Chủ tịch Vnisa Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Lễ phát động
Hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội
Đây là lần thứ hai Cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc. Đồng thời, là hoạt động thiết thực triển khai “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt."
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết năm nay là năm bản lề triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” và cũng là năm thứ hai cuộc thi “Học sinh với ATTT” được tổ chức, dành cho các em học sinh trung học cơ sở (THCS) trên toàn quốc. Theo Chủ tịch VNISA, cùng với những lợi ích to lớn do Internet mang lại, những mối nguy hại đối với lứa tuổi học sinh cũng luôn hiện hữu trên môi trường mạng với nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.
Lễ phát động cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin 2023"
“Đó cũng là lý do để chúng ta cùng tiếp tục chung tay tổ chức cuộc thi "Học sinh với ATTT" năm nay. Đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh bảo vệ trẻ em được chính phủ, các tổ chức xã hội rất quan tâm. Năm nay, cuộc thi được tổ chức với mục đích tăng cường nhận thức cho trẻ em, học sinh, gia đình, xã hội bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Với sự đồng hành của các bộ, ngành, tổ chức, Ban Tổ chức cuộc thi chọn 111 giải thưởng dành cho các tập thể, cá nhân tham gia cuộc thi.
Ngoài đăng tải trên trang web của VNISA, các Sở GD&ĐT, cuộc thi cũng được Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đăng tải với mong muốn cuộc thi thu hút đông đảo các học sinh tham gia. Thông qua nghiên cứu tài liệu, cuộc thi kỳ vọng trang bị thêm kiến thức cho các em học sinh chủ động bảo đảm an toàn trên môi trường mạng.
Học sinh cần được trang bị kiến thức về an toàn thông tin để bảo vệ bản thân trước những mối nguy cơ tiềm ẩn trên internet
Chia sẻ tại lễ phát động, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Ông Trần Đăng Khoa cho biết: theo thống kê năm 2022, trung bình độ tuổi trẻ em được trang bị thiết bị smartphone để kết nối với Internet ở Việt Nam là khoảng 9 tuổi, trong đó độ tuổi trung bình mà các em tiếp nhận, được hướng dẫn các nội dung về ATTT để tự bảo đảm ATTT cho mình trên môi trường mạng lại là 13 tuổi. Trong khoảng thời gian 4 năm này rất nhiều nguy cơ trên không gian mạng sẽ đến với các em. Theo đó, cuộc thi trực tuyến "Học sinh với ATTT" năm 2023 được phát động nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trường Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chia sẻ tại Lễ phát động
Để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, Cục ATTT đang phối hợp cùng Công ty An ninh mạng thông minh SCS, Sở TT&TT Yên Bái và UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ triển khai Internet an toàn tới 100% trường học trên địa bàn. Theo đó, bộ giải pháp an toàn Internet trong trường học SafeGate School - một phần quan trọng trong chương trình, đã được đại diện Công ty SCS trao tặng cho các trường tại thị xã Nghĩa Lộ. Nhờ áp dụng mô hình điện toán đám mây, bộ giải pháp cho phép các trường dễ dàng triển khai. Do đó, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hoàn thành triển khai tới toàn bộ 36 trường học tại Nghĩa Lộ trong tuần tới. Với bộ giải pháp này, gần 700 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khoảng 14.000 học sinh sẽ được bảo vệ an toàn khi tham gia không gian mạng. - ông Trần Đăng Khoa chia sẻ thêm.
Ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS - đơn vị tài trợ cuộc thi “Học sinh với ATTT” cho biết: “Cùng với việc trang bị và tìm kiếm các giải pháp công nghệ để quản lý, bảo vệ trẻ em trên Internet thì việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các em khi tham gia môi trường mạng có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Công ty SCS luôn nỗ lực phát triển các giải pháp Internet an toàn để bảo vệ, tạo ra không gian mạng an toàn; và trên hết có thể đồng hành cùng các em trên môi trường mạng”.
Đại diện Cốc Cốc chia sẻ tại buổi lễ
Bà Mai Thị Thanh Oanh, đại diện Cốc Cốc, - đơn vị tài trợ bạc của cuộc thi chia sẻ: Năm nay là năm đầu tiên Cốc Cốc đồng hành cùng cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin 2023”. Với thế mạnh là nền tảng Việt Nam có trên 29 triệu người dùng cùng đội ngũ kĩ thuật hùng mạnh, sẵn sàng khắc phục nhanh chóng mọi vấn đề phát sinh, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin cho các em học sinh khi tiếp cận các thông tin mới trong quá trình thi, Cốc Cốc tin rằng các em học sinh sẽ có được điều kiện tốt nhất tham gia cuộc thi An toàn thông tin với học sinh năm 2023.
Thông tin chi tiết cuộc thi
Các thí sinh dự thi trực tuyến qua website http://thihsattt.vn của Ban tổ chức. Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Thí sinh chỉ được thi một lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 15-3-2023 đến 5-4-2023 (3 tuần).
Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới an toàn thông tin và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, từ vấn đề pháp lý, nhận diện các nguy cơ và các tình huống bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.
Ngân hàng đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung cơ sở dữ liệu đề thi năm 2022, với gần 300 câu hỏi mới. Ban tổ chức cuộc thi đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các đơn vị phối hợp tổ chức và đã xây dụng được 1.018 câu hỏi trắc nghiệm trong cơ sở dữ liệu đề thi.
Bên cạnh đó, VNISA đã nâng cấp, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến của Cuộc thi. Các em học sinh sau khi đăng ký tài khoản, có thể tham gia thi thử để làm quen với dạng câu hỏi và cách làm bài thi.
Năm 2022, lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã thu hút 592.810 thí sinh của 5.783 Trường THCS thuộc 63 tỉnh, thành phố tham dự. Với kết quả đáng khích lệ đó, năm nay cuộc thi hy vọng sẽ thu hút được sự hưởng ứng nhiều hơn nữa của học sinh của các trường THCS trên cả nước và là dịp để các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo… có thêm hiểu biết, kiến thức để có thể sử dụng không gian mạng một cách an toàn và hữu ích.
Cuộc thi sẽ có nhiều giải thưởng hấp dẫn (111 giải thưởng), bao gồm:
Giải thưởng tập thể dành cho 03 Sở GDĐT các địa phương (03 giải nhất), gồm Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Ban tổ chức cuộc thi và phần thưởng bằng tiền mặt.
Giải thưởng tập thể dành cho Trường THCS (03 giải Nhất và 05 giải Nhì) dành cho Trường THCS, gồm bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Ban tổ chức cuộc thi và phần thưởng bằng tiền mặt.
Các Trường đạt giải tập thể còn được nhận thêm phần quà là Giải pháp an toàn Internet cho trường học (trị giá khoảng 20 triệu đồng/giải pháp) từ Ban tổ chức
Giải cá nhân (với 100 giải thưởng) gồm Bằng khen, Giấy khen của Ban tổ chức cuộc thi và các phần quà công nghệ hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh./.