Báo Hànộimới đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về những giải pháp để chuyển đổi số nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Thủ đô.
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam:
Chuyển đổi số cần được xem là giải pháp mang tính chiến lược
Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Không thể phủ nhận rằng công nghệ số có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt là trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, khi dịch Covid-19 diễn ra, công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học.
Từ cột mốc đó, có thể cảm nhận trình độ công nghệ thông tin của cả giáo viên và học sinh đã được nâng lên rất nhiều. Công nghệ thông tin đã giúp số hóa, gắn mã định danh của hàng triệu hồ sơ học sinh (số hóa thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe...), và hàng triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn)...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh...
Tuy nhiên, hiện đang có sự không đồng đều trong việc phổ biến công nghệ số trong giáo dục giữa các địa phương, giữa các trường học và môn học. Đặc biệt, chưa có nhiều trường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý. Bên cạnh đó, một số trường còn thiếu sự đầu tư vào công nghệ, việc đào tạo và hướng dẫn giáo viên còn nhiều hạn chế; tài liệu, bài giảng còn sơ sài, thiếu sức hút...
Để quá trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục ngày càng sâu rộng hơn, theo tôi, trước tiên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục. Cần bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường.
Tiếp đó, chúng ta cần thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung trong toàn ngành.
Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục đại học cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo chứ không phải là giải pháp tình huống nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Trong chuyển đổi số, quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ giáo viên.
Bà Phan Thị Kim Ngân, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm:
Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức
hực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong toàn ngành và các nhà trường.
Cụ thể, 100% các trường được quận quan tâm đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, kết nối mạng internet đảm bảo phục vụ tốt công tác chuyển đổi số trong các nhà trường. Công tác chuyển/ nhận văn bản qua phần mềm, sử dụng chữ ký số được triển khai đồng bộ từ quận đến phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở trường học. Công tác truyền thông được thực hiện đồng bộ, có sự liên thông của cổng thông tin điện tử của quận đến trang tin điện tử của ngành và các nhà trường.
Bên cạnh đó, các trường còn thực hiện truyền thông qua fanpage, nhóm zalo hay các ứng dụng khác trên điện thoại nhằm giúp phụ huynh nắm bắt thông tin về giáo dục; triển khai thường xuyên các buổi họp, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến đạt hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời giảm chi phí tổ chức. 21/21 đơn vị được kiểm tra, đánh giá mức độ chuyển đổi số mức 2 và mức 3. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ công nghệ thông tin cơ bản trở lên. 100% giáo viên có thể ứng dụng các phần mềm dạy học, thiết kế bài giảng, trò chơi để phục vụ việc dạy và học trực tiếp hoặc trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai ứng dụng nhiều phần mềm hỗ trợ trong công tác quản lý, dạy và học như hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, phần mềm kế toán, phần mềm tính khẩu phần ăn và xây dựng kế hoạch giáo dục của mầm non, bộ nhận diện khuôn mặt điểm danh học sinh... Các nhà trường đã triển khai thực hiện thu và thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh.
Để khuyến khích công cuộc chuyển đổi số lan rộng hơn nữa trong môi trường giáo dục, theo tôi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số và nhân lực số tạo nền móng chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, đặc biệt là chú trọng triển khai nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến cho công tác giảng dạy - học tập - thi cử của học sinh, giáo viên, đảm bảo chất lượng cho việc tổ chức thi cử trực tuyến...
Tiến sĩ Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Giáo dục 4.0 sẽ có sự thay đổi lớn
Giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có những yêu cầu và đặc thù - “giáo dục 4.0”. Theo đó, các yếu tố của giáo dục 4.0 được thể hiện qua các vấn đề như các hệ thống hỗ trợ đào tạo thông qua việc thực hành bằng các ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng ảo dựa trên công nghệ thông tin.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là thực tại ảo và thực tại tăng cường, ngày càng phổ biến và đang mang lại hiệu quả cụ thể, người học có thể trực quan hóa các ứng dụng cũng như kiến thức một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các chương trình học được xây dựng và quản lý theo mô hình mô-đun hóa và dự án hóa. Theo đó, người học có thể tiếp cận trực tiếp đến các môi trường hoạt động thực tế của cơ quan, tổ chức.
Các chương trình được xây dựng dạng này cũng cho phép các cơ quan hay tổ chức tự xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với hoạt động của mình. Thêm nữa, việc học được thực hiện không phân biệt thời gian, không gian và khoảng cách địa lý. Người học có thể sử dụng các kỹ thuật học tập từ xa và học tập thông minh để tự thực hiện việc học tập mà không cần quan tâm đến khoảng cách địa lý hay không gian, thời gian. Người học sẽ tự xây dựng các chương trình học phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình. Điều này cho phép cả người học và người dạy có thể chủ động đưa ra tiến trình học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng...
Trong tương lai, giáo dục 4.0 sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn kể cả về nền tảng lẫn cách thức thực hiện; chuyển dần từ đào tạo đại trà sang đào tạo có chủ đích và đào tạo cho từng cá nhân dựa trên cơ sở sáng tạo và giải phóng tiềm lực, năng lực hay động lực của người học.
Chính vì thế, chúng ta cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo, phát triển học liệu số và thực hiện triển khai theo hướng thống nhất, tạo môi trường số cho toàn xã hội; xây dựng xã hội học tập; tăng cường hạ tầng công nghệ, kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống pháp lý...