Người dùng iPhone có thể bị theo dõi
“Tại Washington và những nơi khác, các nhà hoạch định chính sách đang lấy lý do đảm bảo sự cạnh tranh để buộc Apple cho phép cài đặt các ứng dụng ngoài cửa hàng ứng dụng, thông qua quá trình gọi là sideloading. Điều này có nghĩa là các công ty săn tìm dữ liệu có thể né tránh các quy tắc bảo mật của công ty và theo dõi trái phép người dùng”, ông Cook cho biết.
Phát biểu của CEO Apple cho thấy công ty này đang tập trung vào những rủi ro của sideloading đối với người dùng, nhằm giảm nhẹ các yêu cầu liên quan trong dự luật về chống độc quyền.
“Sideloading cũng có khả năng tạo cơ hội cho các đối tượng xấu tìm cách lách khỏi những biện pháp bảo vệ an ninh toàn diện mà công ty đang áp dụng”, ông khẳng định.
Tại Mỹ, đạo luật Các thị trường mở sẽ yêu cầu “Nhà Táo” cho phép cài đặt ứng dụng từ bên ngoài. Các nội dung này đã được Ủy ban tư pháp Thượng viện thông qua vào đầu tháng và dự kiến đem ra thảo luận chi tiết tại Quốc hội trong năm nay.
Trong khi đó, tại châu Âu, các nhà chức trách đã nhất trí với đạo luật Thị trường kỹ thuật số, bộ quy tắc sâu rộng nhằm vào Big Tech. Dự thảo ban đầu của đạo luật cũng bao gồm yêu cầu cho phép sideloading, tuy nhiên quy trình lập pháp vẫn chưa được hoàn thiện.
Nhằm vào phí ứng dụng trên App Store
Cơ quan chức năng cho biết việc yêu cầu Apple cho phép cài đặt phần mềm từ Internet sẽ thúc đẩy cạnh tranh và xoa dịu phía nhà phát triển ứng dụng, những người cho rằng khoản phí từ 15 - 30% mà gã khổng lồ iPhone quy định đối với các giao dịch trên App Store là quá mức. Một số người cho rằng nếu các nhà phát triển có thể phân phối ứng dụng iPhone không cần qua cửa hàng ứng dụng, họ có thể lập hoá đơn trực tiếp cho khách hàng và bỏ qua mức phí của Apple.
Đáp lại, “Nhà Táo” lập luận rằng tính năng sideloading làm giảm giá trị của iPhone vì hiện tại công ty rà soát tất cả các phần mềm trên App Store thông qua quy trình App Review nhằm kiểm tra, phát hiện các ứng dụng lừa đảo, độc hại.
CEO Tim Cook đưa ra ví dụ về một ứng dụng theo dõi Covid-19 trên điện thoại Android có chứa mã độc tống tiền. Đầu tháng 3/2020, App Store của Apple đã từ chối cấp phép những phần mềm liên quan Coronavirus mà không có sự xác nhận của các tổ chức đáng tin cậy nhằm ngăn chặn sự cố tương tự trên iPhone.
“Việc loại bỏ một tùy chọn an toàn hơn sẽ khiến lựa chọn của người dùng bị thu hẹp thay vì tăng lên. Các công ty muốn khai thác dữ liệu người dùng hoàn toàn có thể thoát khỏi App Store, tạo ra áp lực đáng kể đối với khách hàng khi họ phải tương tác với những cửa hàng ứng dụng thay thế”, vị thuyền trưởng Apple cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên Apple đưa ra lập luận về bảo mật để chống lại các quy định nhằm quản lý App Store. Đầu năm nay, trong bức thư gửi tới nhà chức trách, một lãnh đạo của Apple cũng nói rằng việc cho phép cài đặt ứng dụng bên ngoài có thể khiến hàng triệu người Mỹ phải hứng chịu các cuộc tấn công do phần mềm độc hại trên điện thoại.