Chị Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên trái) cùng các nhân viên tại “Tiệm giặt là của người Điếc”.
Nhờ nỗ lực vượt lên số phận, chị đã sáng lập và phát triển thành công “Tiệm giặt là của người Điếc”. Lợi nhuận của tiệm được chị Thúy dành để mở rộng kinh doanh, hỗ trợ người điếc, khiếm thính hòa nhập cộng đồng.
Tiệm giặt là hạnh phúc
Đến “Tiệm giặt là của người Điếc” tại địa chỉ số 7 bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), chúng tôi không được nghe những lời chào đón thường thấy như ở các tiệm giặt là khác. Thay vào đó là nụ cười rạng rỡ, cùng cử chỉ thân thiện, bởi mọi thành viên ở đây đều là người điếc và khiếm thính.
Cửa tiệm đặc biệt này ra đời từ tháng 12-2020. Hằng ngày, tiệm mở cửa từ rất sớm, các thành viên miệt mài, cẩn thận giặt là từng bộ quần áo, đôi giày của khách hàng. Điểm khác biệt của tiệm là sử dụng quy trình giao tiếp với khách hàng rất riêng bằng ký hiệu. Ban đầu mọi thứ gặp khó khăn khi khách hàng không hiểu nhân viên cửa hàng nói gì, nhưng hiện tại mọi thứ đã được vận hành trơn tru, hiệu quả.
“Tiệm giặt là của người Điếc” xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp “Giặt là sáng” của chị Lương Thị Kiều Thúy. Mặc dù khiếm thính từ năm 10 tuổi nhưng không vì thế mà chị Thúy mất niềm tin vào cuộc sống. Mơ ước trở thành nhà báo, nhưng sau khi hoàn thành chương trình học, chị nhận ra nghề báo không phù hợp với người khiếm thính. Từ bỏ ước mơ và học ngôn ngữ ký hiệu, làm các dự án cộng đồng, qua sự kết nối của một người bạn, chị Thúy biết đến công việc giặt là.
Sau một thời gian học hỏi, tích lũy kiến thức trải nghiệm công việc này, chị ấp ủ xây dựng mô hình giặt là, tạo cơ hội việc làm cho người điếc, khiếm thính và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững. Năm 2020, với ý tưởng mang tên “Giặt là sáng”, chị tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và đoạt giải “Cánh én vàng”. Tiếp đó, ý tưởng này đã giúp chị đoạt giải “Best Performance” tại Cuộc thi "Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên 2020" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.
Vận dụng những kiến thức kinh doanh và mối quan hệ xã hội, chị kết hợp liên danh cùng “Giặt Ký” để cho ra đời “Tiệm giặt là người Điếc” đầu tiên tại Hà Nội. Năm 2021, “Giặt là sáng” một lần nữa được vinh danh là “Cánh én xuất sắc” trong Chương trình “Cánh én kiên cường vượt bão giông” do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng tổ chức.
Từ nỗ lực không biết mệt mỏi nên chỉ sau gần một năm, “Tiệm giặt là của người Điếc” đã tiếp nhận hơn 1.000 khách hàng, giúp những người điếc và khiếm thính dần ổn định về việc làm, thu nhập.
Doanh thu hằng ngày của tiệm đạt khoảng gần 1,5 triệu đồng. Nhiều người đồng cảnh ngộ gọi vui đây là “tiệm giặt là hạnh phúc” vì không chỉ tạo việc làm cho những người yếu thế mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài cơ sở số 7 bờ sông Sét, “Tiệm giặt là của người Điếc” hiện mới có thêm một cơ sở khác tại ngõ 41 đường Láng (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP Hà Nội).
Ít ai biết rằng, để đạt được những thành công bước đầu trên, chị Thúy cùng các thành viên của “Tiệm giặt là của người Điếc” đã làm việc rất chăm chỉ mỗi ngày. Thời gian đầu, ngày nào chị Kiều Thúy cũng làm việc 12 tiếng/ngày.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, “Tiệm giặt là của người Điếc” gặp vô vàn khó khăn. Trong suốt năm 2021, tiệm phải tạm đóng cửa hai tháng vì giãn cách xã hội. Trước khó khăn ấy, các nhân viên của tiệm đã đồng thuận giảm lương và chắt chiu từng đồng chi phí để “sống sót” qua mùa dịch, đồng thời tranh thủ học hỏi không ngừng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, xây dựng quy trình làm việc chuyên nghiệp hơn...
