Khu cách ly tại trường mầm non Phú Lâm 1, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
21 ngày với nhiều trải nghiệm khó quên
Chị Nguyễn Thị Hiền – Nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Hiên Vân (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) theo phân công, đến làm việc ở Ủy ban nhân dân xã Hiên Vân ngày 02/05/2021 để phục vụ người dân. Khi có thông tin ca dương tính trên địa bàn xã và khai báo có đi làm CCCD, chị Hiền đã khai báo y tế đầy đủ và đi cách ly tập trung theo hướng dẫn của chính quyền và cơ quan y tế. Hiện chị Hiền đã thực hiện cách ly đủ 21 ngày, xét nghiệm đầy đủ và có kết quả âm tính. Xã Hiên Vân cũng đã có quyết định dỡ phong tỏa và rất may mắn là trên địa bàn xã không phát sinh thêm ca bệnh mới.
Kể về những ngày đi cách ly, chị Hiền chia sẻ: “Nhớ con nhất! Hôm chị đi cách ly tập trung ngay trong đêm, con chị hỏi mẹ đi đâu thế, cho con theo với. Chị dặn cháu ở nhà với bố ngoan, không đi cùng mẹ được thế là cháu dỗi đến mấy hôm sau, gọi về cũng không gặp mẹ.” Ngoài ra, do là một trong những người đi cách ly đầu tiên khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, chị cũng như nhiều người khác không khỏi lo lắng trong những ngày đầu, phần vì còn lạ nơi cách ly, phần vì lo lắng liệu mình có nhiễm không.
Chị Nguyễn Thị Hiền trong khu cách ly. Ảnh nhân vật cung cấp
Ở trong khu cách ly, mỗi người có giường riêng và cách nhau 2m, tuân thủ đúng các quy định (chỉ được ở trong phòng, không được ra ngoài hành lang, ngày 2 lần đo thân nhiệt). Chị Hiền kể “Ban quản lý Khu cách ly nhắc nhở mọi người có cả nguy cơ lây chéo nên ai cũng tuân thủ nghiêm giữ khoảng cách. Có hôm, một bạn trong phòng sốt, có cán bộ y tế chăm sóc, cả phòng mọi người không ai ngủ được đêm đó. Rất may, hôm sau bạn hết sốt. Đồng thời, ở trong khu cách ly, mọi người nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các nhà hảo tâm, có những người tình nguyện đến nấu cơm hàng ngày. Ngoài ra, chị cũng rất yên tâm tuân thủ cách ly khi biết Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có chính sách hỗ trợ cho người lao động đi cách ly”.
Những ngày chị không đi làm, có những cụ nhận lương hưu, bảo trợ hàng tháng gọi điện hỏi thăm do không thấy chị đâu (Bưu điện huyện Tiên Du cử cán bộ khác xuống thay). Kết thúc 21 ngày cách ly tập trung, thực hiện xét nghiệm có kết quả âm tính đúng quy định, hiện chị Hiền đã về và cách ly tiếp tại nhà 1 tuần để tự theo dõi. Chị Hiền mong có thể sớm quay lại với công việc tại Bưu điện Văn hóa xã Hiên Vân, Tiên Du và mong tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Ninh cũng như cả nước sẽ sớm ổn định.
Mình là người Bưu điện nên không ngại khó, ngại khổ
Anh Nguyễn Kim Sáng – Phó Giám đốc Bưu điện huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) là một lãnh đạo đơn vị trẻ, đã trải qua vị trí trực tiếp sản xuất ở đơn vị nên hiểu rất rõ các khó khăn của ngành Bưu điện gặp phải trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Bắc Ninh.
“Mình là người Bưu điện nên không ngại khó, ngại khổ gì cả. Nhất là thanh niên trẻ trung có sức khỏe. Dịch thế này, đơn vị thiếu người nên mỗi anh chị em đều phải cố gắng hơn ngày thường. Là lãnh đạo đơn vị và mình rất hiểu những khó khăn đó nên cũng trực tiếp làm cùng với anh em.”
Bưu điện huyện Gia Bình có một số phòng trống nên đã tận dụng để sắp xếp cho một số người lao động ở khác huyện ở ngay trong cơ quan. Ngoài anh Sáng còn có anh Quân – Giám đốc Bưu điện huyện, chị Thu – Thủ quỹ, chị Vinh – Giao dịch viên; tất cả đều ở lại cơ quan để hạn chế đi lại và tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống dịch.
