Kết quả khảo sát các HTX cho thấy, còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số. Một tỷ lệ không nhỏ các HTX không có máy tính, hoặc có trang bị máy tính nhưng thiếu các thiết bị phụ trợ như máy in, máy quét (scan) tài liệu,..., năng lực tài chính đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số của HTX còn hạn chế, nhiều máy tính đã cũ, chưa được thay thế, nâng cấp nên tốc độ xử lý, vận hành chậm, chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng các phần mềm, ứng dụng tin học văn phòng như soạn thảo văn bản, bảng tính,...; tỷ lệ sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX còn khá khiêm tốn, chưa phổ biến.
Thêm nữa là, nhận thức của HTX về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế và thành viên, người lao động trong HTX cũng còn nhiều điều chưa rõ về nhận thức đối với chuyển đổi số. HTX còn nhiều hạn chế, thiếu các kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin. Chi phí đầu tư cho các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số và duy trì vận hành còn khá cao đối với HTX khiến vấn đề này trở thành thách thức lớn đối với các HTX có quy mô nhỏ, nguồn vốn cho đầu tư, kinh doanh hạn hẹp, nguồn nhân lực tại chỗ của các HTX hầu hết không đáp ứng được những điều kiện về kỹ năng số do phần lớn chưa được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số, còn thiếu hiểu biết các biện bảo vệ trên nền tảng số, không gian mạng đối với các vấn đề liên quan tới tính bảo mật thông tin, an ninh, an toàn trong quá trình chuyển đổi số, có thể bị lợi dụng, tấn công bởi tội phạm mạng;…đối với những dữ liệu có được khi thực hiện các quy trình số hóa, ứng dụng nền tảng công nghệ trong quá trình tổ chức hoạt động.
Bên cạnh đó, Nhà nước hiện nay còn thiếu những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù áp dụng cho đối tượng đặc thù HTX liên quan đến chuyển đổi. Các HTX khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và thông tin liên quan đến chuyển đổi số, chẳng hạn: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", chưa điều chỉnh HTX.
Ngoài ra, mặc dù mức độ quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại hóa sản phẩm được đánh giá cao nhưng mức độ áp dụng thực tế đạt thấp. Sử dụng mạng xã hội (Zalo và Facebook cá nhân của thành viên HTX) để quảng bá và bán sản phẩm là hoạt động được thực hiện phổ biến nhất với mức độ áp dụng 2,52/5, tiếp đến là sử dụng fanpage của HTX với mức độ áp dụng là 2,19/5. Mức độ sử dụng website trong thương mại hóa sản phẩm đạt mức thấp là 2,13/5 bởi phần lớn các website chỉ thực hiện chức năng xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, trưng bày, giới thiệu hàng hóa đến khách hàng, chưa áp dụng nhiều phương thức mua bán, thanh toán trực tuyến, việc ứng dụng các phần mềm tiện ích chưa được chú trọng. HTX tiếp cận bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử trong nước có rào cản khi các HTX thực hiện bán hàng theo phương thức này như: khó thay đổi thói quen bán hàng theo phương thức truyền thống của thành viên HTX; một số sản phẩm nông sản tươi sống có thời gian bảo quản ngắn; sản lượng thu hoạch không ổn định, khó đáp ứng nhu cầu;… Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm, phân tích và dự báo thị trường chỉ đạt mức 2,07/5 bởi ở nhiều HTX thực hiện quản lý đơn giản dựa trên kinh nghiệm, nhiều cán bộ quản lý HTX còn thụ động và chưa có thói quen dự báo phân tích thị trường. Thanh toán điện tử chưa thực sự phổ biến tại các HTX nông nghiệp do thói quen tiêu dùng tiền mặt của bà con tại các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý xuất nhập, tồn kho trong bán hàng thường được các HTX thực hiện trên sổ giấy, hoặc ứng dụng tin học văn phòng excel, chỉ có một số HTX sử dụng phần mềm quản lý kho.
