Tình hình Biển Đông trong năm 2021 vẫn tiếp tục đầy căng thẳng với các hành động nguy hiểm của Trung Quốc. Nước này đang tích cực sử dụng lực lượng dân quân biển để “thúc đẩy yêu sách lãnh thổ và gây sức ép theo cách khó có thể chống lại bằng vũ lực.”
Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc
Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc vẫn là độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, để tránh sự công kích từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật "vùng xám” để vẫn đạt được mục đích mà không bị coi là “xâm chiếm bằng vũ lực.”
Chiến thuật "vùng xám,” theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), là những hành vi cao hơn hoạt động răn đe thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra các phản ứng vũ trang.
Nhìn chung, các hoạt động "vùng xám" liên quan đến việc cố ý theo đuổi các mục tiêu chính trị thông qua các hoạt động được lên kế hoạch cẩn thận, hành động thận trọng hướng tới mục tiêu thay vì tìm cách nhanh chóng đạt được các kết quả mang tính quyết định thì duy trì hoạt động dưới ngưỡng chiến tranh và sử dụng mọi công cụ sức mạnh quốc gia, bao gồm các công cụ phi quân sự.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đang sử dụng Lực lượng dân quân biển vũ trang (PAFMM), hạm đội đánh cá có vũ trang trong chiến thuật "vùng xám” nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Việc sử dụng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được nhấn mạnh và nêu rõ trong một báo cáo do Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược đưa ra vào ngày 18/11/2021. Báo cáo này đã đưa ra một bức tranh rõ nét hơn về cách thức lực lượng dân quân biển hoạt động và được tài trợ.
Lực lượng dân quân biển này bao gồm cả tàu dân quân chuyên nghiệp và tàu đánh cá thương mại được tuyển mộ cho hoạt động dân quân. Các tàu này cải trang thành tàu đánh cá và đi cùng nhau với số lượng lớn trong các vùng biển tranh chấp.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc bắt đầu thực hiện phòng thủ bờ biển từ những năm 1950. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những năm 1970, lực lượng dân quân này được chính phủ hỗ trợ về nhiên liệu, xây dựng và sửa chữa - đã phát triển về quy mô, phạm vi và trở thành công cụ giúp Bắc Kinh khẳng định các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của họ. Báo cáo của CSIS nêu rõ: “Trong suốt những năm 2000, lực lượng dân quân này đã chuyển trọng tâm sang do thám và quấy rối hoạt động quân sự nước ngoài mà Bắc Kinh phản đối”.
Báo cáo đã trích dẫn các trường hợp tàu dân quân tình nghi của Trung Quốc đâm vào tàu thuyền nước ngoài, làm hỏng hệ thống sonar hoặc thiết bị thăm dò của họ, ném các mảnh vỡ trên đường đi, phun vòi rồng, và tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm khác. Các tàu dân quân biển này được xây dựng có mục đích và đội tàu đánh cá thương mại, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã “bùng nổ về số lượng” song song với việc Bắc Kinh đưa ra tuyên bố ngày càng quyết đoán đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được các chuyên gia mô tả là một ví dụ điển hình về chiến thuật “vùng xám” nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của họ ở những khu vực mà các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền mà không cần tham gia vào chiến tranh truyền thống. Ngược lại, lực lượng dân quân cũng cho phép Trung Quốc phớt lờ các công ước quốc tế về vùng biển quốc tế, cũng như phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye, theo đó bác bỏ tuyên bố lịch sử của Bắc Kinh đối với Biển Đông theo cái gọi là “Đường 9 đoạn”.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói: “Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc không chỉ đơn giản là hoàn thành tốt nhiệm vụ này toàn thời gian. Họ được cho là vừa có thể đánh bắt cá và vừa có thể chiến đấu.” Điều này có nghĩa là trong công việc thường nhật, dân quân biển Trung Quốc có thể ở ngoài khơi thực hiện các hoạt động đánh bắt thông thường, nhưng điều này cũng buộc anh ta phải đồng thời thực hiện “sứ mệnh yêu nước của mình.”
Ông Kon cũng đưa ra nhận định: “Việc tận dụng các chiến thuật vùng xám như vậy đặt ra một thách thức trực tiếp và nghiêm trọng đối với một trật tự dựa trên luật lệ, vốn tạo điều kiện cho các quốc gia tương tác với nhau và xóa bỏ mâu thuẫn khi chủ quyền của họ bình đẳng. Điều này có nghĩa là chúng ta chấp nhận “ưu thế thuộc về kẻ mạnh” thay vì ngược lại.”
Chiến lược phản ứng lại chiến thuật "vùng xám"
Việt Nam nhận thức rõ rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng chiến thuật "vùng xám” để nhằm mục đích độc chiếm Biển Đông của họ. Chính vì vậy, chiến lược sắp tới của Việt Nam trong việc chống lại “chiến thuật vùng xám”, đó là:
Về ngoại giao, Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong khối ASEAN để đàm phán COC hiệu quả, thực chất, đúng luật pháp quốc tế. COC phải có tính pháp lý ràng buộc, trong đó nêu rõ các nước không xây dựng đảo nhân tạo; không quân sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện, trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định, đề nghị quân đội hai nước cam kết không nổ súng trước.
Ngoài ra, Việt nam tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phân tích rõ ý đồ trong "chiến thuật vùng xám", làm rõ những nguy cơ của Luật Hải cảnh. Lực lượng hải quân nên mở rộng tham gia diễn tập quốc tế (RIMPAC) để hội nhập sâu hơn cũng như xây dựng các mạng lưới đối tác ở khu vực.
Thạc sỹ Luật Quốc tế Hoàng Việt. Ảnh: NVCC.
Về pháp lý: Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, nhưng không có nghĩa là chỉ đàm phán ngoại giao mà còn có thể thông qua cơ chế tài phán quốc tế. Cùng với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, tư liệu lịch sử, chứng lý... để có thể đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế khi cần thiết.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị. Đơn cử, để đối phó với chiến thuật "vùng xám" và các tàu hải cảnh Trung Quốc thì chúng ta cần đóng mới, mua sắm các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Đồng thời, các lực lượng phải luôn chuẩn bị, không để xảy ra bị động, bất ngờ trên Biển Đông. Trong khi đó, cũng phải luôn chú ý bảo vệ chủ quyền biển đảo mạn Tây Nam.
Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động hòa bình trên biển, để khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Các lực lượng chấp pháp luôn sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.
Về lâu dài, chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là phát triển thành quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh./.
Ông Hoàng Việt là Thạc sĩ, Đại học Luật TP HCM, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa.