Chuyển đổi số đã trở thành hướng phát triển tất yếu trong giai đoạn hội nhập. Để tất cả các tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận và phát huy hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được thành lập.
Giúp người dân tiếp cận công nghệ số
Nếu như trước đây, cụm từ "chuyển đổi số" còn khá mơ hồ với người dân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, thì hiện nay là chủ đề được mọi người nhắc đến thường xuyên trong những buổi mua bán, họp chợ hay khi giải quyết các thủ tục hành chính, ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày. Để người dân từng bước tiếp cận công nghệ số, Tổ công nghệ số cộng đồng của xã thường xuyên tổ chức ra quân, hướng dẫn từng tiểu thương cách cài đặt phần mềm liên quan về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán tiền điện, tiền nước và một số nhu cầu cấp thiết khác qua điện thoại thông minh.
Có mặt tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú vào những ngày tháng 11/2022, Tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của đầy đủ các thành viên từ lãnh đạo UBND, công chức phụ trách cải cách hành chính; các tổ chức chính trị-xã hội, trưởng ấp và nhân viên các đơn vị viễn thông đã nhiệt tình hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt được các kỹ năng cơ bản để sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản.
Bà con được hỗ trợ đăng ký sim số chính chủ, qua đó đăng ký tài khoản thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công các cấp; cài đặt các ứng dụng định danh điện tử cá nhân/sổ sức khỏe điện tử/tài khoản mobile money...; từng bước giúp người dân có thể tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và thực sự trở thành công dân số...
Phó Chủ tịch UBND xã Đại Điền Nguyễn Thị Thanh Hà cho hay, Tổ công nghệ số cộng đồng của xã có 12 thành viên, nhiệm vụ chính là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống.
Các thành viên trong Tổ hoạt động, trao đổi thông tin thông qua nhóm chung bằng ứng dụng Zalo; từng thành viên phụ trách từng ấp, trường học và bộ phân một cửa để hỗ trợ người dân khi cần. Ngoài ra, trên địa bàn các ấp cũng thành lập 7 Tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ từ 5-10 thành viên, thường xuyên đến từng hộ gia đình trong ấp tuyên truyền, hướng dẫn bà con về chuyển đổi số. Từ khi thành lập đến nay, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp người dân đăng ký thành công hơn 300 tài khoản dịch vụ công trực tuyến.
Ông Cù Thanh Sơn ngụ ấp Khu phố, xã Đại Điền chia sẻ, trước đây số điện thoại đăng ký thông tin bằng số chứng minh nhân dân, vừa qua được cấp đổi sang căn cước công dân, nhưng ông chưa có thời gian đi cập nhật. Chính quyền xã phối hợp với các nhà mạng trực tiếp đến địa phương hỗ trợ người dân. Ông còn được hỗ trợ cài đặt tài khoản sử dụng dịch vụ công, từ nay khi nộp các thủ tục hành chính chỉ cần ngồi nhà thao tác, đỡ mất thời gian và chi phí đi lại.
Ngoài ra, ông Sơn còn được hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử để theo dõi chăm sóc sức khỏe bản thân, đặt luôn lịch khám chữa bệnh.
Tại xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, để hỗ trợ tối đa cho người dân, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức các cuộc "ra quân" đến từng tiểu thương, người dân để tuyên truyền, vận động sử dụng các ứng dụng tiện tích trên điện thoại thông minh như công dân số, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt... Chỉ riêng tại chợ xã Tân Phong đã có khoảng 30 tiểu thương cài đặt và biết giao dịch điện tử không dùng tiền mặt thông qua mã QR code.
Anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn xã Tân Phong thông tin, 70% người dân trên địa bàn xã sử dụng điện thoại thông minh. Vào các ngày cuối tuần, Đội Thanh niên tình nguyện "Chuyển đổi số cộng đồng" xã với 7 thành viên nòng cốt phối hợp các Chi đoàn tới từng ấp, vào từng nhà, gặp từng người để hướng dẫn bà con cài các phần mềm ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh. Qua triển khai, khoảng 2.000 người trên 14 tuổi đã được tuyên truyền, cài đặt tài khoản trên các nền tảng số.
Là một tiểu thương tại chợ Tân Phong, bà Lê Thị Hà cho biết, gia đình bà bán hàng tạp hóa và hàng tiêu dùng nên đã đăng ký mã QR tương ứng với tài khoản ngân hàng và được Tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn, cài đặt. Theo bà Hà, tiện ích nhất là khi khách hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì chỉ việc quét mã QR là chuyển tiền được ngay. Hình thức này vừa thuận lợi cho khách hàng, vừa quản lý được hàng hóa và tiền thu về. Việc tạo thanh toán qua mã QR cũng khá đơn giản, giúp người dân quản lý đồng tiền của mình, tránh rủi ro khi cầm tiền mặt.
Thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre Huỳnh Trung Tính khẳng định, Tổ công nghệ số cộng đồng ở gần dân, sát dân và là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh đến khu phố, tổ nhân dân tự quản của các xã, phường, thị trấn; giúp mang các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số.
Hiện toàn tỉnh Bến Tre đã thành lập 9 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, 129 Tổ cấp xã, 427 Tổ cấp khu phố/ấp với hơn 4.000 thành viên tham gia.
Để giúp Tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng hướng dẫn các nội dung cụ thể, cung cấp các tài liệu liên quan để các Tổ triển khai thực hiện. Sở cũng phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông mở lớp tập huấn cho thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đến nay, cơ bản các Tổ tại các địa phương đã hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động và dần tiếp cận, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, thường xuyên hướng dẫn, tập huấn, định hướng cho Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tỉnh Bến Tre được thành công.
Theo Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030, Bến Tre đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.
Đến năm 2025, Bến Tre sẽ phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Về kinh tế số, phấn đấu đưa Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%.
Bên cạnh đó, thực hiện phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%./.