PGS.TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề phát triển khoa học công nghệ (KHCN) được nêu trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt hôm qua (7/6).
Các câu hỏi của đại biểu sát với diễn biến của thực tiễn trong lĩnh vực KHCN nên có trọng tâm và ngắn gọn, rõ ràng. Có một số câu hỏi đi sâu vào kỹ thuật chuyên biệt hoặc yêu cầu số liệu chi tiết, nội dung là tốt nhưng có lẽ khó cho việc trả lời trực tiếp tại hội trường.
Về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, PGS.TS Bùi Bá Bổng đánh giá: "Tôi thấy Bộ trưởng có tinh thần cầu thị và nhận trách nhiệm cao, đồng thời đã nêu được các giải pháp, trong đó có những việc sẽ thực hiện ngay. Nhưng có lẽ do lĩnh vực KHCN quá rộng và lần đầu Bộ trưởng trả lời chất vấn ở Quốc hội nên cách diễn đạt chưa sắc nét, nhất là các điểm nhấn từ quan điểm cá nhân của Bộ trưởng".
Liên quan đến việc phát triển KHCN trong nông nghiệp hiện nay như thế nào, PGS.TS Bùi Bá Bổng cho biết: Nhiều ý kiến trong phiên chất vấn, đặc biệt trong kết luận phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã đánh giá cao đóng góp của KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn, các tiến bộ KHCN do các nhà khoa học nước tạo ra còn đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, phần chuyển giao kết quả KHCN đến sản xuất được sự giúp sức của hệ thống khuyến nông nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng và khuyến nông của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Các đóng góp đó có được trong điều kiện không dễ dàng như kinh phí nghiên cứu eo hẹp và các rào cản về thể chế, chính sách trong hoạt động KHCN như các đại biểu nêu.
PGS.TS Bùi Bá Bổng nhìn nhận: "Trước các câu hỏi của đại biểu về KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp xoay quanh nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã trả lời rất thỏa đáng. Theo đó, công nghệ cao cần đến được với nông dân để hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Tiếp đến cần định hình lại hoạt động của khu nông nghiệp công nghệ cao đã được thành lập ở một số địa phương để đi đúng hướng là trung tâm nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao và đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao thay vì giống như khu công nghiệp chiếm nhiều đất và đầu tư hạ tầng lớn. Hai định hướng này là rất quan trọng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho thời gian tới".
PGS.TS Bùi Bá Bổng chia sẻ thêm, các tồn tại và rào cản trong phát triển KHCN cũng đã được đề cập đến từ nhiều năm nay nhưng có lẽ trong lần chất vấn này là tập trung nhất, từ ý kiến đại biểu đến ý kiến của các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ. Đặc biệt phần thống nhất về nhận thức trong tháo gỡ các rào cản để tạo động lực mới cho KHCN phát triển, không gian mới cho các nhà khoa học phát huy tài năng được thể hiện rất rõ ràng, vấn đề còn lại là hành động nhanh và thật để đem lại kết quả thật, tạo ra đột phá về phát triển KHCN nước ta.
Làm được những điều này, các nhà khoa học đang đứng trước cơ hội "được giải phóng" để được sáng tạo và cống hiến. Như nông dân trước đây khi được giải phóng qua chính sách đổi mới, nước ta đã từ thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn.
Bằng kinh nghiệm quản lý ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực KHCN trong nông nghiệp, PGS.TS Bùi Bá Bổng tin rằng, nếu nhà khoa học được "giải phóng", họ sẽ góp phần xứng đáng trong xây dựng đất nước phồn vinh, thu nhập người dân được nâng cao. "Chúng ta không sợ thiếu người tài hay gọi là nhà khoa học đầu đàn. Khi có quyết sách đúng đắn sẽ phát huy lớp người tài tiềm năng đang có không ít và tạo ra một thế hệ người tài mới cho tương lai. Tiềm lực quốc gia về KHCN là chỗ dựa của độc lập và tự cường quốc gia", PGS.TS Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.