Nhà anh Sáng ở Thuận Thành và vợ anh cũng làm trong ngành bưu điện, chị Nguyễn Thị Cúc là chuyên quản Bưu điện Văn hóa xã của Bưu điện huyện Thuận Thành. Những ngày đầu tháng 5, anh Sáng vẫn đi làm sáng đi tối về, sử dụng giấy thông hành của cơ quan và giấy tờ tùy thân để xuất trình khi qua các chốt kiểm dịch. Hơn một tuần nay, khi diễn biến dịch ở Thuận Thành phức tạp hơn, anh ở lại cơ quan để làm việc. “Mình nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy, không may là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh về gia đình hay người thân, tuy nhiên nhờ được tập huấn phòng dịch và có các trang bị y tế bảo hộ nên mọi người đều động viên nhau vượt qua tất cả”
Gia đình anh Nguyễn Kim Sáng – chị Nguyễn Thị Cúc thời điểm trước khi bùng phát dịch
“2 vợ chồng mình đều trong ngành Bưu điện, nhiều khi đi đến tối mịt mới về. May mà ở nhà có ông bà chăm các cháu. Tối đến mình tranh thủ gọi điện về nhà, nhìn thấy các con là mọi mệt mỏi đều tan biến hết” – Anh Sáng cười hiền. “Ở Gia Bình vẫn chưa phải thực hiện cách ly, phong tỏa, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Song từ khi dịch bùng phát, đơn vị cũng có một số anh chị đi cách ly và nghỉ ở nhà song mọi người đều cố gắng và chia sẻ, giúp đỡ nhau rất nhiều.”
Bưu chính là một trong những ngành thiết yếu, cần đảm bảo thông suốt nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Các công văn, giấy tờ qua đường thư công ích; hàng hóa, bưu phẩm của người dân doanh nghiệp vẫn ngày đêm được vận chuyển đảm bảo qua hệ thống mạng lưới của Bưu điện Việt Nam. Đó chính là nhờ những người lao động thầm lặng của Bưu điện, từ chị Giao dịch viên, anh Bưu tá đến những người lãnh đạo đơn vị cùng ăn, cùng ở, cùng làm trực tiếp với các anh chị em trong cơ quan. Họ hiểu giá trị về công việc của mình, chấp nhận những gian khó, vất vả để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như nhiều ngành thiết yếu khác, Bưu điện Việt Nam với mạng lưới rộng khắp trên cả nước cùng “chia lửa” chống dịch Covid-19. Sức mạnh ấy đến từ sự đoàn kết, tương trợ và ý chí vững vàng của mỗi cán bộ nhân viên Bưu điện. Từ những câu chuyện vùng dịch của những con người nhỏ bé nhưng quyết tâm rất to lớn ấy, mong rằng người đọc dù ở bất cứ đâu cũng được tiếp thêm sức mạnh, ở bất cứ công việc, vị trí nào cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việt Nam quyết thắng đại dịch Covid-19!
Cô Giao dịch viên Bưu điện Đại Bái (Gia Bình)
Trịnh Thị Vinh là giao dịch viên của Bưu điện huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), nhà em ở xã Trí Quả, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Trao đổi qua điện thoại với người viết, em mới về bưu cục buổi trưa sau khi đi trả trợ cấp buổi sáng cho các cụ dịp tháng 5-6.
Tháng 3 năm nay, em là một trong hai giao dịch viên trẻ của Bắc Ninh được cử đi học khóa “Giao dịch viên Bưu điện Khóa 31” của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Khóa học kéo dài một tháng đã trang bị cho em rất nhiều kiến thức về những tiêu chuẩn, kỹ năng cần có của một giao dịch viên Bưu điện chuyên nghiệp. Em cũng được làm quen, kết bạn với nhiều thầy cô ở Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Bưu điện và ở các đơn vị bạn khác.
