‘Cần tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự’

Thứ tư, 21/04/2021 15:28

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả theo nhiều chiều hướng, nhưng theo chiều tích cực nhất, nó tiếp thêm động lực chưa từng có để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số và bắt kịp cách mạng lần thứ tư.

Doanh nghiệp tự bơi

Phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 13, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra một điểm cốt lõi: Kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là phát triển tự phát, nhưng phát triển khá nhanh, là do hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao; là do người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực; là do dân số trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; là do tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi. Đây là lợi thế Việt Nam khi chuyển đổi số.

Đó là một nhận định chân thực về tình huống người dân và doanh nghiệp đã tự thân chuyển đổi rất nhanh để thích nghi với đại dịch Covid-19 đang càn quét khắp thế giới.

20210421-m02.jpg

Nhà nước phải là nhân tố đi đầu để dẫn dắt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi!

Một khảo sát mới đây của Google, Temasek và Brain&Company minh chứng điều này. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng Internet của người dân Việt Nam bùng nổ. Tất cả các ngành đều tăng trưởng mạnh so với năm trước: thương mại điện tử tăng 46%, truyền thông trực tuyến tăng 18%...

Đầu tư vào lĩnh vực Internet ở Việt Nam năm vừa rồi cũng bùng nổ với 151 giao dịch có tổng giá trị 935 triệu USD. Với tốc độ trung bình đạt 27% trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam được xếp hạng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, quy mô kinh tế số ước đạt 14 tỷ USD trong năm 2020.

Vậy, vai trò của Nhà nước ở đâu trong bước chuyển đổi đó? Nhà nước phải là nhân tố đi đầu để dẫn dắt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi!

Chất lượng thể chế là thách thức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những điểm yếu này khi ký Quyết định 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030: Ở nước ta, đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế so với nhiều nền kinh tế ở giai đoạn phát triển tương tự; và về tổng thể, nền kinh tế chưa thực sự sẵn sàng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng trưởng kinh tế chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học công nghệ, chỉ số kinh tế tri thức thấp hơn trung bình của thế giới. Chất lượng thể chế cũng là thách thức, hiện ở vị trí 89/141 nền kinh tế trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (năm 2019).

Báo cáo kinh tế - xã hội của Đại hội 13 cũng thừa nhận hạn chế, yếu kém này khi khẳng định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ khoa học, công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Thiếu cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một cách tiếp cận thẳng thắn và bứt phá cho góc độ quản lý nhà nước.

Thay đổi tư duy quản lý

Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Thí dụ, Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống.

Cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán mua hàng hoá sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng.

“Vấn đề là chúng ta có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị nhiều”, ông khẳng định.

Bởi vậy, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành. Đó thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được.

Ông Hùng nói: “Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta”.

Cách tiếp cận chính sách theo cách truyền thống thì thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng, gọi là cách tiếp cận sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng. Sau đó mới hình thành chính sách, hình thành qui định để quản lý.

Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới.

Ông nói tại Đại hội: “Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”./.

 

Tư Giang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top