Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về cách mạng 4.0

Chủ nhật, 20/09/2020 10:38

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vừa được ban hành.

 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu

Nghị quyết 50 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 17/4/2020.
 
Chương trình hành động nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết 52. Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 52.
 
20200421-pg21.jpg
 
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 52 đề ra, thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và tổ chức triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0; Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0...
 
Đối với việc triển khai từng nhóm nhiệm vụ, tại chương trình hành động mới ban hành, Chính phủ cũng phân công cụ thể các công việc mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung.
 
Cụ thể, để hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số; tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm sau đó nhân rộng đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ CMCN 4.0 có tiềm năng gây rủi ro cao.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên các nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội.
 
Bộ TT&TT có trách nhiệm chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.
 
Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý cho định danh số và xác thực điện tử quốc gia; thiết lập khung danh tính số quốc gia; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch điện tử; xây dựng các cơ sở, hạ tần kỹ thuật phục vụ công tác thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực CNTT-TT.
 
Coi dữ liệu là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội
Về xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, Chính phủ giao Bộ TT&TT triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên toàn quốc tới tất cả các thôn, làng, trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng, bảo đảm tính liên tục và dự phòng. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số.'
 
Cùng với đó, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nghiên cứu xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; hình thành hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia, các Trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thông nhất. Coi dữ liệu là tài nguyên và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội; hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của nhà nước và doanh nghiệp.
 
Bộ KH&CN được yêu cầu tăng cường đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu kết hợp phát triển các doanh nghiệp công nghệ.
 
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dựa trên nền tảng số, Internet và không gian mạng.
 
Đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0, Chính phủ giao Bộ TT&TT thực hiện phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng.
 
Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ: TT&TT, LĐTB&XH và các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát tổng thể, đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi, phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu...
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top