Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trong cuộc trao đổi đầu Xuân xung quanh những thành công của năm 2010, vốn được coi là năm tạo đà cho sự phát triển của CNTT-TT VN dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI, với mục tiêu đưa VN sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT.
Đưa dịch vụ cao cấp thành bình dân
- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về ngành CNTT-TT VN năm 2010?
- Chưa bao giờ ngành CNTT-TT VN làm được nhiều việc lớn như năm 2010. Năm 2010, phát huy nhiều lợi thế trong nước và thời đại, ngành TT-TT VN đã đạt được nhiều thành công. Thông tin và truyền thông đã trở thành công cụ quan trọng trong giao lưu, giao tiếp với mỗi người dân. Bất luận trong hoàn cảnh nào, người dân cũng cần đến viễn thông, internet để liên lạc, chia sẻ, động viên với nhau. Chính vì thế, nên khi kinh tế thế giới khủng hoảng, nhiều lĩnh vực suy giảm thì thông tin và viễn thông vẫn phát triển.
Ngành CNTT đang phát triển rất nhanh, là ngành kinh tế trí thức của đất nước. Có thể nói, thành công lớn nhất của ngành TT-TT là đã biến viễn thông từ dịch vụ cao cấp, thành dịch vụ bình dân cho toàn xã hội.
- Lợi thế đó đã tạo nên những thành tựu nổi bật và cụ thể nào của ngành, thưa ông?
- Ngành Thông tin Truyền thông đi qua năm 2010 với nhiều thành tựu xuất sắc, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, phải kể đến 5 thành tựu nổi bật nhất:
. Trong năm 2010, Bộ Thông tin và Truyềnthông đã ban hành rất nhiều văn bản pháp quy để quản lý Nhà nước và rất nhiều đề án, chương trình chiến lược để tổng kết thời kỳ 2006-2010, định hướng cho chặng đường đổi mới 2011-2016 và đến 2020.
Bộ đã tham mưu để Chính phủ phê duyệt Đề án đưa VN thành quốc gia mạnh về CNTT. Đây chính là lời tuyên thệ của tuổi trẻ Việt Nam với đất nước, với bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ VN chứng minh mình và nâng thứ hạng của quốc gia. Đây là cơ hội vàng của thế hệ trẻ VN, để làm tất cả những gì cần làm trên lĩnh vực CNTT đưa VN sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Năm 2010, Quốc hội thông qua chương trình mục tiêu quốc gia "Đưa CNTT về cơ sở", đưa điện thoại, tivi, máy tính, internet, phát thanh về đến hộ gia đình. Đây là một nhiệm vụ rất cần thiết và vẻ vang của ngành chúng ta dành cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, ngành TT-TT đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua kế hoạc tổng thể tổ chức chính phủ điện tử. Đây là nội dung quan trọng nhất để các cấp hành chính xử lý các vấn đề dân sinh, dân chủ nhanh hơn, hội nhập quốc tế tốt hơn; để thông tin từ Trung ương xuống doanh nghiệp, đến người dân và chính quyền cơ sở nhanh nhất và mọi kiến nghị của dân lên Chính phủ, Trung ương nhanh và kịp thời nhất.
Ngành đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ thông qua chương trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Hiện nay, cả nước có 22,6 vạn kỹ sư CNTT, phấn đấu đến năm 2015 phải có từ 50 đến 60 vạn kỹ sư CNTT và đến 2020 là 1 triệu kỹ sư CNTT, để ngành TT-TT có vị trí xứng đáng, đóng góp từ 8-10% tổng GDP của quốc gia.
Và chúng ta đã triển khai xây dựng nhiều dự án, quy hoạch phát triển chuyên ngành như: Quy hoạch báo in, quy hoạch truyền dẫn phát sóng, quy hoạch các đài PT-TH địa phương và quy hoạch các khu công nghiệp CNTT tập trung.
. Ngành TT-TT đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn, kỹ thuật then chốt và chính trị quan trọng của đất nước.
Năm 2010, khối bưu chính - viễn thông đạt doanh thu 227 ngàn tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2009. Công nghiệp CNTT đạt 7,4 tỷ đôla, tăng 1,2 tỷ đôla so với 2009. Giá trị công nghiệp phần mềm vượt ngưỡng 1 tỷ đôla, tăng 2% so với năm 2009. Lợi nhuận đạt 30 ngàn tỷ đồng, tăng 8 ngàn tỷ đồng. Nộp ngân sách đạt 17 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2009. Riêng điện thoại tăng 30 triệu, trạm BTS tăng 30 ngàn trạm, đưa tổng số trạm BTS trên toàn lãnh thổ quốc gia lên 95 ngàn trạm.
Ngành đã tập trung phát triển hạ tầng và đưa internet về các trường học. Hiện nay VN đang đứng trong top 5 của thế giới về đưa internet đến trường học. Đây là một kỳ tích. Thế giới làm việc này bằng nguồn ngân sách nhà nước, còn VN đưa intenet về các trường học bằng nguồn lực của các doanh nghiệp viễn thông, mà nòng cốt là Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
. Năm 2010 là là năm ngành TT-TT hợp tác toàn diện, sâu rộng với thế giới. Hiện nay chúng ta đã hợp tác với gần 100 nước trên thế giới trong lĩnh vực thông tin truyền thông hiệu quả, thiết thực, đặc biệt trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp CNTT.
. Năm 2010, ngành TT-TT đoàn kết, thống nhất, từ bộ đến doanh nghiệp, địa phương và cơ sở, tạo thành tiếng nói chung trong định hướng phát triển và tổ chức hành động.
