Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện dựa trên công nghệ số

Thứ sáu, 10/06/2022 15:06

Ngày 10/6/2022, UBND tỉnh Nam Định phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, lãnh đạo tỉnh Nam Định. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các huyện, thành phố Nam Định và 226 xã, phường, thị trấn với thành phần tham gia là cán bộ chủ chốt, cán bộ công chức phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính và truyền thông. Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tham dự Hội nghị.

20220610-ta2.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện dựa trên công nghệ số

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc nhận định: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây và trở nên nóng bỏng trong các cuộc nghị đàm vượt ra khỏi biên giới các quốc gia, cho thấy tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của xã hội loài người trong tương lai.

Chia sẻ tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cho biết: So với nhiều địa phương khác, tỉnh Nam Định chưa mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nguồn thu thấp, nhưng tỉnh đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp… mang lại những kết quả ban đầu rất tích cực. Kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử bước đầu được hình thành; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định hiệu quả; các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 (DTI 2020), Nam Định đứng thứ 11/63 tỉnh thành, trong đó chỉ số thành phần về Xã hội số Nam Định đứng thứ 5/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo và còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, hội nghị lần này là cơ hội để tỉnh tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất từ những chuyên gia ở lĩnh vực này.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại cơ quan, đơn vị, địa phương một cách nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: nghiên cứu, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số của các chuyên gia; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh tuyên truyền đến mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số, các tổ chức, doanh nghiệp. Mỗi tổ chức và cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chọn đúng việc cần làm trước và phải làm được; tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, nguồn lực bên ngoài, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT, để tiến hành chuyển đổi số. Thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Chuyển đổi số là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội nhanh và bền vững; vì thế phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.

Chuyển đổi số cần sự kiên trì và tham gia của mọi người dân, cán bộ, doanh nghiệp, tổ chức

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: Năm 2022, Bộ TT&TT hướng dẫn các địa phương triển khai đồng đều chuyển đổi số trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) nhưng ưu tiên chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp trước vì có thể mang lại kết quả nhanh, thiết thực hơn và người dân, doanh nghiệp được tự do sáng tạo nhiều hơn.

Theo Thứ trưởng, Nam Định là tỉnh có nhiều tiềm năng về nhân lực, con người để chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Tỉnh Nam Định có 1,9 triệu người dân; 1,1 triệu người dân trong độ tuổi lao động 600.000 hộ gia đình; 10.000 doanh nghiệp. Với cơ sở dữ liệu dân cư như vậy, Nam Định có thể nắm bắt được các dữ liệu dân cư để thực hiện các quyết định phát triển kinh tế - xã hội như quyết định đầu tư đường giao thông dựa trên mật độ, lưu lượng dữ liệu giao thông, quyết định đầu tư trường tiểu học dựa trên mật độ phân bố trẻ sơ sinh...

20220610-ta1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị

Về chính quyền số, Nam Định cần đưa toàn bộ hoạt động của 5.500 công chức, 31.000 viên chức trên môi trường số. Nam Định cũng có thể đánh giá hiệu quả của cán bộ công chức qua các hệ thống xử lý văn bản… Nam Định có 2 chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ là 40,71% và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 20,19%. Thứ trưởng đề nghị Nam Định cũng như các tỉnh trên cả nước cần phải phấn đấu trong năm nay đạt tỷ lệ cả 2 chỉ tiêu này trên 50%.

Để khác biệt, Nam Định cần có cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả của DVCTT; các dịch vụ công được cá thể hóa đến từng cá nhân như nhắc lịch tiêm phòng cho trẻ em; giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo thẩm quyền; phân bổ chỉ tiêu đến cấp xã (thí điểm yêu cầu bắt buộc sử dụng DVCTT với một số TTHC).

Về nhận thức số, Nam Định đã bước đầu làm tốt về nhận thức (9/10 chỉ tiêu của Bộ TT&TT), theo đó, Nam Định cần tuyên truyền chuyển đổi số bằng câu chuyện thành công, bằng cách cầm tay chỉ việc. 

Về nhân lực số, Nam Định đã bước đầu đạt 3/13 chỉ tiêu. Theo đó, điểm khác biệt được đề xuất cho Nam Định là khẩn trương thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn; bồi dưỡng, tập huấn công chức, viên chức về chuyển đổi số hàng năm; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho 1,9 triệu dân; phổ cập việc học trực tuyến các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ.

Nam Định cũng cần phổ cập danh tính số, định danh số. Đây là điều kiện tiên quyết để mở ngân hàng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến không phải đến cơ quan công quyền. Nam Định hiện có 1,3 triệu smartphone, việc phổ cập mỗi người dân 1 smartphone cũng giúp đẩy mạnh sử dụng danh tính số, từ đó người dân có tài khoản số… và trở thành thị trường số khổng lồ.

Về thể chế số, Nam Định đã ban hành cơ bản đầy đủ văn bản chuyển đổi số (10/11 chỉ tiêu). Nam Định cần ban hành văn bản định kỳ hàng năm nhắc nhở, chấn chỉnh quản lý chi cho chuyển đổi số và cần cần giám sát thực thi các văn bản này.

Về hạ tầng số, Nam Định đã bước đầu đạt được 2/7 chỉ tiêu. Nam Định cần sớm triển khai mạng băng rộng, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Tiếp theo là cần chuyển đổi toàn bộ hạ tầng lên điện toán đám mây và triển khai chuyển đổi số bằng các nền tảng số.

Về an toàn thông tin mạng, Nam Định đã làm tốt khi bước đầu đạt 4/12 chỉ tiêu. Theo đó, Nam Định cần xây dựng cơ chế, chính sách thuê ngoài nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là an toàn thông tin mạng. "Làm chuyển đổi số khi có sự cố thì thường xảy ra ở lĩnh vực an toàn thông tin và sẽ rất vấn đề khi dữ liệu bị mất, phơi nhiễm và bị kinh doanh trên các diễn đàn. Nam Định cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thông tin vì đây là lỗ hổng, điểm yếu trong tiến trình chuyển đổi số. An toàn thông tin giống như cháy nhà khi xảy ra vụ việc rồi mới quan tâm và khi xảy ra rồi thì lúc nào cũng hối tiếc" - Thứ trưởng nhận định.

Về chuyển đổi số doanh nghiệp, Nam Định có thể hỗ trợ 9500 doanh nghiệp chuyển đổi bằng các nền tảng số xuất sắc của Việt Nam và hỗ trợ hộ gia đình trở thành một doanh nghiệp. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp có nền tảng số miễn phí cho doanh nghiệp sử dụng.

Về xã hội số, với 16 nền tảng số hiện có, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Nam Định có thể chọn một số ít các nền tảng phù hợp để  tập trung cho người dân sử dụng. Đồng thời tỉnh cần đẩy mạnh hơn thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường, bệnh viện,… tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Hiện nay, các nhà mạng cũng đang triển khai dịch vụ mobile money, Nam Định có thể triển khai tại các tiểu thương để khi ra chợ có smartphone là có thể quét QR để thanh toán rất thuận lợi và thúc đẩy giao thương.

Ngoài ra, Nam Định cũng có những điểm du lịch mà có thể nghiên cứu cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ qua QR code hay áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để mang lại doanh thu cho tỉnh./.

Thảo Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top