Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, bà Genie Gan, Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kapersky đã có những trao đổi với phóng viên (PV) Tạp chí TT&TT xung quanh các nội dung về triển khai CĐS, 5G, những lưu ý về các vấn đề bảo mật khi triển khai mạng 5G, 6G.
Bà Genie Gan: CĐS là xe, công nghệ 5G là động cơ và an ninh mạng là dầu
PV: Bà đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số và triển khai và tiến tới thương mại hóa 5G tại Việt Nam?
Bà Genie Gan: Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang là chủ đề lớn, nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây. Chuyển đổi số đang có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, đóng góp lớn vào số hoá chính phủ, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, 5G là công cụ hữu hiệu để đóng góp vào chuyển đổi số. Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng và thành công nhất định trong CĐS. Việt Nam đang có chiến lược tốt cho việc thương mại hoá 5G. Tiến trình này đang bắt đầu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rồi mở rộng ra các thành phố lớn. Đây là quyết định đúng đắn trước khi cấp phép thương mại hoá 5G trên toàn quốc.
Tôi tin tưởng tầm nhìn của Việt Nam về nâng cấp hạ tầng số là nền tảng số cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội và là nền tảng tạo nên làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững là đúng đắn. Có thể so sánh CĐS như là cái xe để lái, công nghệ 5G như là động cơ và an toàn thông tin mạng (an ninh mạng) là dầu để xe chạy.
PV: Bà có thể cho biết lợi ích của 5G và những ưu điểm vượt trội của 5G so với các thế hệ di động trước (3G, 4G) là gì?
Bà Genie Gan: Cùng với sự phát triển của kỷ nguyên số, sự trỗi dậy của các thiết bị kết nối Internet, đồng nghĩa với việc cần có hệ thống tốc độ cao hơn, có khả năng xử lý lớn, dung lượng lớn để có thể hỗ trợ hàng triệu các các thiết bị thông minh. 5G sẽ mang lại nhiều lợi ích và cũng sẽ cho phép ứng dụng các công nghệ như AI, IoT mà có thể triển khai cho nhiều ngành/lĩnh vực đòi hỏi dung lượng lớn, độ trễ thấp.
5G cũng mang lại cho các công ty các lợi thế lớn, quan trọng như tự động hoá các tác vụ, tự động hoá việc xử lý và phân tích dữ liệu lớn, cho phép các công ty tiết kiệm được nhiều thời gian hơn vì quá trình làm việc trở nên trơn tru hơn.
Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể của tốc độ và khả năng xử lý của mạng 5G là một lợi thế lớn cho đổi mới sáng tạo (innovation) mà đổi mới sáng tạo như các bạn biết làm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Và một điểm nữa 5G là công nghệ vô cùng quan trọng cho điện thoại kết nối di động khi so sánh với 4G. 5G được trông đợi là nhanh hơn 4G khoảng 100 lần, có độ trễ thấp hơn 25 lần.
Nói tóm lại, 5G có tốc độ nhanh, độ trễ thấp, khả năng phản hồi, bảo mật cao, tin cậy hơn và mạng 5G được thiết kế để tiết kiệm năng lượng hơn so với mạng 4G.
PV: Như bà đã trao đổi những cải tiến 5G mới so với các thế hệ trước là rất đáng kể. Tuy nhiên, 5G cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật. Theo bà, những mối quan tâm chính khi nói đến 5G và an ninh mạng là gì?
Bà Genie Gan: Đúng là 5G có lợi ích và cũng có những quan ngại, rủi ro. Như đã trao đổi với bạn, CĐS là cái xe và 5G là động cơ. Khi so sánh với động cơ 4G thì động cơ 5G "khoẻ" hơn rất nhiều nhưng cũng có nhiều "linh kiện" nhỏ hơn. Do đó, khi nói về nhiều linh kiện giống như trong chuỗi cung ứng ICT thì cũng có nhiều điểm yếu hơn, bởi vậy, 5G có khả năng gặp phải nhiều phơi nhiễm hơn trước các mối nguy hại.
Với sự tăng lên chóng mặt của tốc độ, khả năng xử lý thì cũng có nghĩa là có nhiều mối nguy hại hơn. Như bạn đã biết, hệ thống 5G cũng phức tạp hơn rất là nhiều nên cũng khó khăn hơn cho đội ngũ CNTT/bảo mật bảo đảm an toàn cho hệ thống 5G.
Lấy ví dụ về IoT có thể thấy bất kỳ mối nguy hại nào từ một phần của mạng lưới trong IoT cũng có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới. Do đó, nếu chúng ta dựa vào 5G càng nhiều thì đồng nghĩa cũng có những mối nguy hại nhiều hơn. Theo đó, nếu chúng ta không cẩn trọng thì những mối nguy hại đó có thể gây ra những thảm hoạ ở cấp quốc tế và quốc gia. Như vậy, có thể nói 5G mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có thể đem lại tương đối nhiều hiểm hoạ cho an ninh mạng.
