Một hội thảo chương trình cai thuốc lá trong doanh nghiệp do Viện nghiên cứu Y – Xã hội học tổ chức.
Báo cáo điều tra toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành 2015 (GATs 2015) cho thấy có 392 triệu người trưởng thành bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, theo số liệu GATS 2015, có khoảng 5,9 triệu người lớn tương đương 36,8% số người không hút thuốc phải hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc.
Khói thuốc lá là nguồn quan trọng nhất của ô nhiễm không khí trong nhà trong môi trường làm việc. Nó cũng có thể tương tác với các rủi ro nghề nghiệp khác, tăng thêm sự nguy hiểm cho sức khỏe nhiều hơn nữa. Với người lao động hút thuốc, ngoài các tác hại về sức khỏe cho bản thân người hút thuốc và những người xung quanh, họ còn phải gánh chịu những tác hại về mặt kinh tế một cách trực tiếp hay gián tiếp như: tăng số ngày nghỉ làm; giảm thu nhập do giảm năng suất lao động; mất khả năng lao động do ốm đau và tử vong sớm và tăng chi phí bảo hiểm nhân thọ.
Các doanh nghiệp, cơ quan hay tổ chức cũng bị thiệt hại một số chi phí đáng kể liên quan đến việc hút thuốc của nhân viên. Những chi phí này chủ yếu do: nhiều nhân viên xin nghỉ hơn do các vấn đề liên quan đến thuốc lá; giảm năng suất lao động; tăng số lượng người nghỉ hưu sớm do các vấn đề liên quan đến sức khỏe; tăng chí phí chăm sóc sức khỏe cho những nhân viên hút thuốc; tăng chi phí bảo hiểm y tế; tăng chi phí bảo dưỡng và làm sạch nơi làm việc; tăng nguy cơ cháy nổ và các tai nạn khác liên quan đến hút thuốc.
Trước nhu cầu về cai thuốc lá trong doanh nghiệp/tổ chức, Viện nghiên cứu Y – Xã hội học đã xây dựng “Chương trình hỗ trợ cai thuốc lá trong doanh nghiệp” với các phương pháp hỗ trợ đa dạng, phù hợp với các doanh nghiệp/tổ chức có quy mô khác nhau. Chương trình được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học và cập nhật các kiến thức chuyên môn trên thế giới.
Chương trình hướng tới các doanh nghiệp/tổ chức có mong muốn tạo môi trường làm việc không khói thuốc, hỗ trợ người lao động cai hút thuốc.
Theo chia sẻ của Ths. Nguyễn Thị Trang,– quản lý chương trình, các hoạt động hỗ trợ cai thuốc lá tại công ty/doanh nghiệp có thể bao gồm: Xây dựng quy chế, chính sách về môi trường làm việc không khói thuốc; Tổ chức hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan đến thuốc lá; Thiết lập phòng tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá; Cung cấp các tài liệu hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; Cung cấp chương trình tin nhắn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; Các cuộc thi về cai thuốc lá; Các hoạt động giám sát hỗ trợ và nghiên cứu đánh giá hiệu quả…
Viện nghiên cứu Y – Xã hội học xây dựng chương trình hỗ trợ cai thuốc lá tại doanh nghiệp với đa dạng các phương pháp hỗ trợ và phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô và nguồn lực khác nhau bao gồm các loại hình sau: Tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp tự triển khai các hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại doanh nghiệp; Phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai các hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại doanh nghiệp. Trong đó một số hoạt động doanh nghiệp sẽ tự triển khai với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của Viện nghiên cứu Y – Xã hội học; Trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại doanh nghiệp.
Tùy thuộc vào loại hình hỗ trợ và quy mô doanh nghiệp mà chi phí triển khai các chương trình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá trong mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Kết quả triển khai ban đầu của một số chương trình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá trong doanh nghiệp đã đón nhận được sự hưởng ứng từ phía người lao động, đồng thời có những hiệu quả ban đầu trong hỗ trợ người lao động cai thuốc hoàn toàn hoặc giảm số lượng thuốc hút hàng ngày, nâng cao sức khỏe người lao động.