Từ đầu năm đến nay, Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ đưa 330 sản phẩm nông sản địa phương lên sàn TMĐT Postmart, trong đó chủ yếu là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh như: thạch đen, lạp sườn, hạt dẻ, miến dong, bún khô, bí thơm, dao Phúc Sen, trà, nhóm mặt hàng tinh dầu, rượu ngô, mác mật, hoa hồi khô, giảo cổ lam, nấm hương rừng, gạo nếp, thịt hun khói… Số truy cập và đăng ký mua hàng trung bình đạt hơn 1.000 lượt người/tháng, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 10.823 lượt truy cập.
Trong quá trình thực hiện, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp có đặc sản, chất lượng lên sàn TMĐT; tổ chức 23 hội nghị, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT đến thôn, xóm, xã. Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10, toàn hệ thống sàn Postmart triển khai các chương trình ưu đãi gồm: Đối với người mua được miễn phí 50% phí vận chuyển, được giảm giá đến 70% và cơ hội nhận được sản phẩm ưu đãi 0 đồng vào các khung giờ vàng của sàn Postmart. Đối với người bán: hỗ trợ tối đa việc quảng bá sản phẩm rộng rãi với chi phí 0 đồng trên toàn quốc thông qua chương trình khuyến mại, thúc đẩy việc tiêu thụ nhanh sản phẩm, tránh ùn ứ nông sản tại các địa phương. Theo đó, người nông dân trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện để phối hợp, lựa chọn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu trên sản TMĐT. Trong đó, đã có một số mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: gạo nếp, miến dong, lạp sườn, bánh khảo, bánh trưng, khẩu sli, thạch đen, rau củ quả tươi.
Ngoài ra, Bưu điện tỉnh còn chủ động phối hợp để tiêu thụ hơn 20 tấn bí thơm cho người nông dân tại huyện Thạch An đến thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên và Hà Giang. Đồng thời, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ, trung bình mỗi mùa có ít nhất 1 sản phẩm được kết nối tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc thông qua sàn TMĐT Postmart và mạng lưới Bưu điện.
Thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền của tỉnh cũng như các loại hàng hóa khác ngoài nông sản; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị; quảng bá hình ảnh địa phương, nét văn hóa dân tộc vùng miền đặc trưng tại Cao Bằng và lan tỏa nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh Cao Bằng. Tìm kiếm thêm các sản phẩm tiềm năng của các hộ kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp đến từng thôn, xóm, xã và tăng trưởng doanh thu bưu chính chuyển phát cho mạng lưới tỉnh Cao Bằng, góp phần vào mục tiêu thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công - phổ cập kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động bưu chính công ích, phân phối truyền thông, tài chính bưu chính. Tính đến hết tháng 10/2022, đơn vị đạt tổng doanh thu trên 152 tỷ đồng; nộp ngân sách 4,3 tỷ đồng. Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị nhiễm Covid-19; triển khai phúc lợi cho đoàn viên chương trình “Bưu điện Việt Nam - Thắp lửa yêu thương”, chương trình “Nghĩa tình Bưu điện” và các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương với số tiền hỗ trợ gần 300 triệu đồng.
Trong 2 tháng cuối năm, Bưu điện tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.