Từ những thành tựu trên, ngành xác định mục tiêu lớn của thời kỳ 2011 – 2016 là: Thực hiện Đề án tăng tốc đưa VN thành nước mạnh về CNTT-TT với 6 nhiệm vụ lớn cần triển khai: Thứ nhất là đào tạo nguồn nhân lực; Thứ hai là phát triển hạ tầng; Thứ ba là sản xuất công nghiệp CNTT cả phần cứng, phần mềm và nội dung số; Thứ tư là ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, trong tổ chức chính phủ điện tử và trong đời sống xã hội; Thứ năm là đưa thông tin về cơ sở, đưa về đến xã, về thôn và đến từng hộ gia đình; Thứ 6 là xây dựng các tập đoàn doanh nghiệp mạnh, làm chủ quốc gia và vươn ra quốc tế.
- Trong số các lĩnh vực của ngành, Bộ trưởng đánh giá lĩnh vực nào có sự phát triển đặc biệt ấn tượng, thưa ông?
- Trong năm 2010, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phấn đấu đạt hiệu quả kinh tế xã hội rất cao. Tất cả những gì chúng ta đã làm về quản lý Nhà nước, về cơ chế chính sách thì thước đo cuối cùng là hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh thu bưu chính - viễn thông đạt 227 ngàn tỷ, tăng 58% so với năm 2009; riêng doanh thu về công nghiệp CNTT đạt 74 tỷ đôla, tăng 1,2 tỷ đô la; công nghiệp phần mềm vượt ngưỡng 1 tỷ đôla. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2009.
Doanh nghiệp đã thực hiện rất tốt chính sách xã hội với gần 200 tỷ đồng hỗ trợ cho vùng nghèo, xã nghèo, người nghèo. Đây là điều rất cần thiết trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng nói là doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận, thu nhập của người lao động tăng chưa tương xứng. Bắt đầu xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh. Doanh thu trên 1 sim điện thoại thấp so với khu vực và thế giới. Đầu tư cho phát triển công nghiệp CNTT cả phần cứng và phần mềm chưa ngang tầm so với tiềm năng và lợi thế vốn có.
VTC thành công thuyết phục
- Là người sâu sát với các hoạt động của ngành, Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động của Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC trong năm qua?
- VTC đã có quá trình nỗ lực rất đáng trân trọng, các đồng chí phải quyết liệt hơn; để xứng đáng là 1 doanh nghiệp liên tục tăng tốc, biến không thành có, biến nhỏ thành lớn, biến nghèo thành giàu.
Năm 2010 cũng là năm chúng ta triển khai thành công nhiều chủ trương mới như: Kênh thông tin đối ngoại VTC10, Kênh phòng chống thiên tai VTC14, Kênh nông nghiệp, nông thôn VTC16; Mạng xã hội Go.vn, đề án an toàn thông tin điện tử, đưa các dịch vụ ra nước ngoài,… Mở Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia quyên góp hơn 20 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Tôi trân trọng đánh giá cao thành tích trong những năm qua của các đồng chí. Đặc biệt, tấm Huân chương Lao động hạng Ba mà Nhà nước vừa trao tặng cho Công ty Intecom là mốc son để Intecom nói riêng và Tổng Công ty VTC nói chung tiếp tục phát triển nhanh hơn.
- Năm 2011 sẽ là năm đánh dấu bước ngoặt của Tổng Công ty VTC khi nỗ lực cao độ để trở thành Tập đoàn Truyền thông Đa phương tiện. VTC cần phát triển theo hướng nào để đáp ứng kỳ vọng của Lãnh đạo Bộ, góp phần hoàn thiện tốt đề án tăng tốc đưa Việt Nam thành một nước mạnh về CNTT&TT và có bản sắc trong thị trường cạnh tranh hiện nay, thưa Bộ trưởng?
- Từ những thành tựu và sự kỳ vọng đó, Tổng Công ty VTC có thể xác định cho mình 5 mục tiêu:
Thứ nhất, Tất cả những gì đã làm tốt trong năm 2010 thì tiếp tục tổng kết nhân rộng, nhất là các kênh truyền hình chuyên biệt phục vụ nhân dân và bạn bè quốc tế; Phát triển mạng xã hội Go.vn, Tăng cường các dịch vụ nội dung số lành mạnh.
Thứ hai, Phát triển nhanh kinh tế, quan tâm các chỉ tiêu: Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân đầu người.
Thứ ba, Giàu về kinh tế nhưng phải tiếp tục tiên phong về công nghệ và hội tụ công nghệ. Nói đến công nghệ mới, hội tụ công nghệ mới, Tổng Công ty VTC phải là người đi đầu, mở đường và thắng lợi.
Thứ tư, VTC đã tỏa sáng về thương hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, VTC phải tiếp tục nỗ lực, để làm chủ quốc gia và vươn ra quốc tế mạnh hơn.
Thứ năm, Xây dựng một tập thể từ các Công ty đến Tổng Công ty đoàn kết, tiến công, tăng tốc, hội nhập và phát triển, trở thành niềm kiêu hãnh của đất nước, của ngành, của thế hệ trẻ và của những người đam mê CNTT.
Tôi rất tin các đồng chí, đội ngũ cán bộ trẻ dám nghĩ và chịu hành động. Nhất định các đồng chí sẽ thành công, trở thành Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện VTC số 1 Việt Nam. Một Tập đoàn Truyền thông Đa phương tiện đoàn kết, thống nhất, hội tụ đủ các tiêu chí chuẩn mực về chính trị, giàu về kinh tế, hiện đại về công nghệ, toả sáng thương hiệu và văn minh trong nếp sống.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!