Trịnh Thị Vinh trong những ngày tham gia khóa Giao dịch viên K31 (áo vàng)
Là một nhân viên trẻ có năng lực, Vinh được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ và em đều hoàn thành tốt. Em quản lý một điểm BĐ-VHX, thực hiện CCCD và cả hỗ trợ công việc ở Bưu cục Khách hàng lớn của đơn vị. Mới về lại cơ quan được một tháng thì đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, em đã ở lại cơ quan hơn 3 tuần do không về được nhà. “Nhà em có 4 người, em có một em trai. Bố em công tác ở địa phương nên những ngày này chống dịch, bố em đi suốt. Nhiều khi em muốn gửi đồ cho bố mẹ phải nhờ người khác mới mang vào được.” Bưu điện huyện Gia Bình có bếp ăn tập thể, một số phòng chống và trong đợt dịch này, cơ quan cũng có một số cán bộ đều ở lại cơ quan làm việc. Vinh cũng là một trong những cán bộ trẻ nhất ở cơ quan. Những ngày đầu, khi dịch chưa bùng phát, em rất băn khoăn có nên xin nghỉ ở nhà với gia đình hay đến cơ quan làm việc và có khả năng không về được nhà. Cuối cùng, cô gái trẻ đã chọn ở lại cơ quan làm việc. “Nếu em nghỉ thì công việc của đơn vị sẽ bị gián đoạn, bố mẹ và anh Quân – Giám đốc đều động viên em. Ở lại cơ quan còn có chị Thu, chị ấy còn có con nhỏ nhưng không về thăm được, con nhỏ nhớ mẹ khóc, chị ấy còn vất vả hơn em. Mọi người cùng động viên nhau”. Có thể nhận thấy qua điện thoại quyết tâm, nghị lực của Vinh, em cũng rất quan tâm đến những người xung quanh.
Khi được hỏi em nghĩ bao giờ được về nhà, Vinh kể “Em mới gọi cho bố hỏi bao giờ được về. Bố em bảo chưa biết được. Em ít gọi về nhà do không muốn mọi người ở nhà lo lắng. Những ngày ở đây, nghe bố hỏi còn tiền ăn không, bố không gửi được màn sang có bị muỗi đốt không, chỗ ở có thiếu thống gì không, những lúc đó em không cầm được nước mắt.”
Chiều em lại tiếp tục đi trả trợ cấp cho các cụ gộp 2 tháng 5, 6 trên địa bàn xã Đại Bái (huyện Gia Bình). Cô giao dịch viên trẻ ấy, chưa lập gia đình, rất thương bố mẹ và em trai nhưng cũng rất mạnh mẽ, rất đáng khâm phục. Và ở trên mạng lưới Bưu điện Việt Nam, nhất là ở những thời điểm khó khăn như dịch bệnh bùng phát, có nhiều lắm những người lao động thầm lặng hy sinh như thế.
Cố gắng, cố gắng… và hy vọng dịch qua mau
Chị Nguyễn Thị Lam – Trưởng Bưu cục phát của Bưu điện huyện Thuận Thành đã công tác trong ngành Bưu điện 28 năm. Khi được người viết hỏi về những khó khăn, vất vả nhất ở ngay trong tâm dịch, chị cười bảo “Có gì đâu, chị chẳng biết kể gì đâu, chỉ hy vọng dịch qua mau, anh chị em vẫn cố gắng đi làm bình thường, hàng nhiều mà ít người hơn nên nhiều lúc bị ùn lại”.
Nguyễn Thị Lam – Trưởng Bưu cục phát của Bưu điện huyện Thuận Thành (ngồi bàn đầu)
Bưu cục khai thác do chị Lam quản lý có 5 lao động nhưng hiện tại chỉ còn 3 người (trong đó thuê ngoài thời vụ 1 người). Mới ngày hôm trước, một lái xe nghỉ do thôn bị cách ly nên không có người chở hàng. Những ngày dịch, thực hiện phong tỏa theo chỉ đạo của chính quyền, hàng về Thuận Thành vẫn nhiều, có những hôm nhiều hơn bình thường do có nhiều hàng hóa ủng hộ cũng như người dân mua sắm trực tuyến nhiều.
Khi được hỏi về công việc có bị xáo trộn nhiều do dịch Covid-19 không, chị Lam kể mọi người ở đây đều quen rồi, những người dân Thuận Thành đã thích nghi với nếp sống phòng chống dịch như hiện nay.
Cá nhân người viết rất khâm phục tinh thần làm việc của những nhân viên Bưu điện huyện Thuận Thành, ở ngay trong tâm dịch, họ vẫn chăm chỉ thực hiện công việc. Họ không có nhu cầu được đưa lên tuyên dương, họ đã và đang thực hiện nhiệm vụ của mình thầm lặng, hàng ngày.