Công chức Sở Ngoại vụ hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính công (Ảnh: songoaivu.bacgiang.gov.vn/)
Để thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian qua, Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản quan trọng, mang tính chiến lược về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), thực hiện chuyển đổi số (CĐS) hướng tới chính quyền số của tỉnh đó là: Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 5/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5342/KH-UBND ngày 08/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng hoàn thiện CQĐT, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Hạ tầng CNTT của tỉnh đang được đầu tư, có nhiều cải thiện.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã được xây dựng và kết nối với Nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và các Hệ thống thông tin dùng chung và Cơ sở dữ liệu (CSDL) trong hoạt động của hệ thống chính trị. Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang từng bước hoàn thiện, đang cung cấp 910 dịch vụ công mức độ 4 (đạt 46,4% vượt chỉ tiêu 30% trong Nghị quyết 17 của Chính phủ)…
Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Bắc Giang cũng đã lựa chọn Tập đoàn VNPT với vai trò là đối tác chiến lược về viễn thông - CNTT. Tập đoàn VNPT đã tập trung đầu tư về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông - CNTT cho Bắc Giang. VNPT đã triển khai các biện pháp đảm bảo hạ tầng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân, DN tại địa phương.
Theo đó, hệ thống Cổng thông tin điện tử Bắc Giang đã chính thức được đưa vào vận hành từ tháng 3/2019, gồm một cổng chính của UBND tỉnh và 39 cổng thành phần cho các UBND huyện và các sở ngành. VNPT cũng đã hỗ trợ UBND tỉnh Bắc Giang triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia từ Văn phòng Chính phủ đến UBND tỉnh. Đồng thời, tích hợp các hệ thống CNTT của tỉnh như Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang, phần mềm quản lý văn bản với hai hệ thống này của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và kết nối dữ liệu thông suốt…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, trong lộ trình đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bắc Giang phấn đấu nằm trong top 15 tỉnh. thành phố có chỉ số CĐS đứng đầu cả nước. Bắc Giang sẽ tập trung CĐS trong 8 lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Giang đã chủ động tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực CNTT. Tháng 4/2021, UBND tỉnh Bắc Giang và Tập đoàn VNPT đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về viễn thông - CNTT, xây dựng CQĐT, CĐS và xây dựng ĐTTM giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang và Tập đoàn VNPT xác định kế hoạch trong 5 năm tới dự kiến sẽ mở rộng thêm trên nhiều lĩnh vực mới. Đó là hợp tác xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM, CĐS… Các giải pháp được triển khai tại tỉnh Bắc Giang sẽ phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ và điều kiện đặc thù, mức độ phát triển của địa phương.
Cùng với việc phối hợp với VNPT, cũng trong tháng 4/2021, tỉnh Bắc Giang cũng đã phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức Hội thảo "CĐS, cơ hội và thách thức". Tại Hội thảo, bên cạnh các ý kiến của các chuyên gia, Tập đoàn FPT cũng đã đề xuất hỗ trợ tỉnh Bắc Giang xây dựng và triển khai chương trình CĐS; đầu tư phát triển hạ tầng số; cung cấp và triển khai các nền tảng số; cung cấp các giải pháp Chính phủ số và giải pháp ĐTTM; các giải pháp về y tế thông minh; triển khai Trung tâm Điều hành An ninh mạng; đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực số và tư vấn CĐS cho DN…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, CĐS mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển. Trong đó, chính quyền số giúp hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; kinh tế số giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tạo ra giá trị mới, tăng trưởng mới... Vì thế, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác trong lĩnh vực CNTT, hướng tới xây dựng thành công CQĐT, chính quyền số trong tương lai gần./.