Một ngày đầu tháng 3, Cheung Tin-sang nhận ra rằng chi nhánh Ngân hàng Hang Seng gần công ty tại khu vực Sheung Wan (Hongkong) đã đóng cửa. Không hề lo ngại, cụ ông ngoài 80 tuổi đi bộ thêm 15 phút đi đến một chi nhánh khác của ngân hàng này ở khu trung tâm để rút tiền.
“Rút tiền là lý do chính để đi ra ngân hàng những ngày này vì hầu hết nghiệp vụ của ngân hàng đều đã được triển khai theo hình thức điện tử”, theo lời một cựu môi giới chứng khoán làm việc tại Công ty chứng khoán Luk Fook.
Phòng giao dịch Sheung Wan của Ngân hàng Hang Seng là một trong 600 phòng giao dịch bị đóng cửa trên toàn bộ lãnh thổ Hongkong khi biến thể Omicron của COVID-19 đã khiến cho các nhà hàng, trường học, doanh nghiệp trên lãnh thổ có 7,5 triệu dân này phải đóng cửa.
Mặc dù vậy, các nghiệp vụ ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động khi người vay tiền và người gửi tiền chuyển sang các app ngân hàng, thanh toán điện tử, ngân hàng số, theo Cơ quan Tiền tệ Hongkong (HKMA).
Có khoảng 164 ngân hàng với 1.100 phòng giao dịch đang hoạt động tại Hongkong. Hongkong được coi là một trong những thành phố có mật độ ngân hàng dày đặc nhất thế giới. Việc đóng cửa các phòng giao dịch ngân hàng trong 10 tuần vì COVID-19 là thời gian đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Hongkong, buộc nhiều ngân hàng phải số hoá hoạt động của mình, từ đó đặt ra câu hỏi liệu các phòng giao dịch (mất khoảng 127.400 USD chi phí vận hành/tháng) có còn cần thiết nữa không.
Tại các thị trường đã phát triển trên thế giới, ngân hàng truyền thống đang bị ngân hàng số thay thế nhưng các ngân hàng nằm ở góc phố ở Hongkong vẫn tiếp tục tồn tại. Đây là sự kỳ lạ nếu tính đến phí thuê nhà và lương nhân viên tại thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới này.
Từ năm 2017-2020, tổng số 72 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tại Hongkong đã đóng cửa, khiến cho mạng lưới ngân hàng của Hongkong giảm 4,4%. Trong cùng thời kỳ, Anh đóng cửa 2,473 chi nhánh (21,8%), ở Pháp là 4.985 (13,3%), ở Italia là 5.815 , ở Tây Ban Nha là 6.415, ở Đức là 7.926 (19,9%), theo số liệu do Sia Partners tại Paris tổng hợp.
Một chi nhánh ngân hàng HSBC đóng cửa vào tháng 2 do đại dịch COVID
“Việc đóng cửa các chi nhánh ngân hàng phần lớn là do hành vi của khách hàng thay đổi cùng với sự phát triển của ngân hàng số. Sở dĩ có sự chuyển dịch này là do chính quyền Hongkong nỗ lực tăng cường tính hiệu quả của ngành ngân hàng thông qua các giải pháp số trong những năm gần đây, cho phép các ngân hàng tối ưu hoá tính hiệu quả của mạng lưới chi nhánh ngân hàng và tiết kiệm được chi phí”, theo Etienne Ranwez, Giám đốc cao cấp chi nhánh Ngân hàng của Sia.
Một bước đột phá xuất hiện năm 2018 khi Ngân hàng trung ương Hongkong triển khai Hệ thống thanh toán nhanh (FPS) cho phép chuyển tiền trực tuyến giữa các ngân hàng khác nhau chỉ cần sử dụng 1 phương thức định danh đơn giản như số điện thoại. FPS đã có 10 triệu người sử dụng tính đến tháng 3/2022 chỉ sau 3 năm triển khai.
Dữ liệu của HKMA cho thấy 98% hoạt động chuyển tiền của khách hàng cá nhân được thực hiện theo phương thức điện tử vào nửa cuối năm 2021, chỉ có 2% giao dịch được thực hiện tại chi nhánh ngân hàng. Tỉ lệ tài khoản mới được mở theo phương thức điện tử tăng gấp đôi lên 39% so với mức 17% trước thời kỳ COVID-19.
