Câu chuyện cải tạo nhà văn hóa cũ thành không gian văn hóa đọc trong cộng đồng

Thứ năm, 11/11/2021 10:12

Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình văn hóa đọc trong cộng đồng trở thành "ngôi nhà chung" thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng như: Xe sách lưu động, Sách hóa nông thôn, Thành phố sách Book City, Tủ sách dòng họ, Phố sách, Đường sách, Câu lạc bộ sách…

Mới đây, với ý tưởng triển khai dự án cải tạo, nâng cấp, tích hợp nhà văn hóa cũ tạo thành không gian văn hóa và không gian đọc trong cộng đồng trước mắt bằng nguồn xã hội hóa đầu tiên trên cả nước của Công ty Tân Việt Books với sứ mệnh "Chung tay lan toả văn hoá đọc cộng đồng" đã và đang thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về mô hình này, phóng viên Tạp chí TT&TT đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Công ty sách Tân Việt (Tân Việt Books) về nội dung trên.

anh-3-anh-ceo-nguyen-kim-thoa-1636508552519944291885.jpg
 
Giám đốc Công ty sách Tân Việt Nguyễn Kim Thoa

PV: Xin bà cho biết kế hoạch của sách Tân Việt (Tân Việt Bookstore) trong việc cải tạo nhà văn hóa cũ trở thành thư viện, phòng đọc cộng đồng nhằm thúc đẩy phong trào khuyến đọc trong cộng đồng?

Nguyn Kim Thoa: Chúng tôi thấy rằng, thực trạng hiện nay tại rất nhiều địa phương, các nhà văn hóa cũ, xuống cấp, chưa phát huy hết công năng, mục đích sử dụng nên khá lãng phí.

Để tiết kiệm, chống lãng phí các nguồn lực mà nhà nước đã đầu tư, chúng tôi lên kế hoạch triển khai dự án cải tạo, nâng cấp, tích hợp nhà văn hóa cũ tạo thành không gian văn hóa và không gian đọc trong cộng đồng trước mắt bằng nguồn xã hội hóa, sau đó sẽ tính đến các nguồn lực khác. Chương trình này giúp phát huy được các hiện trạng đã có sẵn, phát huy được công năng sử dụng của nhà văn hóa, tránh lãng phí tài sản của nhà nước, tạo ra địa điểm sinh hoạt cộng đồng cho người dân, đảm bảo đáp ứng được cả hai tiêu chí: Chính trị và văn hóa giáo dục.

PV: Theo bà, việc lựa chọn những tủ sách nền tảng giá trị cao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành nhận thức chung cho cả xã hội, là vấn đề cần đặc biệt quan tâm của ngành xuất bản nước nhà?

Nguyn Kim Thoa: Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm về việc ngành xuất bản cần đặc biệt quan tâm lựa chọn những tủ sách nền tảng giá trị cao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành nhận thức chung cho cả xã hội.

Ngoài ra, bên cạnh đó chúng ta nên đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết cho việc tự đọc, để thay đổi từ chưa ưu tiên thành ưu tiên, từ chưa yêu thích thành yêu thích việc đọc sách.

Để làm được việc này tôi nghĩ không phải dễ dàng và nhanh chóng được nhưng ngành xuất bản hãy nên định hướng xây dựng các mục tiêu từ ngắn đến dài để thực hiện được kế hoạch này.

PV: Ở các nước có nền văn hóa đọc phát triển, người dân họ vẫn giữ thói quen đọc và nghe sách nói. Vậy những người làm xuất bản ở Việt Nam cần làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động xuất bản trong thời gian sắp tới, thưa bà?

Nguyn Kim Thoa: Trước sự phát triển bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, các nghề, đến thói quen của người dân, tôi cho rằng ngành xuất bản Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc, buộc phải thay đổi để thích ứng.

Việc CĐS trong lĩnh vực xuất bản là yêu cầu tất yếu, là xu thế của sự phát triển. Ngành xuất bản cần chuyển hướng đưa dần công nghệ vào các hoạt động của xuất bản như xuất bản sách số, sách audio, sách âm thanh và các cách thức truyền thông, quảng cáo cũng cần thay đổi không thể cứ truyền thống như cũ được.

Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh chóng, trong 3 - 5 năm tới, tôi cho rằng còn tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Nếu chúng ta không thay đổi, thích ứng dần sẽ bị lùi lại, chậm lại với xu hướng của thị trường và nhu cầu của xã hội.

PV: Hiện trên truyền hình có rất nhiều chương trình giải trí nhưng về sách chưa có, ngoại trừ trước kia có chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách" trên VTV1. Theo bà, có cần nhiều chương trình giới thiệu sách chuyên sâu hơn nữa trên báo chí, truyền thông?

Nguyn Kim Thoa: Trong cuộc họp trực tiếp với Bộ TT&TT ngày 20/10 vừa qua, tôi đã có ý kiến đề xuất việc này. Tôi cho rằng, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương phát triển văn hóa đọc từ rất lâu rồi và gần đây nhất trong Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhưng thực sự người dân Việt Nam chúng ta đọc sách tính bình quân trên đầu người còn rất thấp. Nếu lấy số liệu báo cáo của Cục xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT) thì số sách in ra năm 2019 có hơn 4 triệu bản trong đó Sách giáo khoa và sách Tham khảo của NXB Giáo dục đã chiếm hơn 3 triệu bản, số còn lại hơn 1 triệu bản chia cho hơn 96 triệu dân Việt Nam, chỉ còn chưa đến 01 cuốn/người/năm, trong khi con số này ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippine, Malaysia, Indonesia… là 12 - 15 cuốn/người/năm. Còn các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ thì tỉ lệ này còn cao hơn rất nhiều, từ 20 - 30 cuốn/người/năm.

Chỉ có những người đã đọc nhiều sách mới thực sự cảm nhận được giá trị của sách đã tác động và ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư duy, hành động và kết quả của con người lớn lao như thế nào. Tôi thật sự ấn tượng khi thấy Đại sứ quán Mỹ gần đây đã in tặng cho người dân Việt Nam cuốn sách "Người Mỹ giúp con ham đọc sách" với số lượng lên tới hàng trăm ngàn bản. Tôi hiểu ngụ ý của họ là gì, tôi hiểu nước Mỹ là một quốc gia công nghệ, kinh tế, giáo dục hàng đầu thế giới vậy mà họ vẫn cần công dân của họ phải đọc sách. Tôi hiểu tất cả các tỉ phú lớn trên thế giới hầu hết họ đều là những "con mọt sách". Tôi hiểu chính phủ Mỹ còn thành lập cả tổ chức mang tên "Viện nghiên cứu đọc quốc gia".

anh-1-nha-van-hoa-cong-dong-16365085524751843084198.jpg

Mô hình cải tạo nhà văn hóa cũ để phát huy được công năng sử dụng của nhà văn hóa do Tân Việt Bookstore đang triển khai

Và một chi tiết làm tôi bất ngờ và ấn tượng là vào đúng ngày 11/9/2001 khi nước Mỹ bị khủng bố thì chính lúc đó Tổng thống Mỹ G.Bush đang có mặt tại một trường học để dự lớp học có tiết Đọc sách của học sinh một trường THCS của bang California. Tôi hiểu các nước phát triển họ vô cùng quan tâm cho việc đọc nhiều như thế nào. Nhưng nhìn lại con số của người dân Việt Nam ở trên thì là người làm xuất bản có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những đồng nghiệp của tôi đều có chung một tâm trạng là rất buồn.

Chính vì vậy, để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra, tôi đề xuất lãnh đạo Bộ TT&TT và các Bộ, Ban, ngành sắp xếp, xây dựng trên truyền hình VTV1 một chuyên mục về sách hàng tuần để lan tỏa những giá trị của sách, những cuốn sách hay, biểu dương những con người trưởng thành từ sách, để truyền cảm hứng cho nhiều người. Tôi thiết nghĩ rằng, chương trình sẽ rất hữu ích và giá trị để xây dựng dần nhận thức và sự quan tâm, sự ưu tiên dành cho đọc sách, để từ đó hình thành thói quen đọc sách cho người dân, góp phần vào việc nâng cao dân trí, văn hóa, văn minh của nước nhà.

