp lực, thách thức lớn cho ngành Dầu khí, đặc biệt là các hoạt động khâu thượng nguồn. Cùng với đại dịch Covid-19 đã gây ra những biến động về giá nguyên liệu, nhiên liệu và sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu; những thách thức này càng tăng lên và nghiêm trọng hơn khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Bên cạnh những biến động về môi trường kinh doanh, bất ổn chính trị ở một số khu vực, ngành Dầu khí cũng đang phải đối mặt với sức ép quyết liệt trước xu hướng dịch chuyển năng lượng, giảm phát thải. Theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chúng ta đặt mục tiêu giảm phát thải nhà kính ở mức 35% vào năm 2030, hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Trước xu hướng, những khó khăn, thách thức đó, Petrovietnam với vai trò là tập đoàn năng lượng hàng đầu trong nước và khu vực cùng các doanh nghiệp trực thuộc nhận thức được mục tiêu cấp thiết về tối ưu phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy dịch chuyển mô hình kinh doanh, dịch chuyển năng lượng, tìm ra những nguồn doanh thu mới, tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí, ứng biến linh hoạt trước những biến động của thị trường và chuyển đổi số là một công cụ thúc đẩy, hỗ trợ đắc lực cho Petrovietnam đạt được các mục tiêu trên.