Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp - GRAFT Challenge Vietnam 2021 chính thức được phát động tại Hà Nội ngày 13/4.
Chương trình sẽ kết nối các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp (AgriTech) hàng đầu với các đối tác và các nguồn lực hỗ trợ mở rộng quy mô trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Với sự tài trợ của Chính phủ Úc, thông qua Chương trình Aus4Innovation, GRAFT hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những thách thức cấp thiết của ngành nông nghiệp Việt Nam, bao gồm cải thiện chất lượng và chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng...
Đồng thời, giải quyết các thách thức cụ thể của từng nhóm ngành trồng trọt, thuỷ hải sản, và chăn nuôi.
GRAFT tìm kiếm các doanh nghiệp AgriTech trưởng thành tại Việt Nam và trên thế giới với các giải pháp đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng mở rộng quy mô.
Các doanh nghiệp khi nộp đơn đăng ký cần làm rõ giải pháp của mình có thể giải quyết các thách thức của ngành như thế nào, đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng tích cực mang lại cho cộng đồng xã hội và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Ban tổ chức chương trình sẽ lựa chọn ít nhất 6 doanh nghiệp hàng đầu để tham gia 12 – 15 tuần hỗ trợ mở rộng quy mô, bao gồm những buổi tư vấn riêng với mạng lưới các chuyên gia. Những doanh nghiệp được lựa chọn cũng sẽ có cơ hội giao lưu với những nhà lãnh đạo ngành, các nhà đầu tư và các đơn vị phát triển thị trường để hợp tác và đánh giá kỹ thuật trước khi tham gia chuyển khảo sát thực tế chuyên sâu và kết nối hợp tác kinh doanh.
Ông Phan Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thách thức Sáng tạo MBI (MIB Innovation), cho biết: Chương trình Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Đây là chương trình tăng tốc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ đang phát triển để mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác tiềm năng tại Việt Nam, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất toàn cầu.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) chia sẻ: Khả năng phục hồi của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 cùng với vị thế là một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp đã chứng minh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cần có những giải pháp công nghệ đột phá để có thể tận dụng hết những cơ hội đó. Qua GRAFT, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam muốn tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi để phát triển công nghệ nông nghiệp.
"Chúng tôi khuyến khích tất cả giá trị hàm lượng công nghệ cao đến với chương trình và đáp ứng được tiêu chuẩn chung là góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam nhanh và hiệu quả nhất.
Với mục tiêu tối ưu hóa công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ và các bộ ngành đều có những chương trình hành động rõ ràng và cụ thể. Chương trình GRAFT cũng được xây dựng dựa theo mục tiêu đó", ông Nguyễn Đức Tùng nói.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam bày tỏ kỳ vọng chương trình GRAFT sẽ là cầu nối để kết nối những hàm lượng công nghệ từ cộng đồng khởi nghiệp để giải quyết bài toán cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cách làm này sẽ hàn gắn những mắt xích, tạo thành những chuỗi sản xuất khép kín, hay còn gọi là hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hoàn thiện thành công vai trò trụ đỡ nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2021...
GRAFT được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation hợp tác giữa Chính phủ Úc và Việt Nam để góp phần thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác đối tác công - tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo.
Năm 2021, chương trình được tổ chức bởi Beanstalk, một cơ quan sáng tạo đổi mới của Úc, hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) và MIB Innovation.
Chương trình tự hào nhận được sự hỗ trợ và tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Cơ quan Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Úc (CSIRO), và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.