“Cha đẻ” của những bộ sách dạy chữ Khmer

Thứ ba, 22/02/2022 15:27

Đến xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng hỏi thăm thầy giáo Lâm Es hầu như ai cũng biết rất rõ, bởi ông là một tấm gương sáng vượt khó học giỏi và là một cán bộ uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

2.jpg

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es giới thiệu về bộ sách giáo khoa tiếng Khmer.

Nhờ quá trình miệt mài tự học và những tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục, thầy Lâm Es có công trình nghiên cứu quan trọng về sách dạy-học chữ Khmer, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) cao quý.

Tấm gương hiếu học

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà NGND Lâm Es ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú. Chúng tôi đến nhà đúng dịp thầy đang dở tay dọn dẹp lại một số bằng khen, giấy tờ quan trọng. Thầy nói: “Bao nhiêu năm công tác, tôi may mắn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2002; danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994 và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2002...

Những thành tích mà tôi có được ngoài nhờ sự nỗ lực của bản thân còn do sự hỗ trợ của nhiều người nhưng trong đó có cả sự may mắn”.

Thầy tự nhận mình may mắn nhưng qua buổi trò chuyện, chúng tôi lại cho rằng thành quả mà thầy có được là một nỗ lực phi thường, sự vượt khó của thầy từ lúc là cậu bé 5 tuổi. Theo lời kể của thầy Lâm Es, ngày đó, chuyện học ở vùng quê nghèo xã Thạnh Phú là chuyện hiếm bởi “cơm còn không đủ ăn no”. Mồ côi cha từ 5 tuổi, nhà nghèo, anh em của thầy mất dần vì dịch bệnh, không có điều kiện cứu chữa. Thầy lớn lên từ sự tảo tần của mẹ và sự giúp đỡ của hàng xóm.

Ngày ngày, Lâm Es phải hai buổi lội bộ đến chùa Đại Tâm học chữ. Quãng đường dài hơn 5 cây số dường như ngắn lại trước nỗi khát khao biết chữ cháy bỏng trong lòng cậu bé. Và cũng chính trên con đường ấy, cậu bé Lâm Es đã được gặp, được học hỏi ở thầy Sơn Cao-một thầy giáo dạy chữ miễn phí của chùa Đại Tâm. 

Mỗi ngày, Lâm Es được thầy Sơn Cao dạy tiếng dân tộc, cắt nghĩa những bài học về đạo đức làm người. “Thầy Sơn Cao là người khơi vào lòng tôi tình yêu mãnh liệt với tiếng nói đồng bào và mơ ước sau này được trở thành thầy giáo”, thầy Lâm Es bộc bạch.

Nhà nghèo, một buổi đi học, một buổi chăn trâu nhưng cậu bé Lâm Es vẫn khiến bạn bè nể phục bởi học rất giỏi. Hết lớp 5, cậu nhận được học bổng lên Trường Trung học Đệ nhất cấp Khai Trí ở thị xã Sóc Trăng để theo học cấp 2. Siêng năng, chăm học, vì vậy, hết lớp 9, học sinh Lâm Es đã có đủ kiến thức để trở thành thầy giáo. Thầy giáo trẻ Lâm Es lại nối bước thầy mình, quay về chùa dạy học miễn phí. Nhắc đến chuyện này, thầy cười đôn hậu: “Bà con lo cơm nước nuôi mình, mình chỉ biết dạy học thôi!”.

Với thầy, “Học là để giải thoát cho con người. Từ dốt để trở thành người có tri thức, từ nghèo trở thành khá giả rồi hướng dẫn cho người khác, giúp đỡ cho bản thân, gia đình mình, rồi phum, sóc. Người không biết chữ là người mù. Khi đi dạy, thầy tự nhủ phải cố gắng học, hiểu biết nhiều hơn, như vậy mới giúp ích cho nhiều người hơn”.

Vì thế, thầy bắt đầu học thêm ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp và cũng để dạy lại cho học trò. Chùa Đại Tâm thời ấy là ngôi chùa đầu tiên có các lớp học miễn phí dạy cả tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Anh, Pháp. Từ năm 1972-1977, thầy Lâm Es tiếp tục tự học, đỗ tú tài 2, làm giáo viên dạy tiếng Khmer và tiếng Pháp tại Trường trung học cơ sở (THCS) Pô Thi (nay là Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, TP Sóc Trăng).

