Chuyển đổi số - giải bài toán đầu ra cho nông sản

Thứ bảy, 24/12/2022 03:42

Ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từ công đoạn sản xuất đến tiêu thụ có thể là một giải pháp hiệu quả, giúp nông dân vơi bớt âu lo và tạo ra những tác động tích cực cho ngành.

u7_9.jpg

Kết nối tiêu thụ và sản xuất bằng điện thoại thông minh

Chuyển đổi số được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những biện pháp khả thi để nâng cao chất lượng, kết nối địa phương nhằm cải thiện đầu ra cho nông sản. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã trang bị điện thoại thông minh cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tại các vùng trồng cây ăn quả tập trung, nhiều hộ đã xây dựng mã QR code, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình.

Tuy đây là những tín hiệu lạc quan, con đường triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn cần nhiều nỗ lực và sự tham gia của các bên khác nhau trong toàn chuỗi cung ứng. Các giải pháp hiện nay chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số doanh nghiệp, địa phương và chưa hình thành một chuỗi kết nối số toàn diện.

Thêm vào đó, các giải pháp đa phần hướng đến giám sát chất lượng nông sản, trong khi giải quyết đầu ra cũng là một phần vô cùng quan trọng. Đối với các loại trái cây chín rộ theo mùa hoặc cao điểm ngày lễ Tết có thời gian xử lý ngắn, nhiều nông dân bày tỏ nguyện vọng vừa có thể bán trực tuyến vừa có thể đưa sản phẩm từ vườn đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Ứng dụng công nghệ

Trong số các nền tảng công nghệ và thương mại điện tử đang vào cuộc hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt, Grab là một trong những đơn vị hoạt động năng nổ. Từ đầu năm 2020, Grab đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để hỗ trợ nông dân, HTX nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số.

Thông qua các hoạt động tập huấn trong khuôn khổ hợp tác bốn bên này, hơn 800 HTX đã được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử để kết nối tốt hơn với người tiêu dùng nhằm nâng cao cơ hội tiêu thụ sản phẩm và cải thiện doanh thu. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng tồn hàng, bán tháo mỗi dịp được mùa.

Song song với chương trình tập huấn, Grab đã phát huy lợi thế về thấu hiểu người dùng và kinh nghiệm marketing trong lĩnh vực thương mại điện tử, hỗ trợ các HTX quảng bá cho nông sản địa phương trên ứng dụng Grab. Điển hình như “Lễ hội trái cây mùa hè 2022”, Grab đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ về mặt hình ảnh, truyền thông để giúp tiếp thị sản phẩm của các nhà vườn rộng rãi đến người dùng.

Doanh nghiệp đã kết hợp với blogger du lịch Khoai Lang Thang quảng bá cho các nhà vườn trái cây tại ĐBSCL. Điều này giúp thu hút những người dùng trẻ, tăng cường sự quan tâm của họ đối với nông sản Việt. Kết quả, hơn 100 tấn trái cây các loại như sầu riêng, vải, bơ… đã được tiêu thụ qua chiến dịch này.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc, Grab Việt Nam bàn về các sáng kiến thiết thực của ứng dụng công nghệ để giải bài toán đầu ra cho nông sản Việt.

Có thể nói, các sáng kiến góp phần thúc đẩy “số hoá” nông nghiệp một cách cụ thể và thiết thực chính là những gì cũng ta đang cần để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, giúp cải thiện đời sống cho bà con nông dân.

Về vấn đề kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng Blockchain, sàn thương mại điện tử phục vụ kinh tế số hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) Vũ Hồ Vũ cho biết: Công nghệ Blockchain mà công ty đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Trong xu hướng công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã, cũng như doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản. Nhờ việc chuyển đổi số này, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… đã được hỗ trợ tiêu thụ với tổng giá trị đơn hàng lên đến hơn 300 tỷ đồng.

“Về phía hợp tác xã, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp minh bạch thông tin nông sản, tạo dựng niềm tin giữa người bán và người mua, thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ nông sản trên môi trường số. Thời gian tới, công ty mong muốn và cam kết tiếp tục liên kết với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hợp tác xã trong việc nâng cao giá trị và năng lực tiêu thụ nông sản thông qua chuyển đổi số” - ông Vũ Hồ Vũ nhấn mạnh.

theonongnghiephuucovn.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top