Công ty cổ phần công nghệ cao Hachi Việt Nam thành lập năm 2016 với sự đầu tư và hỗ trợ từ Quỹ Việt Nam Silicon Vallley (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hachi ứng dụng công nghệ 4.0 vào các trang trại công nghệ cao, giúp tăng năng suất, không sử dụng thuốc trừ sâu.
CEO 9X Đặng Xuân Trường: Trồng rau bằng smartphone, không cần đất, không cần ánh sáng
Thứ tư, 14/12/2022 23:48
Trồng rau không cần đất, ánh sáng, chỉ với chiếc smartphone ngồi thong thả ở nhà lướt mạng vẫn có thể quản lý được trang trại cách đó hàng trăm km. Đó là một trong những tiện ích từ hệ thống điều khiển IoT mà Đặng Xuân Trường và các cộng sự đã tạo ra.
Sản phẩm trồng rau bằng smartphone Hachi đã liên tiếp giành nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Techfest 2016 (Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức). Giải Dự án Nông nghiệp xuất sắc nhất Startupwheel 2016. Giải Startup triển vọng Nhân tài đất Việt 2016. Giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Top 7 startup sáng tạo nhất châu Á do Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn.
CEO Hachi là Đặng Xuân Trường, sinh năm 1991. Trường là cử nhân ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhờ ứng dụng IoT trồng rau sạch, Đặng Xuân Trường được vinh danh là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2018.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa PV Dân Việt và CEO 9x này về hành trình từ một cử nhân công nghệ thông tin đến khởi nghiệp nông nghiệp 4.0.
CEO 9X Đặng Xuân Trường: Trồng rau bằng smartphone, không cần đất, không cần ánh sáng - Ảnh 1.
Hachi ứng dụng công nghệ 4.0 vào các trang trại công nghệ cao, giúp tăng năng suất, không sử dụng thuốc trừ sâu. Ảnh: NVCC
Chào Trường, mình rất tò mò về tên công ty của các bạn. Hachi - nghe rất giống tiếng Nhật Bản?
- Hachi là từ ghép của “happy” (hạnh phúc) và “tree” (cái cây), nhưng cũng có nghĩa là con ong trong tiếng Nhật, đây là một biểu tượng của nông nghiệp.
Chúng mình muốn nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cần cù của Hachi trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Nhưng cũng phải thực sự chăm chỉ và cần cù thì mới đi cùng được Haichi. Đến nay, những con ong của Hachi đã đi với nhau được 5 năm và gặt hái được những mật ngọt ban đầu.
Là dân công nghệ thông tin, vì đâu Trường lại rẽ sang làm nông nghiệp?
- Sau khi tốt nghiệp đại học, mình trở thành lập trình viên của một công ty thuộc lĩnh vực y tế. Thời gian đó, mình vẫn ấp ủ dự định sẽ làm một phần mềm có tính ứng dụng cao.
Đến năm 2015, ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp bất chợt lóe lên khi Trường giao lưu với sinh viên ngành Nông nghiệp.
Bài toán nan giải là thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, ai cũng muốn có những luống rau sạch tự trồng. Từ đó, mình nghĩ, nếu ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp có thể phần nào giúp giải bài toán thực phẩm tại các thành phố lớn.
Ý tưởng đó chỉ được hoàn thành khi mình gặp Hoàng Thị Yến Mai, một thạc sĩ ngành nông nghiệp. Yến Mai là người có kiến thức nông nghiệp, lại rất nhiệt huyết nên chúng mình đã bàn nhau phải làm gì đó cho nông nghiệp nước nhà. Và nhóm mình khi đó có tên gọi là Hachi.
Đến năm 2016, nhóm kết nạp thêm 4 thành viên 9X có cùng đam mê và thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hachi Việt Nam.
Sau đó, Trường sang Malaysia tham gia một khóa học cho các startup. Tại đây, mình có cơ hội nhìn lại khoảng thời gian bắt đầu khởi nghiệp và học hỏi các bạn nước ngoài kinh nghiệm mang về ứng dụng tại Việt Nam.
Ứng dụng IoT trồng rau thủy canh được áp dụng ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Israel, tuy nhiên ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Vậy khi startup mảng này Hachi gặp những khó khăn, thuận lợi gì?
- Ở giai đoạn mới thành lập, khó khăn đầu tiên là về đội ngũ kỹ thuật: Hachi là mô hình khá mới mẻ nên nhiều khi nhân lực không đáp ứng được khả năng xây dựng sản phẩm. Vì thế, phải mất nhiều thời gian xây dựng đội ngũ đủ khả năng để có thể phát triển được lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp.
