Chung tay đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

Chủ nhật, 30/10/2022 05:56

Để chủ động tìm đầu ra cho nông sản, không ít địa phương đã sẵn sàng phương án tiêu thụ, trong đó có đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Covid-19 đã khiến người tiêu dùng trở nên quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến hơn. Dự kiến sắp tới, số lượng người tiêu dùng tiếp tục mua sắm những mặt hàng thiết yếu qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng gia tăng. Đây cũng là cơ hội để nông sản Việt dần được phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Nông dân ngoài vai trò sản xuất, đã tận dụng các kênh truyền thông sẵn có để bán được sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, dần hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến bàn ăn". Tuy nhiên, mô hình này có duy trì lâu dài và phát triển bền vững không thì người nông dân rất cần một giải pháp toàn diện; trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp, đơn vị chuyển phát nhanh và sàn thương mại điện tử, cùng với chính quyền địa phương.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, từ những tháng đầu năm 2022, các đơn vị liên ngành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Đồng Tháp...; hay khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên... đã ban hành kế hoạch tiêu thụ về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử. Những tỉnh, thành phố này cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong kết nối sở, ngành địa phương với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu… cũng tự thân vận động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Tại Tọa đàm “Chỉ Dẫn Đỏ” với chủ đề “Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn” vừa tổ chức ở Tp. HCM, anh Đỗ Minh Thịnh, Chủ nông trại Vitamin (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, ngoài việc nghiên cứu phát triển các loại nông sản hữu cơ, tạo ra được sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn, thì đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Do đó, nông trại Vitamin đã chủ động quảng bá và bán sản phẩm trên mạng xã hội và liên kết với doanh nghiệp phân phối, vận chuyển để đưa nông sản đến người tiêu dùng một cách trực tiếp nhanh nhất.

“Với thế hệ trước, đầu ra nông sản phụ thuộc nhiều vào các bên trung gian như thương lái, chợ đầu mối, siêu thị… Hiện nay, những người làm nông nghiệp hiện đại có thể tự trồng trọt, sản xuất và bán đến tận tay khách hàng. Mô hình nông nghiệp kiểu mới này sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn so với việc sản xuất hàng loạt. Với mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn”, bản chất cốt lõi là sản xuất ra sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng với độ tươi ngon cao nhất, tươi như lúc đang ở trang trại", anh Đỗ Minh Thịnh nói.

h10.jpg

Trên thực tế, các nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu… không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế. Điển hình, nhiều đơn vị gặp thách thức trong việc ứng dụng công nghệ vào khâu vận hành, logistics...

Ông Lâm Thế Khải, đại diện phần mềm quản lý bán hàng đa kênh UPOS Việt Nam cho biết: “Mùa dịch vừa qua, đã có nhiều người chốt đơn số lượng lớn nhờ kênh livestream, lợi nhuận của việc bán hàng online sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu bán hàng online của các nhà vườn cũng như các trang trại. Tuy nhiên, khi bán hàng online, chúng ta phải đảm bảo làm sao bán được hàng, làm sao quản lý hàng tồn kho, đơn hàng cũng như cách vận chuyển… Nếu không có những giải pháp này, chúng ta sẽ rất khó xây dựng được mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn”.

Cũng theo ông Khải: “Đây là xu thế không chỉ riêng trong năm nay mà kể cả những năm sau. Với sự phát triển của kinh doanh trực tuyến, vai trò của sàn thương mại điện tử, chuyển phát nhanh hay người nông dân đều cân bằng với nhau”.

Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express, cũng đánh giá, trong xu thế trực tuyến mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, sàn thương mại điện tử, người nông dân hay KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đều giữ một vị trí cân bằng.

Doanh nghiệp phải bắt tay nhau tạo ra giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân, mở đường cho hoạt động giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một số đơn vị hay phải qua nhiều khâu trung gian.

Những nỗ lực trong việc hỗ trợ nông sản Việt thông qua liên kết các bên trong chuỗi cung ứng đã tạo thuận tiện cho người nông dân tìm hướng giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào giai đoạn mùa vụ thu hoạch. Đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển còn là khâu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ, thu hoạch và đóng gói hàng hóa theo chuẩn quy định; đảm bảo chất lượng vận chuyển đến tay người tiêu dùng; giúp người nông dân có thể làm chủ giá cả mà không cần thông qua bất cứ đơn vị trung gian nào khác.

Điển hình, J&T Express đã kịp thời phát triển giải pháp trong mùa Covid-19 với dịch vụ J&T Fresh - mô hình vận chuyển dành riêng cho sản phẩm nông sản và hàng tươi sống. “Nông sản dễ hư hỏng và biến chất, cách vận chuyển phải ưu tiên thời gian và cách đóng gói làm sao để không ảnh hưởng đến những sản phẩm là một thử thách rất lớn với các đơn vị vận chuyển. Để đáp lại nỗi lo này, tại J&T Express, J&T Fresh (dịch vụ chuyên biệt cho vận chuyển hàng tươi sống) cam kết mang sản phẩm tươi nhất có thể đến cho khách hàng. Chúng tôi có đội ngũ đóng gói có thể hỗ trợ các nhà vườn”, ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, cho biết.

“Trong tương lai gần, J&T Express hướng đến việc hỗ trợ nông dân trong việc đóng gói sản phẩm. để đảm bảo độ tươi ngon cho những loại nông sản đòi hỏi sự khắt khe trong quá trình bảo quản, không ai có thể hiểu rõ bằng chính nông dân sản xuất ra nó”, ông Phan Bình nói thêm.

theonguoiduatin.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top