Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động có liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên sử dụng các quyền này để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản bất hợp pháp; nghiên cứu, thăm dò dầu khí, khoáng sản; buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép; buôn lậu ma túy trên biển; trấn áp cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
Cảnh sát biển Việt Nam kiểm tra tàu cá ngư dân.
Vì vậy, để bảo đảm tuân thủ Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…,” Chương 3, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong từng hoạt động như tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự; thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; công bố cấp độ an ninh hàng hải…
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quy định cụ thể những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.