Theo Maggie Ng, Trưởng phòng tài sản và ngân hàng cá nhân, “COVID-19 đã chính thức hoá các chiến lược số hoá của chúng tôi và triển khai một phương thức làm việc linh hoạt”. Ngân hàng có thể cung cấp tất cả mọi dịch vụ ngay cả khi 80% nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng làm việc tại nhà trong thời kỳ đỉnh dịch.
HSBC, ngân hàng cho vay lớn nhất tại Hongkong đã mở hai trung tâm quản lý tài sản mới trong thời kỳ đại dịch mặc dù đã phải tạm thời đóng cửa 70% chi nhánh thời kỳ đỉnh dịch do nhân viên bị lây nhiễm virus.
Theo Ajay Mathur, Giám đốc điều hành, Trưởng phòng phụ trách ngân hàng dành cho cá nhân và quản lý tài sản tại Ngân hàng DBS Bank Hongkong, “Đại dịch COVID-19 đã đem lại cơ hội số hoá, sử dụng công nghệ, từ đó xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và các hành vi tiêu dùng mới”. DBS Bank Hongkong đã ngưng hoạt động các quầy phục vụ khách hàng tại 14 chi nhánh trong tổng số 27 chi nhánh vào đầu tháng 3.
Khách hàng của DBS rất nhiệt tình đón nhận dịch vụ ngân hàng điện tử, 80% khách hàng cá nhân sử dụng các kênh điện tử tăng 40% so với trước COVID-19. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại ngân hàng Standard Chartered. Các giao dịch tại quầy của Standard Chartered giảm gần 60% từ năm 2019, theo Theodore Mak, phụ trách mạng lưới phân phối của Standard Chartered. Ngân hàng này đã phải tạm đóng cửa 45/70 chi nhánh vào đỉnh dịch.
Một loạt các tác vụ hành chính đòi hỏi phải đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng nay có thể thực hiện trực tuyến, từ cập nhật thông tin cá nhân cho đến yêu cầu quyển séc với nhu cầu tăng 14% vào tháng 11/2021 so với trước đó 1 năm. “Khách hàng chọn sử dụng kênh điện tử cho các giao dịch đơn giản. Họ chỉ đến chi nhánh khi cần tư vấn về các sản phẩm phức tạp. Để có thể cung cấp những trải nghiệm đa kênh tuyệt hảo nhất đến khách hàng, một mạng lưới chi nhánh vẫn là một trong những đầu tư chủ chốt của chúng tôi”.
Tuy nhiên, quyển séc vẫn tiếp tục tồn tại vì quy định của ngành ngân hàng Hongkong yêu cầu phải có chữ ký tay trên các hợp đồng tài sản và séc giấy vẫn được coi là cách đặt cọc cho các giao dịch lớn trong lĩnh vực bất động sản, nhập học, và nhiều hoạt động kinh doanh khác. Tương tự, các khoản nợ vay bằng các tài sản thế chấp cũng phải có chữ ký tay tại các chi nhánh ngân hàng.
Các chi nhánh ngân hàng đã từng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động tài chính vì các nguồn tài chính dành cho các giao dịch đều phải thực hiện tại đây, theo Cheung, một người làm môi giới chứng khoán đã 66 năm. “Khách hàng không còn dùng séc vì họ thấy giao dịch tiền điện tử thuận tiện hơn. Tôi không thấy phiền hà gì khi các chi nhánh ngân hàng đóng cửa. Chúng tôi có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến”.
Ngân hàng DBS Hongkong tiếp tục duy trì dịch vụ tại các chi nhánh để xây dựng sự tin tưởng vào thương hiệu của ngân hàng và đây là một điểm giao dịch trực tiếp với khách hàng. Các ngân hàng vẫn cần sự hiện diện vật lý trong cộng đồng để phục vụ người già vì ở Hongkong cứ 5 người dân có 1 người trên 65 tuổi.
Cứ 1 km2 Hongkong vẫn sẽ có một chi nhánh ngân hàng, vẫn là lãnh thổ có mật độ ngân hàng cao nhất trong thế giới phát triển. Hongkong chưa sẵn sàng trở thành một xã hội không có chi nhánh ngân hàng vì văn hoá ở đây vẫn là sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau đã ăn vào gốc rễ, vì tính chất địa lý, sự tập trung quản lý tài sản ở mức cao và trách nhiệm xã hội của các ngân hàng truyền thống.