Cần thêm những cách làm đột phá trong công tác thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS)
Kết quả nổi bật, điển hình của các đơn vị đạt được đối với tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến cao nhất, tính đến tháng 10/2022 là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; Yên Bái; Bình Phước; Hà Giang… đều đạt 100%.
Cùng với đó, kết quả cao nhất đạt về tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các đơn vị điển hình gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (100%); BHXH Việt Nam (100%); Hòa Bình (85%) Quảng Ninh (78%); Lạng Sơn (73%)…
Chưa dừng lại, đối với kết quả cao nhất đạt được ở việc số lượng người truy cập Cổng thông tin tại các đơn vị lần lượt thuộc về: Bộ Y tế (13.954.795 lượt); Bộ TT&TT (5.236.589 lượt); Bộ GD&ĐT (4.781.898 lượt); Bắc Giang (8.626.613 lượt); Đắk Lắk (5.214.800 lượt)…
Để có được những kết quả này, một số đơn vị đã có cách làm, kinh nghiệm điển hình như: Bộ GD&ĐT thời gian qua đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết liệt triển khai toàn bộ quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng theo hình thức trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Hơn nữa, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào ĐH (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước) theo 02 đợt và phân chia lịch mở hệ thống thanh toán theo các tỉnh, thành phố (dựa trên phiếu đăng ký của thí sinh) để đảm bảo việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển vào ĐH của thí sinh diễn ra an toàn, thông suốt, tránh lượng lớn truy cập đồng thời gây quá tải hệ thống.
Bộ GD&ĐT đã có sự đột phá trong công tác thực hiện nhiệm vụ CĐS, nhất là trong công tác tuyển sinh năm học năm 2022 thông qua các cổng thông tin điện tử tuyển sinh các cấp để đảm bảo sự công bằng, hiệu quả và minh bạch với từng đối tượng, thí sinh.
"Đồng thời, Bộ GD&ĐT luôn tích cực tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm giáo dục số, trên cơ sở đó đảm bảo nhanh chóng để điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện công tác tuyển sinh cho các năm tiếp theo…", Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Cũng như Bộ GD&ĐT, Đà Nẵng thời gian qua đã tích cực triển khai, sử dụng hiệu quả nền tảng Công dân số phục vụ sử dụng DVCTT. Địa phương này đã thúc đẩy nhanh quá trình hình thành công dân số vì mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo cách làm áp dụng cho 02 nhóm:
- Với cơ quan, tổ chức, Thành phố đề nghị các cơ quan, tổ chức, các phường, xã yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của mình sử dụng nền tảng Công dân số để đăng ký mới hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu Hồ sơ công dân số cho bản thân và các thành viên gia đình.
- Với người dân, DN, Thành phố đề nghị UBND quận, huyện, phường, xã tập trung triển khai, đặc biệt thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ từ người dân trên địa bàn đăng ký mới hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu hồ sơ công dân số và sử dụng trong đời sống hằng ngày của mình. Hằng tháng, các cơ quan thống kê kết quả để cung cấp, báo cáo Ban Chỉ đạo CĐS thành phố.
Việc Đà Nẵng triển khai nền tảng Công dân số - My Portal là một điển hình của cách làm đột phá - điều này giúp Đà Nẵng thiết lập các kho dữ liệu riêng cho từng người dân.
"My Portal chính là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp DVCTT phục vụ người dân; hướng đến hình thành công dân số, phát triển xã hội số tại thành phố Đà Nẵng", theo Bộ TT&TT.
Như vậy có thể nói, việc các đơn vị có những kết quả cao chính là thể hiện những quyết tâm, sự tập trung, nỗ lực để ưu tiên cho công tác, nhiệm vụ CĐS tại các địa phương, đơn vị. Cũng chính từ những điều đạt được này, đây chính là cơ sở quan trọng góp phần tạo tiền đề, cung cấp dịch vụ của chính phủ số trong giai đoạn mới ngày một hiệu quả, bền vững.
Cần tập trung khai thác các công cụ dùng chung do Bộ TT&TT cung cấp
Tuy nhiên, cũng theo Bộ TT&TT, vẫn còn những kết quả thấp chưa được nâng lên tại một số cơ quan ở các nội dung: Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) (28,21%), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) (28,13%), Kon Tum (41,16%), Nghệ An (39,16%), Lai Châu (9,23%)…; Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến Bộ TN&MT (30,04%), Bộ VHTT&DL (26,49%), Bộ Xây dựng (13,11%), Vĩnh Long (7,27%), Nghệ An (7,07%), Sóc Trăng (2,06%)…
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả cho công tác này, các đơn vị có kết quả hạn chế nêu trên cần chủ động ưu tiên mọi nguồn lực, xây dựng, đưa ra các giải pháp thiết thực, đặc biệt cần phát huy, nêu cao trách nhiệm, chịu trách nhiệm thực hiện đối với cấp, người đứng đầu tại các đơn vị.
Cụ thể hơn, khi nêu ra các giải pháp về nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị cần thực hiện sớm các nội dung như sau:
Các đơn vị cần rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xác định và công bố Danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần.
Đồng thời, các đơn vị cần kết nối toàn diện, triệt để Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và DVCTT của các CQNN.
Cùng với đó, các đơn vị cần tập trung khai thác các công cụ dùng chung do Bộ TT&TT cung cấp để phát triển Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công; khuyến nghị giao cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai, xây dựng, quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật của các hệ thống thông tin cung cấp thông tin và DVCTT của bộ, tỉnh để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương
"Bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP để cung cấp thông tin và DVCTT được liên tục, hiệu quả", Bộ TT&TT đề xuất./.