Đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ biên phòng vớt rác ven bờ Vịnh Hạ Long trong Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" năm 2019. Ảnh: Yến Vy
Theo đó, các Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án cải thiện môi trường tỉnh Quảng Ninh, Đề án bảo vệ môi trường ngành than và các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành về bảo vệ tài nguyên và môi trường của cấp tỉnh, địa phương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.
Nhiều mô hình phát triển bền vững sử dụng công nghệ thân thiện môi trường trên địa bàn tỉnh được triển khai như: Mô hình du lịch sinh thái tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn; mô hình doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng ESCO; ứng dụng sơn Linex gia tăng độ bền phao xốp trong nuôi trồng thủy, hải sản, du lịch tại vịnh Hạ Long; mô hình chống rác thải nhựa tại vịnh Hạ Long; mô hình sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt tại Vân Đồn, Cô Tô và một số điểm tham quan tại vịnh Hạ Long...
Để hạn chế đến mức thấp nhất việc ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, các dự án trước khi được đầu tư đều được yêu cầu phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ tính trong năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, thẩm định 130 hồ sơ ĐTM; thẩm định và cấp 13 giấy xác nhận hoàn thành ĐTM; tham gia ý kiến đối với trên 300 hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, chủ trương đầu tư, rà soát loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch tỉnh...
Các đơn vị, địa phương cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tăng cường kiểm tra hậu kiểm (kiểm soát chất thải), kiểm tra, lấy mẫu môi trường đột xuất, không báo trước cho đối tượng kiểm tra, song song thực hiện thanh, kiểm tra theo kế hoạch... Năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện 417 vụ việc vi phạm, xử phạt với tổng số tiền trên 5,87 tỷ đồng.
Khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường, tỉnh thực hiện chấm dứt hoạt động của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (Hạ Long) từ ngày 1/1/2019. Hoàn thành dứt điểm các dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn; chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng và dăm gỗ trên vịnh Hạ Long; 100% các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải có dầu, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tiếp tục được các địa phương tích cực thực hiện...
Huyện Đoàn Hải Hà phối hợp với Đồn Biên phòng xã Quảng Đức tổ chức dọn dẹp vệ sinh bãi biển. Ảnh: Ngô Dịu
Quỹ bảo vệ môi trường và phát triển đất tỉnh được thành lập, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cho vay vốn các dự án bảo vệ môi trường từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; tài trợ, đồng tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường; ứng vốn cho các tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
Tỉnh cũng dành nhiều ưu tiên cho công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã thực hiện khoán khoanh nuôi bảo vệ 52.397ha rừng phòng hộ, đặc dụng cho 14 đơn vị trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,75%.
Môi trường nuôi trồng thủy sản được chủ động giám sát, cảnh báo; thanh, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản, hạn chế khai thác gần bờ và phát triển khai thác xa bờ; thả tái tạo nguồn giống, thực hiện các dự án ưu tiên duy trì đa dạng sinh học.
Đồng hành với đó, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo cụ thể, chủ động, sát sao các biện pháp phòng chống mưa bão, ngập lụt, duy tu bảo dưỡng đê điều. Tập trung triển khai việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh hoàn thành việc lập kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường; cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn; dự án đánh giá khí hậu tỉnh Quảng Ninh; dự án kiểm kê khí thải nhà kính và đề xuất các giải pháp quản lý, giảm nhẹ phát thải...
Việc hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường được mở rộng, các chương trình ký kết hợp tác được thúc đẩy thực hiện với nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức; kêu gọi vốn ODA từ Nhật Bản, Đan Mạch, Vương quốc Bỉ và triển khai nhiều dự án về hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường...
Với việc triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp, nhiệm vụ đề ra, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tại Nghị quyết 236/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa XII về những chủ trương giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra 8 chỉ tiêu chủ yếu trong bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020.
Tính đến hết năm 2019, 3/8 chỉ tiêu đặt ra theo Nghị quyết 236/2015/NQ-HĐND đã hoàn thành trước hạn, đó là: 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54-55% và các khu công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.
Hiện các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, triển khai đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp nêu tại các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về công tác bảo vệ môi trường tỉnh trong giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.