Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn với 21/21 xã, thị trấn đã thành lập tổ công nghệ cấp xã; 149/149 thôn, tổ dân phố đã thành lập tổ công nghệ cấp thôn với 1.020 thành viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện thông tin tuyên truyền, phổ biến chuyển đổi số đến tận người dân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc. Cùng với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng nhân lực CNTT, nhiều ứng dụng CNTT được triển khai rộng rãi trong hoạt động các cơ quan nhà nước, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong quản lý, gửi và nhận văn bản qua mạng được triển khai đồng bộ từ huyện đến xã.
100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã ứng dụng và triển khai hiệu quả việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động cơ quan nhà nước. UBND huyện đã cung cấp 238 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) (trong đó 111 DVCTT một phần, 127 DVCTT toàn trình), UBND cấp xã cung cấp 124 DVCTT (trong đó có 61 DVCTT một phần, 63 DVCTT toàn trình). Đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành của huyện đã được triển khai tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) của tỉnh, các bộ, ngành trung ương như: Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội đã được triển khai và được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; nền tảng họp trực tuyến được triển khai nhân rộng trên toàn huyện.
Hệ thống hội nghị truyền hình huyện được triển khai với 1 điểm cầu tại Văn phòng HĐND&UBND huyện và 21 điểm cầu tại UBND các xã, thị trấn. Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng và nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử cũng đã được triển khai trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn có thể kể đến như: nền tảng sàn thương mại điện tử; CSDL y tế; CSDL giáo dục; CSDL về cán bộ, công chức, viên chức; các CSDL về lao động, thương binh và xã hội; CSDL đất đai; CSDL BHXH, BHYT; CSDL dân cư...
Hạ tầng thông tin, dịch vụ bưu chính, viễn thông không ngừng phát triển, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, đồng thời phục vụ tích cực trong việc đảm bảo quốc phòng - an ninh và các sự kiện trọng đại của huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 19 điểm bưu điện văn hóa xã, 1 bưu cục, 6 điểm bưu chính chuyển phát và 25 điểm cung cấp thiết bị di động viễn thông.
Về hạ tầng viễn thông, trên địa bàn huyện có 3 nhà mạng đang hoạt động là VNPT, Viettel và Mobifone với tổng số 150 trạm thu phát sóng di động; 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện có dịch vụ internet 4G, 5G; 136/149 thôn bản được phủ sóng điện thoại di động mặt đất 4G, 5G chiếm tỉ lệ 91,2%. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ, mở rộng vùng phủ sóng về khu vực vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, chất lượng mạng lưới, dịch vụ ngày càng được nâng lên, nhiều loại hình dịch vụ mới tiếp tục được các doanh nghiệp triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.
Để phát triển nguồn nhân lực, huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn về chuyển đổi số và các kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho đối tượng là công chức các xã, thị trấn và tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn với số lượng gần 200 người tham gia; phối hợp với Đại học Huế mở 14 lớp tập huấn cho người dân về kỹ năng ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với hơn 800 học viên tham gia.
Trong năm, UBND huyện đã cử cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, thị trấn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số và an toàn thông tin do tỉnh tổ chức. 21/21 xã, thị trấn đều bố trí cán bộ kiêm nhiệm về chuyển đổi số và an toàn thông tin. Việc cập nhật các kiến thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin, ứng dụng CNTT đã được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện thường xuyên.
Đối với phát triển kinh tế số, xã hội số, đã hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của huyện lên các sàn thương mại điện tử: Voso, Postmart... Các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đã đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt. Trên 60% trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. 21/21 xã, thị trấn đã số hóa các thủ tục hành chính bằng việc gắn mã QR - CODE để niêm yết tại bảng thông báo và trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục đôn đốc các cơ quan, UBND các xã, thị trấn hoàn thiện trang thiết bị CNTT. Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số cũng như công tác tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến.
Tăng cường tuyên truyền, phổ cập kiến thức về CNTT, kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người dân. Đề xuất các đơn vị viễn thông quan tâm tạo điều kiện xây dựng hạ tầng viễn thông tại các thôn chưa có sóng di động. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; triển khai các giải pháp đẩy mạnh công dân số.
Tiếp tục rà soát danh mục hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thực hiện số hóa và tái cấu trúc quy trình, đảm bảo thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Thường xuyên theo dõi, so sánh kết quả hiện trạng với các chỉ tiêu đề ra của tỉnh để kịp thời đưa ra các giải pháp duy trì hoặc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại địa phương...