Đây là điểm được nhấn mạnh tại hội thảo trực tuyến "Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính - ngân hàng" tổ chức ngày 16/11/2021.
Đối với các ngân hàng, hình thức xác thực cho các giao dịch vẫn chủ yếu thực hiện với SMS OTP, Token OTP, email OTP… cho cá nhân và SmartOTP (Soft OTP) cho các giao dịch nhóm.
Các hình thức xác thực này đã giúp khách hàng giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giao dịch an toàn, song vẫn còn tồn tại những hạn chế như phải chờ đợi mã xác thực riêng lẻ cho từng giao dịch, với một số thiết bị phải nhập thủ công mã OTP cũng có thể dẫn đến sai sót… Trong khi đó, chữ ký số vẫn chỉ được thực hiện trong nội bộ các ngân hàng và vẫn còn phải phụ thuộc vào các thiết bị vật lý lưu trữ mã bí mật (USB token) và thiết bị kết nối như PC, Laptop…
Điều tương tự cũng diễn ra với ngành chứng khoán khi các hình thức ký xác thực hiện nay, bao gồm ký số sử dụng USB Token cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Riêng với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phần lớn các giao dịch đều phát sinh vãng lai chứ không đều đặn liên tục như các giao dịch chứng khoán hay ngân hàng. Một hình thức ký số từ xa với các gói cước ngắn hạn, chi phí hợp lý sẽ góp phần không nhỏ để doanh nghiệp và khách hàng thuận lợi hơn trong việc ký kết các hợp đồng điện tử.
Ký số từ xa (Remote Signing) dù mới chỉ được phát triển trên thế giới chưa lâu nhưng đã nhanh chóng được chứng minh tính hiệu quả, bảo mật trên các giao dịch điện tử, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã tập trung chia sẻ những khó khăn, thử thách cũng như cơ hội đi tắt, đón đầu với chữ ký số cá nhân trong việc phát triển các giao dịch trong lĩnh vực tài ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm vẫn được xem là mạch máu quan trọng của nền kinh tế.
Ở góc độ của ngành ngân hàng, ông Phan Thái Dũng, Cục phó Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay, chi phí cho chữ ký số cá nhân vẫn còn khá lớn. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho việc định danh điện tử hầu hết mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc các giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi được cho các khách hàng cá nhân vốn chiếm đa số trong các giao dịch của ngành này.
Còn theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, thời gian qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khách hàng của VietinBank mở tài khoản ngân hàng từ xa, nhưng các giao dịch khác như cho vay, thanh toán với giá trị lớn… khách hàng vẫn phải gặp trực tiếp, vẫn phải ký văn bản giấy tờ.
Sự hạn chế về định danh cá nhân cũng là nguyên nhân dẫn tới việc số hóa chưa được thực hiện triệt để đối với các lĩnh vực tương tự bao gồm chứng khoán và bảo hiểm. Mặc dù đây cũng là những lĩnh vực đi đầu trong việc áp dụng công nghệ cao trong các giao dịch, nhưng việc mở tài khoản, ký kết hợp đồng vẫn phải thực hiện một số bước thủ công, trực tiếp…. Đây là những trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư, khách hàng nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội bởi dịch bệnh.
"Với đặc thù riêng, nhu cầu sử dụng chữ ký điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm là rất lớn. Tuy nhiên, việc này hầu hết mới chỉ được thực hiện một chiều, ví dụ như doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử hay cấp giấy chứng nhận bảo hiểm thì rất thuận lợi, nhưng trong những hợp đồng mang tính 2 chiều với khách hàng cá nhân thì còn rất nhiều khó khăn," ông Nghiêm Xuân Thái, Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm PTI cho biết.
Chữ ký số cá nhân và những cơ hội
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Quyết định số 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã cụ thể các mục tiêu chuyển đổi số, trong đó lấy người dân là trung tâm.
Chính phủ khuyến khích người dân số hóa mọi hoạt động cá nhân, tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong quá trình số hóa là đa phần người dân chưa có chữ ký số cá nhân. Do đó, việc phát triển chữ ký số từ xa cho cá nhân sẽ góp phần gỡ bỏ nút thắt quan trọng cuối cùng trong việc số hóa nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông): từ trước đến nay, nhiều người vẫn có suy nghĩ cái gì tiện thì không an toàn, cái gì an toàn thì không tiện. Với chữ ký số cá nhân, chúng ta đang hướng tới việc vừa tiện vừa an toàn. Điều đó được đảm bảo bằng các giải pháp công nghệ cao, bao gồm chữ ký số từ xa.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: để được cấp phép cung cấp dịch vụ ký số từ xa, tất cả các doanh nghiệp đều phải trải qua những khâu thẩm định nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ. Khác biệt với giải pháp ký số thông thường sử dụng USB Token, khóa bí mật của chữ ký số từ xa SmartCA được lưu trữ tại trung tâm của nhà cung cấp. Tuy nhiên,việc kích hoạt khóa này lại trải qua những khâu rất chặt chẽ. Ngay cả tổ chức cung cấp dịch vụ ký số từ xa cũng không thể kích hoạt hộ hay ký hộ khách hàng được.
Trước đây, chữ ký số sử dụng USB Token đã được đánh giá là hiện đại và an toàn nhất thì hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đã đem đến những giải pháp ưu việt hơn. Với ký số từ xa SmartCA, khách hàng không còn bị phụ thuộc vào thiết bị vật lý như trước, có thể yên tâm vì mức độ an toàn rất cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu (eIDAS), có thể ký trên đa nền tảng (bao gồm smartphone, tablet…), ký mọi lúc, mọi nơi ký theo lô và có tốc độ ký nhanh gấp nhiều lần so với các giải pháp ký số thông thường.