Ảnh minh họa
Đây là kênh thông tin giúp người dùng chỉ cần một lần chạm sẽ nắm được mọi thủ tục hành chính thông qua điện thoại di động.
“Đây là trợ lý ảo giúp thực hiện trả lời người dân về thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, trả lời thông tin cơ bản về du lịch, sản phẩm OCOP, cơ sở y tế, tuyến xe bus, tra cứu điểm thi tốt nghiệp… thông qua mạng xã hội Zalo và Facebook Messenger được triển khai từ đầu năm 2022”, bà Quyên nói.
Để sử dụng, người dùng cần tìm "1022 Quảng Nam" trên Zalo hoặc Facebook Messenger. Sau đó, nhấn nút "Get Started" hoặc "Bắt đầu" (đối với Facebook Messenger), nhấn nút "Follow" hoặc "theo dõi" (đối với Zalo) để tương tác với trợ lý ảo. Lúc này, trợ lý ảo sẽ hiển thị câu chào kèm nút gợi ý chủ đề.
Bà Quyên giải thích, trợ lý ảo sẽ nhận diện theo từ khóa, ví dụ như người dùng quan tâm đăng ký thi giấy phép lái xe, mọi người sẽ gõ cụm từ: “Giấy phép lái xe”. Từ đây, hàng loạt thủ tục liên quan đến giấy phép lái xe sẽ được đưa đến người dùng, từ cấp mới, đổi, đến cấp lại giấy phép lái xe đều được trợ lý ảo tự động trả lời.
Gần 1 năm qua, ứng dụng chatbot “1022 Quảng Nam” đã có 20.450 người dùng với trên 75.000 câu hỏi gửi về. Tỷ lệ câu hỏi được trả lời trên 90%. Vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất chính là các thủ tục đất đai. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng thời gian cụ thể sẽ có những nội dung tìm kiếm khác nhau.
Theo bà Quyên, những con số trên nói lên được phần nào thành công ban đầu của dự án, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Thứ nhất, ứng dụng này nhận diện từ khóa nên khi người dùng nhập từ khóa gần giống, hoặc từ cùng nghĩa sẽ không nhận được kết quả như mong muốn.
Ví dụ thực tiễn, khi muốn đăng ký giấy phép kinh doanh, nhiều người dân muốn tìm theo cách dễ hiểu sẽ gõ: “Mở cửa hàng kinh doanh”, cụm từ này không có trong cụm từ khóa của ứng dụng, dẫn đến việc chatbot không có câu trả lời chính xác”.
Khó khăn nữa là việc xung đột những từ khóa đang diễn ra trong ứng dụng chatbot này. Hiện trong ứng dụng đang tích hợp nhiều lựa chọn cho người dùng, từ thủ tục hành chính, đến du lịch, sản phẩm OCOP… khi gõ cụm từ có điểm chung giữa những lựa chọn trên, trợ lý ảo trả về đáp án không chính xác như người dùng mong muốn.
Một khó khăn khác, người dùng gõ tiếng Việt không dấu, đa phần chatbot sẽ không hiểu.
Việc xung đột từ khóa khiến chúng tôi rất đau đầu vì đây là bài toán khá nan giải. Đội ngũ của dự án dự kiến sẽ tách nhỏ, đưa ứng dụng này chỉ phục vụ nhu cầu thủ tục hành chính. Đến khi hoàn thiện sẽ phát triển những mảng khác như du lịch, sản phẩm OCOP…”, bà Quyên nói.
“Chúng tôi dự kiến nhận diện từ khóa bằng giọng nói. Hệ thống nhận diện giọng nói không mới, nhưng với những hệ thống chatbot như này của chúng tôi, vẫn cần sự giúp sức rất lớn từ kinh phí, chính sách”, bà Quyên chia sẻ.