Thứ hai là khó khăn về vốn đầu tư, với một dự án về nông nghiệp công nghệ cao ngoài kiến thức chuyên môn còn đòi hỏi khá nhiều chi phí. Sản phẩm yêu cầu đầu tư và thử nghiệm các thiết bị vật tư về nông nghiệp như máng thủy canh, dinh dưỡng, hạt giống, đèn LED… và các thiết bị về phần cứng như cảm biến.
CEO 9X Đặng Xuân Trường: Trồng rau bằng smartphone, không cần đất, không cần ánh sáng - Ảnh 3.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của Hachi. Ảnh: NVCC.
Các thành viên hồi đó đã cố gắng huy động được 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, sau khi hoàn chỉnh phiên bản mẫu của sản phẩm thì nhóm lại gặp khó khăn trong việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm.
Khi đó, rất may nhóm của mình tìm được Vietnam Silicon Valley (VSV) của Bộ Khoa học - Công nghệ. VSV được khởi xướng từ năm 2013, với sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh VSVA (VSV Accelerator), đầu tư vốn mồi cho hơn 40 doanh nghiệp startup, tổ chức kết nối và đào tạo cho hơn 300 nhà đầu tư, cố vấn và sáng lập viên.
Hachi được VSV hỗ trợ giải quyết khó khăn tài chính, đủ để hoàn thiện sản phẩm và cố vấn kinh nghiệm phát triển và bán sản phẩm cho Hachi.
Tiếp đến là khó khăn về tiếp cận thị trường, vì sản phẩm tương đối mới, doanh nghiệp startup không có quá nhiều tiền để đầu tư vào marketing nên sẽ mất nhiều thời gian để làm content và xây dựng nội dung thu hút trên website thay vì chạy quảng cáo.
Còn ở thời điểm hiện tại, khó khăn với Hachi là tư duy của người nông dân chưa thay đổi và chưa nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư cho nông nghiệp.
Về thuận lợi là Hachi có đội ngũ ngũ kĩ sư trẻ, tài năng và rất nhiệt huyết. Chi phí nhân công tại Việt Nam cũng hợp lý hơn so với các quốc gia khác ở trong khu vực.
Ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất từ 50-300%
Chi phí cho một trang trại thông minh mà Hachi cung cấp là bao nhiêu? Hiện Hachi đã có bao nhiêu dự án thực hiện?
- Với quy mô gia đình, mỗi bộ sản phẩm có giá dao động từ 3 – 5 triệu đồng tùy theo kích thước của giàn trồng. Hệ thống của Hachi với giàn tiêu chuẩn hai tầng 46 lỗ có thể cung cấp được khoảng 5 – 6 kg rau mỗi vụ thu hoạch cho một gia đình. Để đảm bảo lượng rau ổn định, người dùng nên trồng gối vụ hoặc đặt mua cây giống con để giảm 30% thời gian thu hoạch xuống chỉ còn 10 -15 ngày.
Còn với mô hình trang trại, chi phí có thể giao động từ 50 – 100 triệu đồng đối với các trang trại quy mô nhỏ, nhưng cũng có thể lên đến 5 – 7 tỷ cho các mô hình quy mô sản xuất lớn.
"Các dự án của Hachi đa phần được thi công ở những khu vực hẻo lánh, như dự án tại Đạ Huoai lâm đồng. Khi thi công dự án này, các bạn kĩ sư của Hachi phải lội bùn để đi vào công trình cũng như ngủ lại trong các lán trại trong rừng để hoàn thiện dự án. Đối với các bạn trẻ kĩ sư thì đây là một trải nghiệm rất đáng nhớ trong cuộc đời cùa các bạn", Trường chia sẻ
Đến nay, Hachi có gần 100 dự án ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai ở khắp Việt Nam. Trong đó, phải kể đến Dự án Trang trại thủy canh giáo dục TEKY 30m2 (Hà Nội), Trang trại Thủy canh NFT Delco Eco Farm 1.000 m2 ở Bắc Ninh… Ngoài ra, Hachi cũng thực hiện được 1 dự án tại Melbourne, Australia.
Bên cạnh đó, Hachi cũng gián tiếp cung cấp 200 tấn rau sạch mỗi tháng ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động địa phương.
Ứng dụng IoT của Hachi có gì khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường không?
- Hệ thống ứng dụng trồng rau thủy canh của Hachi gồm: ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android và iOS để kiểm soát thông số về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, kích hoạt led và máy bơm theo chế độ phù hợp với từng loại cây; thiết bị phần cứng IoT kết nối với ứng dụng di động, nhận lệnh để điều khiển led, máy bơm rồi gửi dữ liệu về môi trường lên server và hệ thống thủy canh thông thường.
