Theo VNCERT/CC, vay tiền qua ứng dụng là một trong những trào lưu được người dân lựa chọn sử dụng trong thời gian gần đây bởi thủ tục vay vô cùng đơn giản. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo, chỉ cần tải ứng dụng, nhập thông tin cá nhân yêu cầu vay trực tuyến, sau khi khoản vay được phê duyệt, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của cá nhân.
Tuy nhiên, đã có nhiều đối tượng lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Đầu tiên là việc đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ, thực hiện bằng cách các đối tượng mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi như: hỗ trợ cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không cần nhiều giấy tờ, giải ngân chỉ trong một giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp,… để thu hút khách hàng.
Sau đó, yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay và gửi thông báo phê duyệt khoản vay (sử dụng con dấu giả của các ngân hàng). Tuy nhiên, sau khi khách hàng đăng ký khoản vay, các đối tượng này sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay. Trường hợp khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống dẫn đến khách hàng lo lắng chuyển tiền để được xử lý.
Ngoài ra, theo VNCERT/CC, các trường hợp lừa đảo còn thực hiện thông qua việc yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay. Cụ thể, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Nhưng sau khi đã đóng thì khách hàng không nhận được giải ngân khoản vay còn các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc.
Hình thức lừa đảo tiếp theo là dụ dỗ người dân vay tiền trên nhiều ứng dụng. Theo đó, các đối tượng lừa đảo lấy thông tin của khách hàng sau đó liên hệ để giới thiệu về những app vay tiền khác với nhiều lời mời hấp dẫn: Được miễn lãi suất trong lần đầu vay, vay tiền không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp,… Tuy nhiên, sau khi giải ngân, khách hàng sẽ không nhận được toàn bộ số tiền vay mà chỉ nhận được một phần hoặc không nhận được đồng nào. Khi khách hàng đã không thể chi trả thì chúng sẽ gửi link tải app khác để tiếp tục vay tiền trả nợ. Cứ thế, khách hàng vướng vào vòng luẩn quẩn và ôm một khoản nợ lớn hơn ban đầu rất nhiều.
Không chỉ vậy, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo các sàn giao dịch tài chính. Cụ thể, theo thông tin từ sàn giao dịch tài chính Tima, thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng lợi dụng uy tín của Công ty cổ phần tập đoàn Tima để lừa đảo. Nhiều khách hàng đã sập bẫy rơi vào cảnh mất tiền khi chuyển trước một khoản phí chứng minh năng lực tài chính để được vay tiền.
Đối tượng giả mạo lấy tên: Công ty TNHH Tài chính Tima JD Credit (hay JD Credit), mạo danh công ty cổ phần tập đoàn TIMA. Cụ thể, khách hàng được hướng dẫn tải app từ 1 đường link quảng cáo. Sau khi click vào đường link máy sẽ yêu cầu bạn tải xuống 1 tệp. Dù loại tệp này bị thiết bị android khuyến cáo "có thể gây độc hại cho thiết bị của bạn" nhưng khách hàng vẫn mắc lừa. Sau khi hoàn tất đăng ký, nạn nhân sẽ nhận được giấy tờ "Phê duyệt hồ sơ đăng ký khoản vay" có đóng dấu và ký tên dưới danh nghĩa của Công ty TNHH Tài chính Tima JD Credit.
Với lý do cần chứng minh năng lực tài chính, kẻ lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước 10% giá trị khoản vay vào tài khoản. Đương nhiên sau khi chuyển tiền "chứng minh năng lực tài chính", khách hàng bị lừa mất khoản tiền 10% và không nhận được khoản vay sau đó.
Cần lựa chọn đơn vị dịch vụ tài chính uy tín
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân, cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Khi người dân có nhu cầu vay tiền cần đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo.
"Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, trình báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời", thông tin từ VNCERT/CC nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thế Vĩnh, CEO Tima, để bảo vệ mình, người dùng cần tỉnh táo vì những đơn vị kết nối tài chính sẽ có sản phẩm cụ thể, rõ ràng cho nhà đầu tư. Quyết định cho vay một khách hàng được quyết định bởi nhà đầu tư và họ có thể tự thực hiện hành động giải ngân cho vay, đó là điểm khác biệt với các đơn vị giả mạo huy động vốn cho các mục đích rủi ro khác. Với người đi vay, nên lựa chọn các đơn vị có trụ sở và chi nhánh cụ thể, hợp đồng vay và lãi suất rõ ràng, hợp lý.
"Những đơn vị nào có lãi suất tới hàng trăm, hàng ngàn %/năm, hoặc cho vay 10 đồng nhưng giải ngân chỉ 8 - 9 đồng, thời gian cho vay ngắn một vài ngày, một vài tuần là những dấu hiệu của tín dụng đen", ông Vĩnh nói./.