Tôi hỏi Thúy: “Chị có biết tại sao được mọi người tin tưởng và yêu quý không?”. Thúy trả lời giản dị: “Theo tôi thì đó chính là việc ra đời tiệm giặt là này. Khi tôi trình bày ý tưởng, vẽ ra viễn cảnh này nọ thì mọi người cũng chỉ lắng nghe; có khen ngợi, có góp ý nhưng vẫn hoài nghi. Và, việc tiệm giặt là đi vào hoạt động như một minh chứng khẳng định cho những lời tôi nói. Tôi muốn chính người điếc, khiếm thính được làm chủ công việc của mình và cùng nhau tạo ra việc làm mới cho cộng đồng của mình”.
Anh Bùi Thế Phúc, nhà đầu tư liên danh với chị Kiều Thúy cho biết: "Nhờ sự chuyên tâm cao độ của Thúy và các nhân viên, cùng với sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đầu ra sản phẩm, nên “Tiệm giặt là của người Điếc” từng bước phát triển và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng. Lương Thị Kiều Thúy đúng là một tấm gương khởi nghiệp sáng như dự án “Giặt là sáng” của bạn ấy vậy. Khi tình yêu gửi gắm vào sản phẩm thì tiếng thơm ắt sẽ lan xa”.
Hành trình thay đổi nhận thức
Chị Lương Thị Kiều Thúy tâm niệm, giặt là không chỉ đơn giản là công việc chân tay mà qua đó còn truyền đạt những kỹ năng sống, phẩm chất đạo đức mà ai cũng cần có. Nhờ tinh thần làm việc trách nhiệm, chu đáo, tỉ mỉ, chưa đầy một năm hoạt động, “Tiệm giặt là của người Điếc” đã được biết đến rộng rãi trong cộng đồng.
Mới học nghề được một tháng tại “Tiệm giặt là của người Điếc”, em Đỗ Thùy Linh (quê Hà Giang) cho biết: “Chị Thúy tận tình chỉ dạy cho em các kiến thức, kỹ năng. Được làm việc ở đây em thấy rất vui và hạnh phúc”. Còn em Lê Thu Ngân (Hà Nội) đã làm việc từ một năm trước lại coi tiệm giặt là như gia đình: “Chị Thúy là người hiểu tâm lý của người điếc và luôn coi chúng em như người thân. Rất nhiều kỹ năng sống em đã học được ở đây”.
Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hoạt động “Tiệm giặt là của người Điếc”, chị Lương Thị Kiều Thúy đang ấp ủ mục tiêu sẽ xây dựng mô hình nhượng quyền kinh doanh xã hội để nhân rộng giải pháp của mình, giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội việc làm hơn nữa. Chị Kiều Thúy cho biết: “Kế hoạch tương lai của chúng tôi là xây dựng mô hình nhượng quyền kinh doanh xã hội trên quy mô toàn quốc, một mô hình vô cùng mới với người khuyết tật, nhưng với chúng tôi đó là đam mê được cống hiến giá trị khác biệt của mình.
Chúng tôi đang ở trên bước đầu tiên của hành trình này. Chúng tôi biết rằng, còn rất nhiều thử thách đang ở phía trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng và quyết tâm nắm lấy mọi cơ hội để thay đổi và phát triển giải pháp của chúng tôi bằng việc ra đời cơ sở thứ hai. Mặc dù cộng đồng của chúng tôi không thể nghe, chúng tôi vẫn nỗ lực để khuếch đại tiếng nói của mình và làm cho những tiếng nói tới được với đông đảo mọi người”.
Tại “Tiệm giặt là của người Điếc”, chị Lương Thị Kiều Thúy bố trí một góc nhỏ để lưu giữ lại những lời nhắn nhủ yêu thương mà khách hàng ghi lại khi đến đây.
Chúng tôi nhận thấy được tình cảm của khách dành cho mọi người trong tiệm và cùng những lời chúc cho dự án “Giặt là sáng” của chị sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. “Tiệm xinh xắn như chị Thúy ạ. Mọi người có thể đến đây thư giãn và tìm hiểu ngôn ngữ mới”-một bạn trẻ nhắn nhủ. Với Lương Thị Kiều Thúy, công việc tại “Tiệm giặt là của người Điếc” không chỉ tạo việc làm cho người điếc và khiếm thính mà còn truyền đi thông điệp giúp họ thay đổi nhận thức, vượt lên số phận, tìm kiếm một nghề nghiệp phù hợp để làm chủ cuộc sống.
Việc làm của Lương Thị Kiều Thúy chỉ là một trong rất nhiều công việc mà các cá nhân, tổ chức trong xã hội đang thực hiện với mục tiêu giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và vươn lên tự làm chủ cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, “cánh én” Kiều Thúy đã và đang mang đến "mùa xuân" cho nhiều người điếc, khiếm thính thông qua “Tiệm giặt là của người Điếc”.