Thông điệp trên được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên chiều 4/12/2020.
Để phát triển chính phủ số điều quan trọng nhất là liên thông cơ sở dữ liệu, các sở, ban, ngành của tỉnh phải chia sẻ dữ liệu, không được cát cứ; Xã hội số là hướng tới mỗi người dân có một điện thoại thông minh; Kinh tế số là các nền tảng thanh toán trực tuyến, sắp tới mobile money sẽ giải bài toán này. Điều quan trọng nhất là lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo, kiên định thực hiện và trực tiếp sử dụng công nghệ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên chiều 4/12/2020. |
Đây là nội dung làm việc chính của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn làm trưởng đoàn.
Làm việc với đoàn có ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG cùng với lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành đã tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Tình hình công tác TT&TT và kết quả xây dựng Chính quyền điện tử năm 2020, 1 năm thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh về Hợp tác phát triển TT&TT.
Theo đó, hết tháng 11/2020, toàn tỉnh có 33/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; trong đó có 19 xã đạt chuẩn NTM và 14 xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Ước tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM (đạt 18,26%), 22 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 30 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 42 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; số tiêu chí đạt bình quân 11,7 tiêu chí/xã. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên lựa chọn 1 xã NTM kiểu mẫu và dự tính đến hết năm 2020 sẽ có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thực hiện Đề án 29 xã biên giới, hiện nay toàn tỉnh đã có 8 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM…
Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh hiện còn 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP; 2 huyện hưởng 70% chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg; 97 xã đặc biệt khó khăn và 2 thôn bản đặc biệt khó khăn hưởng chính sách Chương trình 135. Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 43.000 hộ nghèo, giảm 15,09% so với năm 2015. Ước tính đến cuối năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 38,25 triệu đồng/người/năm…
Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Ưu tiên kinh phí, tăng thêm mức vốn hỗ trợ đầu tư trực tiếp các Chương trình MTQG; sớm ban hành các cơ chế chính sách, cơ chế đặc thù để địa phương kịp thời cụ thể hóa cơ chế chính sách;...
Tham gia thảo luận, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia đề nghị UBND tỉnh tập trung ưu tiên kinh phí cho những địa bàn trọng tâm, tránh dàn trải; mở rộng đa dạng hóa sinh kế; bổ sung đánh giá sự tham gia, đóng góp của người dân trong chương trình xây dựng NTM;…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn ghi nhận những kết quả tích cực tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đạt được trong thực hiện các chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững; mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh ứng dụng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời chú trọng rà soát lại các chương trình, dự án nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia sẽ đề nghị bố trí ưu tiên vốn và hỗ trợ tỉnh hoàn thiện các chương trình dự án; tổng hợp báo cáo những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Điện Biên tới Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Bộ TT&TT trao tặng phương tiện nghe nhìn và máy tính trị giá 1 tỷ đồng cho các hộ nghèo tại các xã thuộc tỉnh Điện Biên. |
Công nghệ sẽ là bước đột phá để Điện Biên tăng tốc phát triển
Tại buổi làm việc, Sở TT&TT Điện Biên đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TT&TT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến nay toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính với 167 điểm phục vụ bưu chính công cộng; 89 tuyến đường thư… Mạng lưới bưu chính hoạt động ổn định và an toàn, đảm bảo cung cấp các dịch vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu về chuyển phát thư, báo, các loại công văn giấy tờ, bưu phẩm, bưu kiện.
Về phát triển viễn thông, toàn tỉnh hiện có 69% cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. 80% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được kết nối internet băng rộng cố định (cáp quang). 97,7% thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động (tối thiểu 2G); 75% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G…
Ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) có 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh đã có cổng/trang thông tin điện tử cung cấp thông tin theo quy định của Nhà nước. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, tích hợp sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến dùng chung với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cung cấp 1.640 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 236 thủ tục hành chính mức độ 3; 331 thủ tục hành chính mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 87%...
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đánh giá lĩnh vực TT&TT của Điện Biên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng cũng như đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn khẳng định: Chuyển đổi số hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu. |
Cho rằng chuyển đổi số hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu trong sự phát triển hiện nay, Thứ trưởng đã nêu ra những việc chính quyền các cấp của tỉnh Điện Biên cần làm ngay trong thời gian tới. Đó là nâng cao tỷ lệ các dịch vụ công cấp độ 4; rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản điện tử E-Office của cơ quan Đảng và chính quyền, cũng như nền tảng họp trực tuyến đến toàn bộ cấp huyện, xã; Tập trung chuyển đổi số lĩnh vực du lịch và nông nghiệp vốn là thế mạnh của tỉnh; Tỉnh nên xem xét thí điểm chuyển đổi số một xã để từ đó nhân rộng mô hình cho các xã khác.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Để phát triển chính phủ số điều quan trọng nhất là liên thông cơ sở dữ liệu, các sở, ban, ngành của tỉnh phải chia sẻ dữ liệu, không được cát cứ; Xã hội số là hướng tới mỗi người dân có một điện thoại thông minh; Kinh tế số là các nền tảng thanh toán trực tuyến, sắp tới mobile money sẽ giải bài toán này. Thứ trưởng cũng giao Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) hỗ trợ Điện Biên trong xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh.
Bộ TT&TT và UBND tỉnh ký kết Biên bản Ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 -2025. |
Cũng nhân dịp này, Bộ TT&TT và UBND tỉnh đã công bố Biên bản Ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 -2025.
Theo đó, Bộ TT&TT và UBND tỉnh chủ động trao đổi thông tin và phối hợp trong triển khai các hoạt động như: phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng hạ tầng logistic; phát triển cơ sở hạ tầng mạng bưu chính công cộng; triển khai mã địa chỉ bưu chính đến từng hộ gia đình; triển khai phát triển mạng 5G; thực hiện các chiến dịch làm sạch mã độc; diễn tập phòng, chống, xử lý tấn công mạng.