Cụ thể, theo báo cáo minh bạch quý II/2022 mà TikTok công bố mới đây cho thấy nền tảng mạng xã hội này đã xóa 113 triệu video "rác" chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 – 6/2022).
Theo The Verge, phần nhiều các video bị xóa liên quan các nội dung độc hại vi phạm về chính sách an toàn với trẻ em khi chiếm 44%. Các lý do phổ viến khác là hoạt động bất hợp pháp, hàng hóa thuộc diện bị quản lý, cũng như các video nghi có hình ảnh nhạy cảm, nội dung người lớn...
Số liệu của TikTok cũng cho thấy, ngày càng nhiều video vi phạm chính sách bị xóa bởi hệ thống tự động của nền tảng TikTok - với khoảng 48 triệu video trong quý II. Khoảng gần 96% video đã bị xóa trước khi người dùng kịp gửi báo cáo nội dung xấu lên TikTok.
TikTok cho biết nền tảng này đã sử dụng kết hợp thuật toán tự động và đánh giá của con người để sàng lọc nội dung có thể vi phạm nguyên tắc sử dụng.
"Tận dụng công nghệ học máy đã giúp chúng tôi nhận diện những thông tin sai lệch, độc hại", báo cáo viết. Công ty này cũng khẳng định sẽ tiếp tục phát triển hệ thống để đối phó với vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch ngày càng hoành hành, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng chính trị hay những sự kiện quan trọng như bầu cử.
Bên cạnh đó, TikTok cũng cải thiện khả năng phát hiện âm thanh và hình ảnh gây hiểu lầm đã biết để giảm nội dung bị thao túng trên nền tảng.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới, mới đây TikTok cũng đã thông báo rằng họ sẽ ngăn chặn tất cả các hoạt động gây quỹ chính trị và yêu cầu các tài khoản chính phủ, chính trị gia và đảng phái chính trị phải đăng ký xác minh trên nền tảng này. Thông báo này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của TikTok nhằm kiềm chế thông tin sai lệch về bầu cử và quảng bá chính trị./.