Tại khu vực cảng cá sông Gianh và âu thuyền cảng cá cửa Gianh (Bố Trạch) có trên 100 thuyền công suất lớn chuẩn bị ra khơi.
Bắt đầu ngay sau Rằm tháng giêng (từ 16-25 tháng 1 Âm lịch), từ sáng sớm, khu vực Cảng cá Sông Gianh và Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá Cửa Gianh (còn gọi là âu thuyền cảng cá cửa Gianh, ở xã Bắc Trạch) đã rộn ràng, náo nhiệt. Các ngư dân bận rộn, hối hả chuẩn bị hậu cần và rà soát, kiểm tra lại toàn diện tư trang lần cuối sẵn sàng cho chuyến xuất bến đầu năm.
Ông Hồ Văn Khoa (ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch), chủ tàu tàu cá QB 92222, vừa cho tàu cập sát bến đậu để chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Ông Khoa cho biết, dù đã có nhiều năm đi biển nhưng đến năm 2019, ông và bạn thuyền mới chung vốn đầu tư con tàu với số tiền trên 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm qua, do biển mất mùa nên ông chưa trả được đồng nào tiền nợ. Hy vọng năm nay, thuận buồm, xuôi gió, ra khơi may mắn để có tiền vừa chi phí, trả nợ vừa mang lại thù lao cho anh em lao động. Hiện, tàu của ông Khoa có 7 lao động. Mỗi chuyến đi kéo dài trên biển 20 ngày, chủ yếu đánh bắt mực và cá hố với tổng chi phí khoảng 130-140 triệu đồng, bao gồm: lượng thực, thực phẩm, dầu và đá lạnh...
“Khi hoạt động đánh bắt trên các vùng biển xa, các tổ hợp tác (THT) và tàu thuyền của địa phương luôn đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần thiết. Những tàu không may gặp sự cố, bị trục trặc, hư hỏng máy móc đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các tàu bạn”, ông Khoa chia sẻ.
Còn anh Trương Công Minh (cũng ở xã biển Đức Trạch), chủ tàu QB 92275 có công suất 430CV cũng đã chuẩn bị cho chuyến đi khá tươm tất. Tàu có 6 lao động gắn bó với nhau gần 10 năm với mức thu nhập bình quân là từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Do năm qua mất mùa nên năm nay, cả chủ tàu và người lao động đều tích cực chuẩn bị chu đáo cho chuyến biển xa đầu năm, mong ước một năm may mắn được mùa, bội thu.
Cảng cá sông Gianh và âu thuyền cảng cá cửa Gianh ngày càng được nâng cấp khang trang, tiện lợi; các dịch vụ luôn được cung cấp kịp thời. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn luôn được Ban quản lý cảng cá quan tâm nên đã thu hút nhiều tàu của các tỉnh khu vực lân cận về neo đậu.
Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Bình phụ trách cảng cá sông Gianh, từ đầu năm 2020 đến nay, đa số các tàu xuất bến đều chọn vùng biển xa để khai thác thủy hải sản. Theo tính toán sơ bộ, từ 16 đến 25 tháng giêng Canh Tý 2020, tại cảng cá sông Gianh và âu thuyền cảng cá cửa Gianh sẽ có trên 100 chiếc thuyền xuất bến ra khơi đánh bắt xa bờ. Ban quản lý luôn tạo điều kiện tốt để tàu ngư dân cập và xuất cảng cũng như tránh trú khi biển động. Cùng với đó, cảng tạo điều kiện các chuỗi dịch vụ hoạt động thuận tiện, như: cung cấp nhiên liệu, đá và các thực phẩm khác... Chủ tàu yêu cầu là sẽ sẵn sàng có nguồn “cung” đáp ứng tận nơi.
Các tàu cá cập cảng chuẩn bị tư trang cho chuyến đánh bắt dài ngày trên biển xa.
Toàn huyện Bố Trạch có 6 xã biển, trong đó, người dân 4 xã chủ yếu sống phụ thuộc vào biển là: Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch và Hải Trạch. Tại 4 xã này hiện có trên 320 tàu thuyền có công suất lớn bảo đảm việc đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; trong đó, xã Đức Trạch chiếm phần lớn với 256 tàu thuyền.
Trao đổi về việc thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, tính đến nay, toàn huyện có 350 tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng trong năm 2019, kinh phí hỗ trợ trên toàn huyện gần 78 tỷ đồng, đưa tổng số kinh phí hỗ trợ cho đến thời điểm này là trên 470 tỷ đồng.
“Trong những ngày đầu năm mới, chính quyền các xã đều tổ chức lễ ra khơi khai thác thủy hải sản để cầu may và động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất. Các tổ hợp tác đánh bắt trên biển được hỗ trợ, động viên bằng tiền mặt từ ngân sách của xã, của huyện và mỗi tàu thuyền ra khơi đều dược tặng 1 lá cờ đỏ sao vàng”, ông Nguyễn Trọng Tuyển chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho hay, Thanh Trạch hiện có 35 tàu có công suất từ 90CV trở lên (chia thành 4 THT sản xuất trên biển) đang chuẩn bị ra khơi đánh bắt xa bờ đầu năm. Xã đã tổ chức lễ ra quân và trao tiền động viên, khích lệ cho 1 THT là 1 triệu đồng và tặng mỗi tàu 1 lá cờ Tổ quốc cỡ lớn.
Trên địa bàn xã Đức Trạch hiện có trên 500 phương tiện khai thác thủy, hải sản trên biển; trong đó có 256 thuyền có công suất từ 90CV đến trên 800 CV đánh bắt xa bờ. Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch trao đổi: “Người dân Đức Trạch phần lớn sống dựa vào nghề đi biển và các dịch vụ kèm theo từ nghề biển, như: chế biến các loại mắm, nước mắm, các loại thủy, hải sản khô, chín... Xã đã làm thủ tục ra quân cho bà con và trao tặng tiền mặt, cờ Tổ quốc động viên tinh thần các THT và các tàu thuyền nhân dịp đầu xuân năm mới”.
Mùa khai thác xa bờ của các tàu cá trên địa bàn huyện Bố Trạch đang bắt đầu với sự chuẩn bị khẩn trương, chu đáo. Những ngư dân với nụ cười “rám nắng” sẵn sàng ra quân sản xuất trên biển vì cuộc sống mưu sinh và góp phần quan trọng trong bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.