Nhân viên Bưu điện tỉnh Cao Bằng hướng dẫn bà con nông dân cách thức đưa nông sản lên sàn TMĐT
Nông sản lên Posmart và Vỏ sò tăng cao trong 7 tháng đầu năm
Hoạt động của sàn thương mại điện tử Postmart trong 7 tháng đầu năm 2022: 5.730 lượt giao dịch, 25.674 hộ (18,28%) sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn; 25.674 hộ (18,28%) sản xuất kinh doanh được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận; 1.734 Số/loại sản phẩm được đưa lên sàn; giá trị giao dịch 7 tháng đầu năm 2022 là 89.770.000 đồng.
Hoạt động của sàn thương mại điện tử Voso trong 8 tháng đầu năm 2022: 2.818 lượt giao dịch: 15.521 hộ (11,06%) sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn; 9.251 hộ (6,59%) sản xuất kinh doanh được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận: 1.123 số/loại sản phẩm được đưa lên sàn.
Những khó khăn khi đưa nông sản lên sàn
Bên cạnh những kết quả, thuận lợi bước đầu thì việc hỗ trợcác hộ sản xuất đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn TMĐT cũng gặp phải một số khó khăn như các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất và kinh nghiệm quản trị hiện đại như kỹ năng marketing, đặc biệt là marketing online, nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng; lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng.
Số lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Nhiều sản phẩm nông sản là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận tham gia sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng trên mạng chưa được chú trọng như hình ảnh quảng bá chưa bắt mắt, việc thay đổi giá bán chưa kịp thời... Một số hộ sản xuất nông nghiệp chưa đủ các điều kiện đảm bảo đề đưa các sản phầm lên sàn TMĐT như thiếu điện thoại thông minh, điện thoại cấu hình thấp dẫn tới hình ảnh chất lượng kém…
Đa số hộ sản xuất đang giữ thói quen bán hàng truyền thống nên việc tiếp cận hình thức bán hàng trên nền tảng số còn rất hạn chế. Chưa quen thao tác trên các thiết bị và ứng dụng thông minh.
Việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân, hộ sản xuất chưa đạt hiệu quả cao do công tác phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên giữa chính quyền cơ sở và các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau. Trình độ tiếp thu, khả năng tiếp cận, mức độ nắm bắt công nghệ của các hộ sản xuất còn hạn chế khi giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên sàn TMĐT, các công việc như đóng gói sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu, chụp ảnh sao cho hấp dẫn đều gặp nhiều lúng túng.
Đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản tới Nhật Bản, Châu Âu
Trước sự phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao trong việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thông qua các sàn TMĐT, với những sản phẩm nông sản thế mạnh có chất lượng tốt, đã tạo được một số danh tiếng nhất định của địa phương. Tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục tạo điều kiện, tập trung hỗ trợ tối đa để nông sản địa phương được ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu tới các nước như Nhật Bản, Châu Âu thông qua các sàn TMĐT. Trước mắt, cần tập trung một số mục tiêu, giải pháp như:
Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cao Bằng cho biết, để thúc đẩy việc đưa nông sản xuất khẩu ra nước ngoài thông qua sàn TMĐT, Cao Bằng sẽ hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh,
Bên cạnh đó, thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT hình thành các "Hộ SXNN số” có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT. Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Cao Bằng và doanh nghiệp liên quan sẽ chủ động bố trí nguồn lực, nhân lực, tập trung triển khai các hoạt động đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao. Tăng cường đánh giá, gắn nhãn sản phẩm.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số. Ông Hoàng Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Để việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đạt hiệu quả các hộ sản xuất nông nghiệp phải hiểu và sử dụng đầy đủ các tính năng của công nghệ, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ. Nông dân cần xây dựng uy tín bằng hình ảnh, chất lượng cho đến việc giới thiệu đầy đủ thông tin về sản phẩm, tự tin livestream hoặc trả lời khách hàng để tăng tương tác.
Khi đưa nông sản lên sàn TMĐT phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn ATTP, thời gian giao hàng… nếu không đảm bảo theo cam kết với các sàn TMĐT các hộ sản xuất, HTX sẽ phải giải quyết các khúc mắc từ phía người tiêu dùng, thậm chí sẽ phải chịu phạt từ các sàn TMĐT. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ, tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho nông dân, HTX về kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Ông Hoàng Ngọc Sơn nhấn mạnh./.