Sở NN-PTNT TP Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở TP Cần Thơ” nhằm tìm ra nhiều giải pháp minh bạch hóa quá trình sản xuất nông sản, triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên môi trường số và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Thời gian vừa qua, nhận thấy công tác chuyển đổi số đã được ngành nông nghiệp Cần Thơ đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cho cả thời gian tới. Điều này đã được thể hiện thông qua những minh chứng như việc Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo ba trụ cột: Bộ NN-PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đã chọn ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Tại TP Cần Thơ sản xuất nông nghiệp đang là thế mạnh giúp phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó sản xuất lúa trên 78 ngàn ha, cây ăn trái trên 25 nghìn ha và 15 nghìn ha rau màu các loại và 10 nghìn ha nuôi trồng thủy sản…Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển số trong nông nghiệp chưa đủ mạnh, còn nhỏ lẻ chưa thể đáp ứng cho nền nông nghiệp hiện đại như các nước trên thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Bà Đoàn Thị Hồng Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) cho rằng, chuyển đổi số hiện nay có nhiều giải pháp có thể tiến hành, thực hiện. Trong số đó, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ đã triển khai thực hiện một giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ số để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương.
Đề cập về định nghĩa truy xuất nguồn gốc bà Quyên giải thích: Hình thức truy xuất thường được áp dụng là phương pháp thủ công như ghi chép, trao đổi dữ liệu xử lý bằng tay, hoặc cũng có thể được thực hiện tự động thông qua các công nghệ hỗ trợ như công nghệ thông tin, mã số mã vạch, mã QR… để số hóa, trao đổi, truy xuất dữ liệu tự động. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và áp dụng các công nghệ thu thập dữ liệu trên nhãn truy xuất nguồn gốc đang trở nên phổ biến.
Theo bà Quyên, đến nay, đã có 43 cơ sở, 251 sản phẩm đã được phê duyệt thông tin, đăng tải trên hệ thống của thành phố. Theo khảo sát, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp tăng 30% doanh thu cho doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ có những điểm mạnh như: Bản quyền sử dụng nền tảng công nghệ CheckVN với 2 phát minh, sáng chế để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc. Check.cantho.gov.vn là hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý chất lượng, gắn với hoạt động quản lý của cơ quan quản lý. Tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn GS1.
Tại hội thảo, chuyên gia công nghệ số Lương Ngọc Tuấn còn nêu các giải pháp tiềm năng và huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP Cần Thơ. Chuyên gia Lương Ngọc Tuấn phân tích, nội hàm chính của việc chuyển đổi số có thể nói ngắn gọn trong 1 câu “Ứng dụng các công cụ số để tự động hóa các quy trình vận hành phù hợp rồi tiến đến tối ưu”.
Việc chuyển đổi số giúp tự động hóa các công đoạn trong sản xuất chế biến theo tiêu chí nhanh dễ và rẻ để người ở các hộ sản xuất chế biến có thể dễ dàng làm được. Hệ điều hành cho IoT để dễ dàng kết nối mọi thiết bị từ cảm biến đầu vào đến cơ cấu chấp hành đầu ra của sản phẩm nông nghiệp vào cùng hệ thống trên Internet. Môi trường có các công cụ để giúp người không phải là chuyên gia về công nghệ thông hay tự động hóa có thể dễ dàng và nhanh chóng chuyển các quy trình vận hành được diễn đạt tường minh thành quy trình tự động để ngành nông nghiệp thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.
Cũng theo chuyên gia chuyển đổi số Lương Ngọc Tuấn có những nhận định thêm về nền tảng dịch vụ logistics hỗ trợ các hộ sản xuất chế biến có thể bán thẳng các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng một cách nhanh lẹ. Việc làm này nhằm đảm bảo các hộ sản xuất chế biến được hưởng ít nhất khoảng 70% giá trị gia tăng trên giá bán, còn các khâu dịch vụ logistics được hưởng khoảng 30%.