Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội nghị
Hội nghị tập trung các nội dung mà Bộ TT&TT thực hiện trong cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị giai đoạn mới.
Bộ TT&TT hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của đề án
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã xây dựng và triển khai tiêu chí số 8 về nông thôn mới, với 2 dự án nội dung thành phần: Tăng cường cơ sở vật chất cho TT&TT; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Thông tin về một số kết quả thực hiện dự án, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ TT&TT cho biết dự án truyền thông giảm nghèo đã thực hiện 350 lớp tập huấn cho 26.000 lượt cán bộ tuyên truyền viên, 76 buổi tọa đàm, 798 cuộc đối thoại chính sách với trên 71.000 lượt người, sản xuất 2.850 chương trình phát thanh, 281 chương trình truyền hình, 5.025 chuyên san, 460.000 tờ rơi, tờ gấp, 42.745 cuốn sách chuyên đề;… Hội thi giảm nghèo, sân khấu hóa đã được nhiều tỉnh tổ chức như Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo đã được triển khai trong 3 năm từ 2017 – 2019 với nhiều tác phẩm đạt giải.
Thông tấn xã Việt Nam và Bộ TT&TT đã tổ chức sản xuất các tin, bài đăng trên báo điện tử, báo ảnh… cung cấp thông tin cho dân tộc thiểu số. Bộ TT&TT và các cơ quan khác đã xuất bản và phát hành 08 cuốn sách, phát hành 105.084 cuốn, 18 ấn phẩm truyền thông, phát hành 111.500 cuốn lịch; Thiết lập 13 cụm thông tin tại cửa khẩu biên giới, trung tâm giao thông...
Các địa phương đã tổ chức 142 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 20.226 lượt cán bộ; Tổ chức sản xuất, phát sóng khoảng 11.000 chương trình phát thanh và trên 600 chương trình truyền hình; Xuất bản 36 đầu sách chuyên đề về giảm nghèo, với số lượng in và phát hành khoảng 56.500 cuốn sách; Xuất bản và phát hành 116.400 chuyên san; Xây dựng 8.760 video clip; Thực hiện hỗ trợ 9.694 tivi và 4.058 radio cho các hộ nghèo (137,5%); Trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cơ bản đã được thực hiện cho 234 huyện (234%) và 794 xã (132,3%); Nâng cấp 582 điểm tuyên truyền cổ động ngoài trời ở 356 xã nghèo (16%); Thiết lập 07 cụm thông tin cơ sở (đạt 100% kế hoạch).
Đánh giá chung về dự án, ông Hải cho biết Bộ TT&TT đã hoàn thành đầy đủ theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Bộ TT&TT đã hướng dẫn sát sao thực hiện các mục tiêu của Dự án hằng năm, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu của Dự án.
Về thực hiện dự án nông thôn mới, số xã có điểm phục vụ bưu chính đạt tỷ lệ 94,5%; số xã có dịch vụ viễn thông, Internet đạt 97,8%; số xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn đạt 90,9%; số xã có ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành đạt 94,5%. Bộ TT&TT đứng ở top cao mức độ hoàn thành.
Bộ TT&TT đề xuất tiêu chí TT&TT trong bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất cho giai đoạn 2021 – 2025 bao gồm xã đạt chuẩn nông thôn mới về viễn thông, Internet và xã có ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành.
Đề xuất chỉ tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới về viễn thông, Internet
Để thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Bộ TT&TT đã đề xuất về hai mô hình xã đạt chuẩn nông thôn mới về viễn thông, Internet và xã có ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội.
Xã đạt chuẩn nông thôn mới về viễn thông, Internet là tất cả các thôn, bản trên địa bàn xã có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng ít nhất 1 trong 2 loại dịch vụ điện thoại (trên mạng viễn thông cố định mặt đất hoặc trên mạng viễn thông di động mặt đất) và ít nhất 1 trong 2 loại dịch vụ truy nhập Internet (trên mạng băng rộng cố định mặt đất hoặc trên mạng băng rộng di động mặt đất). Dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn xã phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone chiếm 55% số thuê bao; riêng các xã tại huyện đảo là 45% số thuê bao.
Giai đoạn 2016 - 2025, xã có ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội là xã phải có máy vi tính phục vụ công tác của cán bộ, công chức, với tỷ lệ máy vi tính/số cán bộ, công chức của xã đạt 80%. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) đạt tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đạt tối thiểu 70% đối với các xã còn lại.
Tỷ lệ cán bộ, công chức của xã được trang bị kiến thức, kỹ năng về CNTT, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đạt tối thiểu 50% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; đạt tối thiểu 70% đối với các xã còn lại. Tỷ lệ người dân từ 10 tuổi trở lên của xã được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số đạt ít nhất 40% đối với xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; đạt ít nhất 60% đối với các xã còn lại.