Nếu so với ứng dụng ở nước ngoài thì chi phí của Hachi rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, giải pháp công nghệ cao do Hachi ứng dụng vào trang trại giúp tăng năng suất từ 50 – 300% so với trồng trên mô hình truyền thống.
Lợi ích Hachi mang lại la sẽ tận dụng được khoảng không gian với mô hình nhà phố. Giúp các gia đình có được nguồn thực phẩm sạch ngay tại nhà, có thêm không gian xanh. Còn đối với khách hàng trang trại, giúp các chủ trang trại có mô hình kinh doanh hiệu quả, có thể hoàn vốn chỉ sau từ 1 đến hơn 1 năm.
Trường có thể nói rõ hơn về cơ chế hoạt động của hệ thống ứng dụng này không?
- Bước đầu tiên để sử dụng hệ thống thông mình này, người dùng phải tải ứng dụng trên điện thoại di động và đăng ký, đăng nhập, quét mã QR CODE trên thiết bị của Hachi rồi đăng nhập wifi để kết nối với server.
Sau đó, người dùng mở ứng dụng di động đã được kết nối với thiết bị, chọn loại cây đang trồng và kích họat chế độ tự động. Mọi thao tác chăm sóc sẽ được thực hiện cho loại cây đó. Hệ thống áp dụng được hầu hết các loại rau ăn lá và rau gia vị.
Cụ thể hơn, đối với khách hàng nhà phố, Hachi có 2 dòng sản phẩm là sản phẩm trong nhà, sử dụng đèn LED, có chi phí cao hơn và mang tính trang trí. Cơ chế hoạt động là hệ thống sẽ tự động bật tắt LED thay cho ánh sáng mặt trời và tự động bơm dinh dưỡng từ bể chứa có sẵn.
Đối với phiên bản ít tiền hơn đó là phiên bản ngoài ban công. Sản phẩm không cần sử dụng đèn LED vì đã có ánh sáng mặt trời. Hệ thống sẽ tự động bơm dinh dưỡng lên các máng trồng cây thủy canh, có thể điều khiển tự động hoặc thông qua máy smartphone.
Đối với khách hàng trang trại: Xây dựng trang trại từ đầu lên bản vẽ và chuyển giao công nghệ. Quy trình bao gồm từ lúc gieo hạt đến lúc bắt đầu trồng và thu hoạch đều được bàn giao khi ký hợp đồng. Tương tự, hệ thống tự động bơm dinh dưỡng vào các ống trồng thủy canh và kiểm soát nồng độ dinh dưỡng cũng như pH để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây.
Phương pháp trồng rau thủy canh là phương pháp trồng rau không cần đất, cây sống được nhờ dung dịch dinh dưỡng thiết yếu hòa tan hoàn toàn trong nước, dung dịch này mỗi ngày sẽ ngấm lên giá thể (xơ dừa, hun trấu, đá nham thạch) - nơi cây được trồng để đảm bảo sự phát triển bình thường của cây.
Đặc biệt, hệ thống trồng rau của Hachi trồng được rau mọi lúc mọi nơi, người trồng không phải động tay, chân để chăm sóc rau và ngay cả khi người trồng đi công tác xa thì rau vẫn phát triển bình thường qua chiếc smartphone làm nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc.
Với hệ thống này, thích hợp với cả những cư dân không có kiến thức về nông nghiệp vẫn có thể dễ dàng trồng được một vườn rau xanh mướt trong nhà. Bởi Hachi đã tiến hành thử nghiệm giải pháp ứng dụng công nghệ IoT trên hệ thống thủy canh thông minh.
Ưu điểm vượt trội của sản phẩm này là sử dụng các loại cảm biến, tự động theo dõi, giám sát điều kiện môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone. Toàn bộ dữ liệu sẽ được gửi lên server của Hachi và cập nhật trong ứng dụng di động Hachi của người dùng.
Từ đó người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng môi trường và đưa ra những giải pháp hữu hiệu như thiết lập thời gian tưới, thời gian chiếu sáng và các mức độ cảnh báo thông qua smartphone. Hệ thống sử dụng đèn led chiếu sáng nhân tạo có thể đặt trong nhà.
Không cần đất, không cần ánh sáng mặt trời, người dùng chỉ cần bổ sung nước 2 lần/tuần và thay hạt giống cây sau khi thu hoạch cây cũ.