* PV: Xin ông cho biết hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua có bước phát triển như thế nào?
*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Thực hiện công tác quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, những năm qua Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan hữu quan định hướng cho các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại; đổi mới nội dung; đa dạng hóa hình thức, phương thức thông tin, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thông tin đối ngoại, nghiêm túc quán triệt thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, phản ánh kịp thời về hoạt động ngoại giao giữa các huyện, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) với các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Hằng năm, Sở tham mưu Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tỉnh tổ chức 01 đợt tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin đối ngoại cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới (trên 200 người tham gia); tổ chức triển lãm Ảnh trong cộng đồng ASEAN; ảnh tư liệu dân tộc và tôn giáo; Bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý tại các địa phương.
Tổ chức định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền các hoạt động đối ngoại của tỉnh, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin và truyền thông, bình quân mỗi năm Báo Cao Bằng đã thực hiện được trên 900 tin, bài, ảnh phản ánh về hoạt động thông tin đối ngoại và Chương trình phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì thực hiện 48 chuyên mục tuyên truyền về công tác thông tin đối ngoại; Trang thông tin đối ngoại của tỉnh và Bản tin đối ngoại Cao Bằng (in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh) được giao Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác sử dụng ổn định, cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời về các hoạt động đối ngoại, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân, thu hút đầu tư, kinh doanh.
Có thể nói, hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh Cao Bằng những năm qua đã phổ biến kịp thời đường lối, chủ trưong của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hoạt động thông tin đôi ngoại, thông tin cơ sở về phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến đầu tư; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử văn hóa truyền thống; các sản phẩm chủ lực; bản sắc văn hóa, du lịch của tỉnh và của đất nước đến với Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại địa phương.
*PV: Việc đưa vào sử dụng và vận hành các Cụm thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu và Thác Bản dốc đã giúp cho Cao Bằng có bước chuyển mình như thế nào, thưa ông?
*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Năm 2020 Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 về Quy chế phối hợp quản lý vận hành Cụm thông tin trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Qua đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý, vận hành nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và khai thác hiệu quả Cụm thông tin. Đối với Cụm Thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc, hằng năm, Sở tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đài Phát thanh – Truyền hình Cao Bằng thực hiện nội dung chương trình và duy trì hoạt động của cụm thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, đảm bảo phục vụ hoạt động tuyên truyền về công tác thông tin đối ngoại đối với khách du lịch và nhân dân địa phương.
Mỗi năm xây dựng được 12 chương trình chuyển tải trên Cụm thông tin đối ngoại thác Bản Giốc với nhiều nội phong phú đặc sắc quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, truyền thống; tuyên truyền về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Để đảm bảo việc khai thác, sử dụng, bảo vệ, bảo trì được thuận lợi, từ năm 2021 Cụm Thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc đã được bàn giao về huyện Trùng Khánh (trực tiếp là Trung tâm Văn hóa và Truyền thông) quản lý, vận hành.
*PV: Trong quá trình vận hành các Cụm thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng gặp phải những khó khăn gì theo ông?
*Ông Hoàng Ngọc Sơn; Bên cạnh những kết quả đã được, hiện Cao Bằng còn găp một số khó khăn, cụ thể, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại chưa có nhiều kinh nghiệm và hầu hết là kiêm nhiệm nên chưa được đào tạo bài bản; kinh phí cho thông tin đối ngoại và cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thông tin đối ngoại còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp trong công tác cung cấp thông tin giữa các cơ quan, đơn vị chưa được chặt chẽ, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác nên hiệu quả chưa cao;
Báo điện tử Cao Bằng; trang thông tin điện tử của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Cao Bằng chưa có phiên bản tiếng nước ngoài nên việc đưa các sản phẩm thông tin đối ngoại của tỉnh quảng bá, giới thiệu đến các nước và kiều bào Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài tại Cao Bằng còn gặp khó khăn.
Trong quá trình vận hành các Cụm thông tin đối ngoại vẫn còn một số khó khăn tồn tại như: kinh phí vận hành và duy trì bảo dưỡng ít, kinh phí chủ yếu để phục vụ việc xây dựng nội dung đăng tải trên cụm, do khí hậu ẩm thấp tại khu vực Thác Bản Giốc nên máy móc thường xuyên bị hỏng, công tác sữa chữa, khắc phục đôi khi chưa được kịp thời; nội dung đăng tải trên Cụm thông tin chưa thực sự phong phú …
*PV: Để nâng cao hiệu quả họat động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực biên giới theo ông cần phải làm gì?
*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh việc tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại, chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Đàm Thủy, Đài PT –TH Cao Bằng xây dựng và duy trì tốt các nội dung tuyên truyền trên Cụm thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc theo quy chế đã được ký kết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương thức thông tin, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ về công tác thông tin đối ngoại cho cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại, phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương.
Sở kiến nghị Bộ TT&TT, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các Cụm thông tin tại khu vực các cửa khẩu, khu vực biên giới, nơi tập trung đông dân cư, tăng cường hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành các Cụm thông tin đã được đầu tư, cũng như kinh phí hỗ trợ xây dựng các nội dung chương trình đăng tải trên Cụm thông tin… Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho các đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới./.