Cần tôn trọng nền tảng Luật biển quốc tế dựa trên UNCLOS ở Biển Đông

Thứ ba, 14/12/2021 14:23

Tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 vừa qua, nhiều chuyên gia pháp lý nổi tiếng đã cho rằng: Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là 'hiến chương xanh' của nhân loại, là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, bao gồm Biển Đông.

3903-bda-rdqv.jpg

Tàu Trung Quốc bị phát hiện ở đá Ba Đầu (cụm đảo Sinh Tồn), quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam ngày 22/3/2021. (Nguồn: ABS-CBN NEWS)

Phiên thảo luận với chủ đề “Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua” tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều người theo dõi tình hình Biển Đông từ góc độ các vấn đề pháp lý, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng.

Phiên này quy tụ nhiều chuyên gia pháp lý nổi tiếng của khu vực, bao gồm GS. Jay Batongbacal (Đại học Philippines), TS. Lin Ting-hui (Phó Tổng thư ký Hội Luật Quốc tế Đài Loan), GS. Nishimoto Kentaro (Đại học Tohoku, Nhật Bản), TS. Yan Yan (Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc - NISCSS), ông Andrew Murdoch (Vụ trưởng Vụ Pháp lý, Bộ Ngoại giao Anh) và TS. Joanna Mossop (Đại học Victoria Wellington, New Zealand).

UNCLOS - 'Hiến chương xanh' của nhân loại

Đánh giá về ý nghĩa, vai trò của UNCLOS, đa số các học giả đều đề cao vai trò của UNCLOS, coi đây như "hiến chương xanh" của nhân loại, là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc tại hội thảo, bao gồm Yan Yan và Ding Duo của Viện NISCC, tiếp tục trình bày lập luận cho rằng UNCLOS không hàm chứa tất cả các vấn đề của luật biển. Các lập luận này đã được nhà nước Trung Quốc nhiều lần trình bày trong các công hàm trao đổi, các văn bản, tuyên bố chính thức. Theo đó, bên cạnh UNCLOS, còn có các tập quán quốc tế khác song song tồn tại, điều chỉnh vấn đề “quyền lịch sử” hay quyền yêu sách “đường cơ sở quần đảo xa bờ của quốc gia lục địa” (yêu sách Tứ Sa)...

Lập luận này bị đa số các học giả tại diễn đàn phản bác. GS. Nishimoto đã “bóc trần” phép ngụy biện của giới học thuật Trung Quốc rằng “Lời nói đầu” của UNCLOS cho phép “đối với những vấn đề không được điều chỉnh bởi Công ước, thì sẽ được điều chỉnh bởi các tập quán quốc tế khác”. Theo GS. Nishimoto, điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể viện dẫn các “tập quán” để yêu sách vùng biển nằm ngoài khuôn khổ quy định của UNCLOS. "UNCLOS đã quy định rất rõ ràng về các vùng biển. Các quy định của UNCLOS đã giải quyết triệt để việc yêu sách vùng biển của các quốc gia, nên không còn chỗ cho các cách giải thích, các lập luận kiểu Trung Quốc về quyền lịch sử", GS. Nishimoto chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ngay cả khi UNCLOS cần được phát triển thêm để phục vụ sự biến đổi của thực tế đời sống, thì những sự phát triển này phải là kết quả của các nỗ lực tập thể cộng động quốc tế và các quy định mới phải nhất quán với khuôn khổ mà UNCLOS đã đề ra. GS. Nishimoto nhấn mạnh: “Các quy định của luật biển quốc tế không chỉ bao gồm UNCLOS, mà còn xoay quanh UNCLOS. Do đó, mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước".

 trung-quoc-dang-lam-xoi-mon-trat-tu-phap-ly-o-bien-dong-va-nen-tang-luat-bien-quoc-te-dua-tren-unclos.jpg
NUNCLOS đã được vận dụng hiệu quả để giải quyết nhiều tranh chấp, bất đồng trên biển, bao gồm Biển Đông. (Nguồn: UN)

Vai trò của Phán quyết vụ kiện Biển Đông

Về vai trò của Phán quyết vụ kiện Biển Đông, đa số các học giả cho rằng bên cạnh tác động trực tiếp đến các bên trong tranh chấp, Phán quyết 2016 là nguồn bổ trợ trong việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước. Phán quyết đã giúp làm rõ nhiều điều khoản trong Công ước về quy chế của các vùng biển, bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” và bác bỏ khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo đối với các nhóm đảo ở Biển Đông.

Về vấn đề này, TS. Mossop cho rằng một trong những di sản quan trọng nhất của quá trình đàm phán UNCLOS chính là cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Những nhà soạn thảo đã trù định sẵn sẽ có tranh chấp nảy sinh liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước nên đã xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tại phần XV với các điều khoản chặt chẽ về các biện pháp tài phán. Đây cũng là một lý do khiến UNCLOS là một thoả thuận cả gói, không được bảo lưu, để tránh tình trạng “chọn lọc” những phần có lợi, mà thiếu đi trách nhiệm.

Tranh luận thẳng thắn về các lập luận, hành vi của Trung Quốc

Về các diễn biến pháp lý nổi bật liên quan đến Biển Đông gần đây, chẳng hạn “cuộc trao đổi công hàm năm 2020”, việc Trung Quốc ban hành các luật mới; tăng cường hiện diện trên thực địa, cải tạo đảo... đa số các học giả đều cho rằng Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra thách thức Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện do Philippines khởi xướng, và tìm cách làm xói mòn trật tự pháp lý ở Biển Đông cũng như nền tảng luật biển quốc tế dựa trên UNCLOS.

Ông Andrew Murdoch chỉ ra rằng từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc vẫn không chấm dứt các hoạt động đe dọa, gây rối đối với tàu thuyền các nước ven Biển Đông. Đặc biệt, đối với Luật hải cảnh gần đây của Trung Quốc, ông Murdoch nhận định không nên cố tình lẫn lộn giữa việc sử dụng vũ lực vì mục đích chấp pháp và vì mục đích tự vệ. Hành động tự vệ bằng vũ lực phải thỏa mãn điều kiện về tính cần thiết (necessity) và tính tương xứng giữa mức độ vũ lực được sử dụng và mức độ nguy hiểm của mối đe dọa.

GS. Jay Batonbacal cảnh báo các hành vi cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát dầu khí đơn phương của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia từ 2019 đến nay đã đi ngược lại các quy định của UNCLOS và tinh thần của Phán quyết.

Trong trường hợp Trung Quốc gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với cấu tạo địa chất và địa hình của các vùng biển diễn ra khảo sát, thì các quốc gia ven biển có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp theo phần XV của UNCLOS, bao gồm cơ chế tài phán.

Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng không thể phủ định UNCLOS là “hiến chương” của biển và đại dương. "Trong khi đó, 5 năm vừa qua chưa bao giờ luật biển quốc tế lại bị thử thách đến như vậy kể từ khi Công ước được ký kết”, TS. Mossop nhận định.

Do đó, việc tranh luận thẳng thắn về các lập luận, hành vi của Trung Quốc, phản bác “pháp lý chiến” của nước này ở Biển Đông là luôn cần thiết và đáng được đầu tư công sức, tâm huyết của các nhà nghiên cứu. Hy vọng, các kỳ Hội thảo Biển Đông sắp tới sẽ tiếp tục truyền thống này./.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top