Xã ứng dụng CNTT phải sử dụng ít nhất một trong các phần mềm ứng dụng sau: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thư điện tử chính thức của CQNN, hệ thống một cửa điện tử; Cổng/Trang TTĐT (có chức năng phục vụ công tác quản lý, điều hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 2 của xã).
Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp nông thôn và giảm nghèo
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: Thế giới đã đạt mức độ số hóa cao. Số người sử dụng điện thoại di động trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21 trên thế giới tăng từ 750 triệu lên 5 tỷ, tăng 7 lần. Số lượng người kết nối mạng Internet tăng từ 350 triệu lên 4 tỷ kết nối, gấp 10 lần. Theo đó, dữ liệu trong 2 năm gần đây của nhân loại bằng 90% dữ liệu của nhân loại tạo ra từ trước tới nay. Dữ liệu là cơ sở để chuyển đổi số và tốc độ số hoá, tiếp cận, hội tụ công nghệ số hiện nay mở ra triển vọng mới, mô hình sản xuất, kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới cho chuyển đổi số.
Trên thế giới hiện nay đã có hơn 20 nước quốc gia xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Như vậy, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng chung của quốc tế cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Chuyển đổi số có thể được xem như là cách để tồn tại trong thế giới số hiện nay.
Tại Việt Nam, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia với 8 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực quan trọng cần chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ TT&TT đang thí điểm triển khai chuyển đổi số cho 12 xã, trong đó 2 xã đã có kết quả khả quan ngay trong vài tuần triển khai như xã Yên Hòa (Ninh Bình), Vi Hương (Bắc Cạn).
Tại Yên Hoà, khi chuyển đổi số cho khám chữa bệnh, số tiền tiết kiệm được là đáng kể. Ước tính việc đi lại khám sơ bộ là hơn 27 triệu đồng trong vòng 2 tuần. 1 tháng sẽ dự kiến tiết kiệm 50 triệu đồng và 1 năm dự kiến tiết kiệm được 600 triệu đồng cho bà con trong xã. Ngoài ra còn làm giảm lượng bệnh nhân lên tuyến huyện/tỉnh, giảm việc người dân đi lại và các chi phí khác liên quan.
Xã Vi Hương, Bắc Cạn, chuyển đổi số giúp tạo môi trường kết nối chia sẻ nhờ những nguồn lực sẵn có như Zalo, xây dựng trang web bán nông sản trên Facebook, trên các sàn TMĐT Postmar, shopee, Postmart, vận chuyển hàng hóa cho bà con… Doanh thu từ bán nông sản của bà con tăng từ 1 - 2 triệu lên 4 - 5 triệu đồng.
Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo khẳng định: TT&TT có vai trò đặc biệt quan trọng với người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Khi xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới, 1 trong 5 chiều thiếu hụt là thiết hụt thông tin.
Theo đó, ông Đức đề nghị trong giai đoạn tới, cần triển khai các nội dung bám sát, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng vừa ban hành. Muốn giảm nghèo về thông tin phải gắn với chiến lược phát triển TT&TT, đặc biệt là chuyển đổi số.
"Đây là chương trình rất thiết thực với người dân, đặc biệt bà con nghèo ở vùng sâu xa, đặc biệt phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động. Cần đưa tiêu chí 80 – 100% dân số đạt chỉ tiêu này. Trong mục tiêu giảm nghèo cũng bám sát các chỉ tiêu này, xác định quy mô, số hộ nghèo có thể tiếp cận, đây là chỉ tiêu đầu vào", ông Đức nhấn mạnh.
Trong nội dung đề xuất chủ trương đầu tư, Văn phòng Nông thôn mới cũng đề xuất giao đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới thông minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: Năm 2045, Việt Nam muốn thành đất nước phát triển hùng cường thì phải thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt thành công trong chuyển đổi số. Làm việc với các tỉnh trong thời gian qua, Bộ TT&TT nhận thấy việc chuyển đổi số cho các tỉnh chủ yếu tập trung các lĩnh vực: y tế; giáo dục; nông nghiệp, du lịch. Các tỉnh nên ưu tiên 4 lĩnh vực này là chính.
Bộ TT&TT đang nỗ lực trong năm 2020 phủ sóng di động và băng rộng cố định đến tất cả các thôn, 100% người dân dùng smartphone, 80% hộ gia đình có Internet.
Hiện nay Bộ TT&TT đang thí điểm 12 xã thông minh với quan điểm lấy người dân làm trung tâm. Nếu làm xong chuyển đổi số của xã thì bản chất cũng là thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo đó, Thứ trưởng mong muốn lĩnh vực này cần nhận được thêm đầu tư để tạo sự đột phá.