Thậm chí, nhiều HTX nông nghiệp chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số do không đủ điều kiện về tài chính, đất đai, nhà xưởng, năng lực của cán bộ quản lý và thành viên HTX, điểm đánh giá cho các điều kiện nội tại đều thấp hơn mức trung bình. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, vốn điều lệ dưới 01 tỷ đồng, khả năng tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng rất khó vì không có tài sản thế chấp, mức độ sẵn sàng đầu tư tài chính cho số hóa và áp dụng công nghệ thông tin thấp. Về hạ tầng, thiết bị phục vụ quá trình số hóa và áp dụng công nghệ thông tin - điều kiện này có kết quả đánh giá ở mức thấp nhất. Cơ sở hạ tầng của HTX còn lạc hậu, chưa tương thích với những yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc riêng hoặc được đặt tại nhà của Giám đốc/Chủ tịch HĐQT của HTX. Nhân lực HTX hiểu và vận dụng được những kiến thức về chuyển đổi số, kiến thức về các thiết bị công nghệ số trong quá trình làm việc còn hạn chế. Về kỹ năng số của lực lượng lao động còn thấp, bao gồm kỹ năng sử dụng các thiết số (máy vi tính kết nối Internet, điện thoại thông minh); kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và quản lý thông tin trên các thiết bị số; Kỹ năng sử dụng các phần mềm trong quá trình sản xuất; kỹ năng vận hành thiết bị tự động hóa trong quá trình sản xuất; kỹ năng truyền thông số (thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội); kỹ năng thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử,…
Về kiến thức của cán bộ quản lý HTX, kết quả khảo sát chỉ ra rằng sự hiểu biết của cán bộ quản lý HTX về các công nghệ số, lợi ích của số hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, ở mức dưới trung bình. Phần lớn cán bộ quản lý chưa biết, chưa từng nghe đến những công nghệ cơ bản của chuyển đổi số như Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data),… Thậm chí có những trường hợp cán bộ quản lý gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với những công nghệ đơn giản như sử dụng máy vi tính, gửi và nhận thư điện tử. Chính những hạn chế về trình độ, kiến thức cũng như ngại thay đổi mà cho đến nay chỉ có 39/153 HTX được khảo sát (chiếm 25,5%) là có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động, tuy nhiên hầu hết kế hoạch chưa được xây dựng một cách rõ ràng, mới chỉ mang tính định hướng.
Về kỹ năng số của cán bộ quản lý và thành viên HTX, nhìn chung các kỹ năng đều được đánh giá ở mức dưới trung bình. Trong đó, kỹ năng sử dụng các thiết bị số như máy tính kết nối internet, điện thoại thông minh được đánh giá cao hơn. Hai kỹ năng có mức đánh giá thấp nhất là kỹ năng thương mại điện tử và kỹ năng vận hành các thiết bị tự động hóa trong quá trình sản xuất, mức trung bình.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý tại địa phương về vốn, nhân lực, công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần đảm bảo hai yếu tố nền tảng thuộc quản lý của nhiều địa phương như ở mức trung bình, ngân hàng; địa bàn nông thôn như hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu của ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, cơ sở dữ liệu môi trường nông nghiệp nông thôn ở các địa phương từ nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp,... hiện nay lại đang nằm rải rác và độc lập tại nhiều cơ quan khác nhau, chưa được đồng bộ hóa, thống nhất, chưa được cập nhật, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu xây dựng và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các HTX nông nghiệp.
Đối với các hoạt động của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, ngoài hoạt động hỗ trợ vay vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ Phát triển HTX do Liên minh các tỉnh, thành phố quản lý, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phổ cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin trên các phương tiện truyền thông. Các lớp đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin chưa được tổ chức thường xuyên, bài bản mà chỉ tập trung vào hướng dẫn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về HTX, các luật liên quan; các vấn đề về tài chính, kế toán; các vấn đề về tổ chức quản lý HTX, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh... Các khóa tập huấn, bồi dưỡng đã góp phần giúp cho cán bộ quản lý trong các HTX cải thiện về công tác tổ chức điều hành, từng bước kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng HTX yếu kém, trung bình, nâng số lượng HTX khá giỏi với mô hình HTX đa dạng, ngành nghề kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, một số chương trình đào tạo chưa bám sát yêu cầu thực tế của từng loại hình sản xuất kinh doanh tại địa phương cũng như những đặc điểm ngành nghề hoạt động của HTX, chưa có các nội dung đào tạo nhằm nâng cao năng lực áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với lao động ở các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Đối với hoạt động của cơ quan đoàn thể địa phương như Hội Nông Dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hiện chưa có hoạt động cụ thể hỗ trợ thực hiện số hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong HTX nông nghiệp ở địa phương. Đối với hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, HTX nông nghiệp tại các địa phương chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Dù chuyển đổi số là xu thế nhưng mới được thực hiện ở một số ít HTX nông nghiệp và mới dừng ở mức độ đơn giản. Các HTX ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tốt hơn thường có một vài đặc điểm như: có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, trình độ cao, sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới; HTX hoạt động có hiệu quả, có liên kết chuỗi, đầu ra được tiêu thụ ổn định; hoặc HTX tiếp cận được với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các tổ chức khác ở trong và ngoài nước…