Sau ngày miền Nam giải phóng, thầy Lâm Es chủ yếu dạy văn hóa cho con em đồng bào Khmer và tiếp tục tự trau dồi thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Từ năm 1978, thầy Lâm Es được chuyển về Ty Giáo dục Hậu Giang làm công tác quản lý, phụ trách mảng giáo dục dân tộc.

Nhà giáo tâm huyết và những công trình nghiên cứu để đời

Giữa mạch chuyện đời-chuyện nghề đan xen hiện tại-quá khứ, NGND Lâm Es nói với chúng tôi: “Hơn 40 năm trong nghề giáo, chuyện vui-buồn không sao đếm xuể. Nhưng chuyện buồn rồi cũng qua đi, chuyện vui thì cũng quá đủ đầy với hai danh hiệu cao quý. Bây giờ, điều làm tôi mãn nguyện nhất là trong quá trình giảng dạy gắn bó với con em người Khmer, tôi đã cùng các đồng sự biên soạn được nhiều tài liệu học tập, giảng dạy có giá trị”.

Theo lời kể của thầy Lâm Es: "Những năm 1972-1977, khi dạy ở chùa, tôi dạy tiếng Việt và Khmer. Lúc đó chỉ nghĩ dạy thôi chứ không có chương trình hay đề cương cụ thể. Đến năm 1978, thầy được Bộ Giáo dục triệu tập tham gia biên soạn thí điểm hai tập sách giáo khoa tiếng Khmer bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Từ những kinh nghiệm thực tế giảng dạy hai ngôn ngữ Việt-Khmer, trong các năm 1982-1983, thầy Lâm Es tiếp tục được mời tham gia biên soạn 5 tập sách giáo khoa chính thức phục vụ giảng dạy trong các trường Khmer; cho đến nay, những bộ sách này vẫn còn được sử dụng. Bộ sách giáo khoa tiếng Khmer do thầy chủ biên được tái bản nhiều lần và trở thành bộ sách giáo khoa được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer cho đến nay.

Ngoài ra, thầy Lâm Es còn có nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Đến nay, thầy Lâm Es có khoảng 100 đầu sách được xuất bản. Trong đó có 53 đầu sách mang tầm quốc gia, số còn lại là sách phục vụ cho địa phương.

Trong đó có nhiều bộ sách có giá trị như: Bộ sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ tiểu học đến THCS; bộ sách dành cho Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12; bộ sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9; giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở trường trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm; tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ...

Đặc biệt, từ năm học 2005-2006, bộ sách mới chữ Khmer dành cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy. 

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, “UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp hội đồng cấp tỉnh xét tặng giải thưởng cấp Quốc gia, trong đó Công trình “Bộ sách giáo khoa tiếng Khmer” của NGND Lâm Es được đề xuất giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Các thành viên hội đồng cấp tỉnh đã thống nhất đề xuất khen thưởng công trình nói trên.

Công trình “Bộ sách giáo khoa tiếng Khmer” có ý nghĩa quan trọng trong phục vụ giảng dạy, không chỉ cho đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng mà cho cả khu vực Nam Bộ. Bên cạnh đó, bộ sách còn được sử dụng để bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức theo đề án của Tỉnh ủy Sóc Trăng”, bà Ngọc thông tin.

Không chỉ biên soạn giáo trình giảng dạy song ngữ, NGND Lâm Es còn là một trong những người đầu tiên đề xướng Mô hình “Trường phổ thông dân tộc nội trú” có học bổng, tập sách, quần áo, ăn ở, tiền tàu xe về phép... cho con em Khmer nghèo theo học.

Lúc đầu, mô hình này không có học sinh nhưng đến nay, hệ thống trường phổ thông trung học nội trú ở Sóc Trăng đã trở nên quá tải vì không đáp ứng được nhu cầu theo học ngày càng đông của học sinh nghèo người Khmer.

NGND Lâm Es là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, một người thầy hơn 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục và nhiệt tâm với công tác khuyến học, khuyến tài. Ông là niềm tự hào của bà con Khmer, người dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung về đức tính giản dị.

Nhà giáo một đời tự học, một người thầy mẫu mực đã dành gần trọn cuộc đời cống hiến và chăm lo cho công tác giáo dục dân tộc và sự nghiệp giáo dục.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, thầy Lâm Es vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1994); Nhà giáo Nhân dân (2002, là NGND đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và duy nhất của người Khmer trên cả nước cho đến nay); Huân chương Lao động hạng Ba (2008); hơn 20 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng...

 

Theo qdnd.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top