Cuối cùng, cũng cần quan tâm đến vấn đề riêng tư (privacy) khi cũng đã trở nên phức tạp hơn bởi vì các nhà cung cấp dịch vụ 5G có khả năng truy cập vào lượng lớn thông tin được gửi từ người dùng như các thông tin cá nhân, tài chính… đặc biệt là khi hiện nay gần như hầu hết người dùng điện thoại thông minh (smartphone) đều có ứng dụng ngân hàng. Do đó, nếu không bảo đảm được an ninh mạng thì người dùng sẽ gặp phải những mối nguy lớn, cùng những rủi ro an ninh cá nhân.
Ngoài ra, những thông tin bị rò rỉ còn có thể được sử dụng vào những mục đích xấu. Như vậy, một lần nữa khẳng định bảo mật như là "nguồn dầu cho xe chạy". Nên phải đảm bảo tính an toàn của những ứng dụng 5G. Theo đó, cần thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các nước, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân để cùng hợp tác, làm việc. Đầu tiên và quan trọng là vai trò của chính phủ đối với ngành CNTT trong việc xây dựng các quy định về CĐS, 5G và các yêu cầu bảo mật cho từng giai đoạn triển khai để hỗ trợ các ngành sản xuất, lĩnh vực khác trong việc triển khai ứng dụng 5G.
PV: Với việc 5G đóng vai trò hạ tầng kỹ thuật số quan trọng như vậy, bà có thể chia sẻ cần chuẩn bị những gì để việc ứng dụng 5G có thể tạo ra giá trị to lớn cho mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh mạng?
Bà Genie Gan: Các nhà mạng, cơ sở hạ tầng mạng và công nghệ cần phải xây dựng hệ thống đủ mạnh để ứng phó với các cuộc tấn công mạng khi các cuộc tấn công mạng trở nên phức tạp, quy mô hơn.
Một điểm nhấn mạnh nữa ở đây là người sử dụng cuối cũng phải nâng cao nhận thức về an ninh mạng 5G, đảm bảo người dùng cuối không phải mắt xích yếu nhất trong tất cả các mắt xích an ninh mạng. Theo đó, cần cài đặt những ứng dụng diệt virus cho máy tính, điện thoại hay dùng VPN, mật khẩu mạnh hơn và cập nhật các phần mềm bảo mật.
PV: Nhiều nước hiện nay đã bắt đầu nghiên cứu, hợp tác về 6G, bà có thể chia sẻ ý kiến và kiến nghị về những chuẩn bị gì cho 6G?
Bà Genie Gan: Công nghệ 6G được mong đợi không chỉ mang lại tốc độ cao, khả năng xử lý tốt hơn và mức độ an ninh, bảo mật cao hơn cũng như là một hệ sinh thái có thể tin cậy.
Theo đó, có ba điểm cần quan tâm để 6G trở thành hiện thực:
Đầu tiên là tiếp tục đổi mới sáng tạo về AI, IoT cũng như cải thiện băng thông rộng hơn nữa. Điều này rất quan trọng trong việc tối ưu hoá hiệu suất, hiệu năng, linh hoạt của 6G.
Thứ hai là cần chuẩn toàn cầu cho các ngành sản xuất, vùng lãnh thổ để bảo đảm sự ổn định và bảo đảm mọi người trên thế giới có thể truy cập 6G.
Thứ ba, với hàng triệu thiết bị, máy tính kết nối mạng như hiện nay, tôi khuyến nghị chủ động để có những biện pháp bảo vệ an toàn. Trong nhiều trường hợp, an ninh mạng được xem là vấn đề không phải đầu tiên, không quan trọng lắm. Mọi người chỉ nghĩ đến vấn đề an ninh mạng, bảo mật khi điện thoại, máy tính của họ đã bị tấn công (hack). Lúc đó thì quá muộn. Do đó, có thể nói là chúng ta phải chủ động về an ninh mạng. Đó phải là vấn đề đầu tiên được nghĩ đến.
Với việc các quốc gia, muốn tiến tới 6G thì phải có hệ thống an ninh, chuẩn mới về an ninh mạng từ nhà mạng, nhà cung ứng và người dùng. Theo đó, trong giai đoạn xây dựng mạng 6G, cần phải thiết kế, tích hợp các khả năng, tính năng an ninh mạng ngay từ đầu để có thể xác định, phát hiện và giám sát tất cả các rủi ro, lỗ hổng, điểm yếu an ninh mạng.
PV: Trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ!./.