Sách lịch sử vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả
Hiểu theo nghĩa rộng, sách lịch sử không chỉ có dòng chính là các tác phẩm, công trình nghiên cứu về lịch sử mà còn bao gồm truyện lịch sử hoặc sách bàn luận các vấn đề tồn tại trong lịch sử (giáo dục, nghệ thuật, hành chính - địa bạ…). 5 năm trở lại đây, “làn sóng” các đơn vị làm sách đua nhau làm sách lịch sử hình thành, tạo nên hiện tượng hiếm thấy trong ngành xuất bản. Đáng chú ý, các đơn vị làm sách tập trung vào đề tài lịch sử dân tộc nhiều hơn so với lịch sử nước ngoài.
Đại diện NXB Chính trị quốc gia Sự thật và tập thể tác giả bộ sách lịch sử Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (thứ hai và ba từ trái sang)
nhận giải A Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ II - 2019
Có đơn vị làm sách chủ trương tái bản các sách lịch sử nổi tiếng, như: Trần Hưng Đạo (tác giả Hoàng Thúc Trâm); Quang Trung (Hoa Bằng); Lương Ngọc Quyến (Đào Trinh Nhất); Nguyễn Tri Phương (Phan Trần Chúc - Lê Quế); Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang); Nhà Tây Sơn (Quách Tấn - Quách Giao); Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 (Lê Thành Khôi);… Một xu hướng khác là tổ chức dịch thuật các công trình nghiên cứu của các sử gia nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam, như: Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (George Dutton); Vùng đất Nam Bộ dưới triều vua Minh Mạng (Choi Byung Wook); Đề Thám (Claude Gendre);… ; dịch nhật ký, hồi ức của các nhân chứng lịch sử, như: Nam Kỳ viễn chinh ký 1861 (Léopold Pallu); Lý lịch sự vụ (Nguyễn Đức Xuyên); Vũ man tạp lục thư (Nguyễn Tấn);… Điều đáng mừng là nhiều sách lịch sử được biên soạn mới, có chất lượng, giành nhiều giải thưởng uy tín, như: Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, 1859-1954 (Nguyễn Đình Tư); Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (GS. Phan Huy Lê chủ biên);… Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Đội ngũ tác giả, dịch giả hùng hậu, chất lượng cộng với sự quan tâm của các đơn vị làm sách nên sách lịch sử vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về số lượng và chất lượng trong mảng sách khoa học xã hội và nhân văn. Không chỉ phong phú về nội dung, các sách lịch sử hiện nay đẹp về hình thức, phù hợp với nhiều độ tuổi, thị hiếu độc giả. Minh chứng cho sự “lên ngôi” của sách lịch sử là đã giành giải A Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ I và II (2018, 2019)”.
Một dòng sách muốn bán chạy phải có sự gặp gỡ giữa ý tưởng đầu tư của các đơn vị làm sách với nhu cầu của độc giả. Trái với nhận định lo xa rằng sách lịch sử chỉ phù hợp với các nhà nghiên cứu, những người có tuổi và những người thích lịch sử, thực tế, có rất nhiều cuốn sách lịch sử được độc giả chú ý rộng rãi, nhất là độc giả trẻ tuổi nên có sách được tái bản chỉ một thời gian ngắn sau lần in đầu. Trò chuyện với nhiều độc giả, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến lý giải về việc sách lịch sử được yêu thích, đó là: Nhu cầu tìm hiểu lịch sử theo nhiều góc độ, đa chiều; nhiều tác phẩm lịch sử vốn viết bằng ngoại ngữ, Hán Nôm nay được dịch ra chữ quốc ngữ hoặc xuất bản đã lâu nay mới được tái bản nên độc giả lần đầu tiếp cận tạo ra hứng thú tìm đọc…
Cần khắc phục triệt để những sai sót về nội dung, tư liệu lịch sử
Bên cạnh những ưu điểm, vẫn có thể tìm thấy trong mảng sách lịch sử hiện nay nhiều sai sót, vi phạm ở nhiều cấp độ khác nhau. 5 năm qua, số lượng sách sai phạm hằng năm dao động từ 120 đến 180 cuốn, trong đó sai sót liên quan tới nội dung thường chiếm 30-40% và nội dung liên quan đến quan điểm chính trị, lịch sử vẫn là chủ yếu. Nhiều tác phẩm sai sót trong lựa chọn ảnh, mốc thời gian, tên tuổi, cấp bậc, chức vụ nhân vật lịch sử, câu chữ tối nghĩa… khiến chất lượng tác phẩm bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có những sai phạm rất nghiêm trọng, như: Sai sót về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhận định phiến diện về danh nhân, đưa ra giả thuyết chưa được kiểm chứng hoặc có một số quan điểm trái với quan điểm chính thống… vẫn xuất hiện.
Điều đáng nói là những sai phạm ở mức độ nghiêm trọng thường xảy ra ở các đầu sách liên kết xuất bản. Khoản 4, Điều 23 Luật Xuất bản quy định: “Đối với tác phẩm, tài liệu có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết biên tập sơ bộ bản thảo”. Tuy nhiên, trên thực tế liên kết xuất bản, nhiều bản thảo sách lịch sử do các đơn vị làm sách tư nhân khai thác, các nhà xuất bản thường biên tập qua loa, thậm chí có trường hợp không biên tập nên dẫn đến nhiều sai phạm. Chính vì vậy, với những cuốn sách lịch sử nhạy cảm, đòi hỏi sự cẩn trọng, trách nhiệm của các nhà xuất bản trước các tác động bên ngoài. Bà Nguyễn Tư Tường Minh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sách đề tài lịch sử là dòng sách có bề dày truyền thống và đang là thế mạnh của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Với các sách liên kết, chúng tôi thường xuyên trao đổi với đối tác về nội dung bản thảo còn băn khoăn; luôn giữ sự chủ động đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên bản lĩnh chính trị, sự tỉnh táo học thuật để tránh những sai sót, vi phạm”.
Theo các chuyên gia, xu hướng sách lịch sử vẫn tiếp tục duy trì, chiếm cơ cấu lớn trong đề tài của ngành xuất bản. Do vậy, để tránh sai sót, vi phạm có thể xảy ra khi số lượng không đi cùng chất lượng, mỗi nhà xuất bản cần đề cao trách nhiệm nghề nghiệp để đưa ra những đầu sách giá trị, phù hợp với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ độc giả.