PV: Đại dịch COVID-19 được ví như "cơn sóng thần"bủa vây mọi ngành, mọi lĩnh vực. Vậy để thích ứng và sớm vượt qua đại dịch, ngành xuất bản cần làm gì và Tân Việt Books đã có chiến lược phát triển lâu dài trong điều kiện mới, thưa bà?

Nguyn Kim Thoa: Chúng ta cần xác định, dịch bệnh có thể còn kéo dài, các ngành các nghề đều phải thay đổi để thích ứng và phát triển trong điều kiện mới. Tân Việt Books chúng tôi không chỉ làm xuất bản mà còn tham gia vào phát hành với gần 20 nhà sách trên toàn quốc. Đợt dịch vừa qua, các nhà sách, hệ thống xuất bản của Tân Việt Books đều bị đóng cửa. Công ty chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chưa bao giờ chúng tôi phải nợ tiền thuê nhà nhưng COVID đã biến chúng tôi thành con nợ của các bên cho thuê nhà.

Đối với Tân Việt, COVID đã làm chúng tôi mất đi nhiều cơ hội kinh doanh nhưng trong nguy có cơ, COVID buộc chúng tôi phải nhìn lại, nhìn xa hơn và phải tự định hình cho mình một lối đi mới, phải thay đổi, phải đầu tư vào công nghệ và đã tự xây cho mình một chiến lược mới trong 3-5 năm tới để tồn tại và phát triển theo chiều hướng vừa phát triển doanh nghiệp vừa đóng góp cho cộng đồng về văn hóa đọc.

Để thích ứng với đại dịch COVID-19 đối với ngành xuất bản, theo tôi cần có những chiến lược cụ thể như: Tập trung đầu tư, nâng cao đào tạo chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh sách in truyền thống, cần phát triển thêm sách điện tử, sách âm thanh để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng mới của bạn đọc.

Đối với đầu ra của sản phẩm, cần khai thác các thị trường mới, đặc biệt là phát triển kênh bán hàng online, trên các sàn thương mại điện tử… Chú trọng lựa chọn những chủ đề xuất bản có giá trị, phù hợp với thị hiếu mới của bạn đọc.

Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các doanh nghiệp cùng chung tay đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức về đọc sách, lan tỏa tình yêu đối với sách và hình thành thói quen đọc sách, nâng cao tỉ lệ đọc sách trong dân sẽ góp phần giải quyết khâu đầu ra của ngành trong thời gian tới…

PV: Theo bà để văn hóa đọc phát triển trong cộng đồng, các cấp, các ngành và địa phương cần phải làm gì?

Nguyn Kim Thoa: Theo tôi, để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, địa phương. Nhưng trước hết, chúng ta cần thay đổi quan điểm, nhận thức, phải hiểu được giá trị của sách tác động đến suy nghĩ, tư duy, hành động, tạo ra kết quả rất lớn lao. Đọc sách cũng chính là học, là nâng cao hiểu biết, văn hóa, tri thức của mỗi người.

Bản thân tôi, khi đi công tác tại nhiều địa phương cũng nhận thấy rằng, việc đầu tư cho văn hóa đọc tại nhiều nơi còn chưa được quan tâm, chưa được ưu tiên đầu tư, thậm chí có nơi còn cho rằng chưa cần thiết.

anh-2-sach-nguoi-my-1636508552509617178425.jpg

Cuốn sách "Người Mỹ giúp con ham đọc sách" được in với số lượng lên tới hàng trăm ngàn bản

Do đó, tôi rất mong muốn các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên dành một phần ngân sách vừa phải, đầu tư cho việc phát triển văn hóa đọc cho địa phương mình. Đây là việc làm mang tính lâu dài, thường xuyên, liên tục như việc xây dựng các không gian văn hóa đọc, thư viện trường học, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, lan tỏa tình yêu đối với sách, đặc biệt cho đối tượng là các em học sinh, sinh viên. Tôi tin rằng, khi được quan tâm và đầu tư nghiêm túc, văn hóa đọc sẽ được lan tỏa và phát triển.

"Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức vào 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Quyết định số 1862/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay thế Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 về Ngày Sách Việt Nam. Theo Quyết định này, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm".

Việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm trên phạm vi toàn quốc, ngoài việc khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng; phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, còn nhằm tạo môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đây cũng là dịp để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc Việt Nam./.

 

 

 

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top