Phát triển các cây trồng có thế mạnh
Qua triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa Nếp hương Bảo Lạc và Pì Pất Cao Bằng” đã phục tráng hai giống lúa trên bảo đảm theo quy trình sản xuất giống do Bộ NN&PTNT ban hành, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng năng suất bình quân đạt 46 tạ/ha, cao hơn giống cũ 20%; hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa nguyên chủng và quy trình thâm canh sản xuất lúa để chuyển giao cho địa phương áp dụng, vì vậy năng suất và chất lượng lúa được nâng cao rõ rệt. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã triển khai dự án về sở hữu trí tuệ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Nếp hương Bảo Lạc” để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Với kết quả nghiên cứu trên, các doanh nghiệp đã đầu tư triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản Nếp hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” với mục tiêu là ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các kết quả nghiên cứu xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo quy trình khép kính từ khâu nhân giống, sản xuất, đến xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm nhằm tạo vùng sản xuất gạo đặc sản chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tăng quy mô sản xuất từ 50 ha/vụ lên 100ha/vụ.
Một giống cây ăn quả đặc sản của Cao Bằng là cây quýt, được trồng chủ yếu trên địa bàn các huyện Trà Lĩnh, Thạch An, Nguyên Bình, Hòa An, với diện tích trồng khoảng 100ha, là cây mũi nhọn của một số xã. Tuy nhiên, nguồn giống không đảm bảo, chưa chăm sóc tốt, nhiều vườn đang bị suy thoái. Tỉnh đã đặt hàng với các viện nghiên cứu trung ương để nghiên cứu, đưa ra giải pháp kỹ thuật. Trên cơ sở các đề tài “Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam quýt vùng Hòa An, Cao Bằng”, “Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh”, “Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hóa”, nghiên cứu “Ứng dụng saponin kết với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt Cao Bằng”... đã góp phần cải tạo được 10 ha quýt kém chất lượng, phát triển thêm 30 ha, nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn, chăm sóc đúng kỹ thuật, vì vậy năng suất của mô hình ứng dụng khoa học tăng lên rõ rệt. Năng suất cam tăng từ 12,5 tấn/ha lên 22 tấn/ha, năng suất quýt từ 10 tấn/ha lên 15 tấn/ha, thu nhập tăng 1,4 lần. Ứng dụng công nghệ bảo quản quả quýt thời gian kéo dài đến 6 tuần, từ đó có được sản phẩm cam, quýt có chất lượng tốt, thuận lợi cho lưu thông sản phẩm. Qua nghiên cứu khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, định hướng về phát triển cây quýt tỉnh Cao Bằng có khả năng mở rộng 10.000 ha.
Đặc biệt, nói đến các loại cây trồng đặc trưng của Cao Bằng không thể không nhắc đến cây dẻ Trùng Khánh, phân bố phổ biến ở một số huyện như Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa. Diện tích trồng dẻ Trùng Khánh có khoảng 200ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 100ha, năng suất khoảng 200 tấn/năm, chủ yếu tập trung ở các xã Khâm Thành, Đình Phong, Đình Minh. Ngọc Khê, Chí Viễn, Phong Châu... Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Trùng Khánh cho sản phẩm hạt dẻ. Trước đây, việc quản lý vườn giống, rừng giống các cây trội vẫn là vấn đề còn tồn tại, chất lượng cây trồng chưa đảm bảo khâu chọn giống, nhiều giống không rõ nguồn gốc.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã đề xuất thực hiện nghiên cứu đối với cây dẻ và Viện Nghiên cứu lâm sinh triển khai đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây dẻ Trùng Khánh tại tỉnh Cao Bằng” từ năm 2018, tập trung vào xác định giá trị nguồn gen cây dẻ, chọn lọc cây trội để lấy vật liệu nhân giống, xây dựng vườn giống vô tính dẻ Trùng Khánh 1 ha và 03 ha mô hình điểm trồng rừng thâm canh dẻ Trùng Khánh bằng các dòng có năng suất cao. Với quyết tâm phát triển cây dẻ Trùng Khánh, vào tháng 6/2019, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nhân giống cây dẻ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”, qua đó đề xuất phương pháp nhân giống ghép và giâm hom nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây dẻ Trùng Khánh, khắc phục những hạn chế của phương pháp trồng bằng hạt như hiện nay.
Tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Cao Bằng đã đem lại hiệu quả thiết thực, ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội trong việc nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của sản phẩm, là chìa khóa quyết định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Để giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân. Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm các huyện, thành phố chỉ đạo các khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trung bình hằng năm, tỉnh triển khai 10 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại các xã để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn kết hợp các hình thức thông tin tuyên truyền, in ấn xuất bản các tài liệu khoa học kỹ thuật, lịch khoa học.
Thành tựu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được thể hiện trên một số kết quả nổi bật như: phát triển công nghệ sinh học, làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô các loại cây: lan kim tuyến, hoa lan, các loại chuối, mía... để cung cấp giống cây bảo đảm tiêu chuẩn với số lượng lớn; hướng dẫn nông dân quy trình canh tác mới, dự án sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa giúp giảm đến 30 - 60% lượng nước so với tưới truyền thống... Đáng chú ý, hiện nay tỉnh đang triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tỉnh Cao Bằng”, trong đó xây dựng phần mềm với hệ thống cơ sở dữ liệu: các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, quy hoạch vùng sản xuất, thông tin thị trường... với mục tiêu liên kết “4 nhà” (nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước), góp phần hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Cao Bằng.
Hướng tới nông nghiệp thông minh
Năm 2019, Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành Đề án “Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030”, trong đó xác định rõ lĩnh vực nông nghiệp thông minh công nghệ cao đang là xu thế. Nông nghiệp thông minh ở nước ta hiện nay đã và đang lựa chọn những thành phần phù hợp để từng bước ứng dụng vào thực tế. Từ cơ sở khoa học và thực tiễn, tỉnh Cao Bằng xác định, phát triển nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để hướng tới nông nghiệp thông minh, Đề án nhấn mạnh vai trò quan trọng không thể thiếu của các giải pháp về khoa học công nghệ, trong đó cần phát huy vai trò của các đơn vị sự nghiệp khoa học của tỉnh như: Trung tâm Khuyến nông và giống cây nông lâm nghiệp thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của các huyện... để triển khai, ứng dụng công nghệ khoa học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất, đặt hàng thực hiện các đề tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án ứng dụng khoa học công nghệ thông minh, công nghệ cao đối với từng loại cây trồng vật nuôi. Tổ chức triển khai có hiệu quả các đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trình độ cao. Chú trọng liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là đào tạo các chuyên gia về kỹ thuật nông nghiệp, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.
Có thể nhận thấy, bên cạnh những thuận lợi, việc hướng tới một nền nông nghiệp thông minh cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Cao Bằng. Khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, nhưng việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn có những hạn chế nhất định. Trong đó, quá trình đầu tư nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao, trong khi số lượng các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn ít; phần lớn người nông dân trình độ còn có những hạn chế nhất định, trong đó hiểu biết về công nghệ thông tin chưa cao, vốn ít...
Để hiện thực hóa được mục tiêu nông nghiệp thông minh, tỉnh Cao Bằng đã tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, các cấp, ngành và người dân cùng chung tay làm thay đổi nhận thức, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật để hình thành nên những mô hình nông nghiệp 4.0 có quy mô lớn, sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao, giúp người nông dân làm giàu được từ các sản phẩm trên chính quê hương mình. Qua đó, góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó nêu rõ: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”./.