Để kịp thời chấn chỉnh các vấn đề tồn tại, bất cập trên, Bộ TT&TT đã ban hành các văn bản hành chính, chỉ rõ vấn đề tồn tại, bất cập; đưa ra các biện pháp, yêu cầu chấn chỉnh đối với cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo báo chí và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan có ứng xử, làm việc, cung cấp thông tin phù hợp với tạp chí.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của các Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về báo chí và thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành lập Tổ công tác hoặc lập Đoàn thanh tra, kiểm tra, tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Bộ TT&TT đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ nới rộng thẩm quyền xử phạt của cơ quan quản lý về báo chí tại địa phương tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Các Sở TT&TT có thể chủ động xem xét, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm để xử lý các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có hành vi trái pháp luật.
Từ năm 2022 đến Quý I năm 2023, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, tổng số tiền phạt là 1 tỷ 286,25 triệu đồng, trong đó có xử phạt về hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật; thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định.
Ngày 17/8/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1547/QĐ-BTT&TT về việc thu hồi Giấy phép hoạt động báo chí của Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý thuộc Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường. Đây là trường hợp cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về báo chí, để xảy ra mâu thuẫn kéo dài đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra và Kết luận kiểm tra của Thanh tra Bộ TT&TT.
Bộ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản có nhiều vi phạm, xem xét, đánh giá cơ quan báo chí có đảm bảo các điều kiện hoạt động như trong đề án cấp giấy phép hoạt động báo chí hay không.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp để quản lý các cơ quan báo chí, kiểm soát đội ngũ phóng viên, nhà báo thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định, cụ thể:
- Đề nghị cơ quan chủ quản báo chí nâng cao vai trò, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức liên quan khi cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm.
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hoặc để nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật.
- Đề nghị các cơ quan báo chí liên hệ công tác và yêu cầu cung cấp thông tin qua hình thức văn bản điện tử để đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ báo chí.
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, duy trì phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo, đảm bảo nguồn nhân lực làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết và tuân thủ pháp luật.
- Kiến nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí quan tâm, bổ sung kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ để các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên, hỗ trợ tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí.
- Hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số./.