Cần có giải pháp để phát huy dữ liệu di tích

Thứ ba, 06/09/2022 18:20

Số hóa tiến tới chuyển đổi số (CĐS) di sản là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp nhằm tối ưu lưu trữ, bảo tồn, và phát huy giá trị các di sản hiện nay và hướng tới phát triển du lịch thông minh, đưa di sản đến gần hơn với du khách và người dân.

 Một số thực trạng quản lý di sản văn hóa

Việt Nam có là một quốc gia có số lượng di sản phong phú và loại hình đa dạng. Di sản được coi là tài sản văn hóa vô giá với cộng đồng, dân tộc, quốc gia và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước thông qua các loại hình hoạt động du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm kê, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn gặp nhiều rào cản.

20221028-pg13.png

Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề "CĐS: Phát huy sức mạnh văn hóa - di sản tạo đà phát triển kinh tế số" trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số (CĐS) - Huế 2022, ông Nguyễn Quyết Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietISO cho biết về vấn đề bảo tồn, di sản bị "tổn thương" bởi tình trạng xuống cấp, xâm lấn, xây dựng nhiều công trình "nhân tạo" làm biến dạng di sản. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải lượng khách tham quan cũng tác động lớn đến việc bảo tồn di sản.

Trong khi đó, hoạt động xây dựng, kiểm kê, quản lý dữ liệu di sản vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa được quản lý chặt chẽ, nhiều khó khăn trong lưu trữ, tìm kiếm và ứng dụng; Hoạt động quảng bá di sản cũng chưa hiệu quả, đặc biệt là trên môi trường trực tuyến, thiếu tính hấp dẫn, chưa gắn kết với hoạt động du lịch.

Ngoài ra, nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản mỏng, chuyên môn còn nhiều hạn chế; Lực lượng nghệ nhân chưa có năng lực trong các hoạt động phát huy giá trị di sản…

Theo đó, số hóa tiến tới CĐS di sản là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp tối ưu nhằm lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản hiện nay.

Giải pháp CĐS di sản thúc đẩy phát triển du lịch thông minh

Du lịch thông minh được định nghĩa theo khả năng công nghệ của một điểm đến, điểm du lịch cụ thể hoặc của chính khách du lịch. Nhiều điểm đến hiện đang hiện đại hóa để bao gồm việc tăng cường sử dụng công nghệ thông minh trong hoạt động của họ, từ các phương thức thanh toán đến các hoạt động tương tác.

Mục đích cuối cùng của du lịch thông minh là nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh và tăng cường tính bền vững thông qua việc sử dụng các đổi mới công nghệ và thực tiễn.

Cụ thể, du lịch thông minh giúp cải thiện khả năng tiếp cận của du khách đối với di sản thông qua các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng công nghệ trên môi trường số, website, ứng dụng (app), công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)…; Quản lý hệ thống tài nguyên du lịch - di sản tốt hơn bằng phương thức số hóa dữ liệu, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn.

Đồng thời, giúp phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương bằng cách tăng cường liên kết điểm, liên kết vùng và các dịch vụ du lịch trực thuộc hoặc lân cận, hướng tới sự phát triển đồng đều; Giúp mỗi tài nguyên di sản nói riêng và địa phương nói chung dễ dàng hoạch định chiến lược tốt hơn để kích cầu cũng như phát triển hoạt động du lịch; Gia tăng trải nghiệm cho du khách trước, trong, sau chuyến tham quan.

Đặc biệt, du lịch thông minh cũng giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương; Gia tăng năng lực cạnh tranh của di sản, của điểm đến bằng khai thác triệt để dữ liệu báo cáo thời gian thực, tối ưu hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đổi mới đô thị, khả năng sống và sự thịnh vượng kinh tế - xã hội, là nền tảng của các phương pháp tiếp cận thành phố thông minh.

Những giải pháp VR, 3D đã và đang được đẩy mạnh tại các địa phương, giúp công tác bảo tồn, lưu trữ và phổ biến các giá trị văn hóa được dễ dàng hơn. Việc hoàn thiện số hóa các di sản văn hóa là cơ sở, là dữ liệu cho bước phát triển tiếp theo.

Chia sẻ về giải pháp CĐS di sản thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, ông Tâm cho biết có 6 nội dung chính: hoàn thiện khung pháp lý, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, đào tạo nhân lực du lịch số, tạo dựng môi trường số, thúc đẩy các hoạt động truyền thông và quảng bá.

Đầu tiên về nội dung hoàn thiện khung pháp lý, theo ông Tâm, để hoạt động CĐS đạt hiệu quả khung pháp lý cần phải hoàn thiện để thúc đẩy doanh nghiệp (DN), người dân và các nhân tố khác trong ngành du lịch tham gia một cách tích cực hơn; đồng thời tăng cường liên kết và thu hút đầu tư từ các tổ chức, DN cung cấp hệ thống giải pháp; hoàn thiện chính sách chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện triển khai dễ dàng và tối ưu nhất.

Thứ hai là phát triển hạ tầng số nhằm đáp ứng nhu cầu liên quan đến việc kết nối và sử dụng dữ liệu của du khách, phục vụ nhu cầu du lịch.

Ông Tâm nhấn mạnh đây là tiền đề, "công cụ" quan trọng để các địa phương xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ và cụ thể trong thu hút đầu tư, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.

Thứ ba là phát triển nền tảng số du lịch. Theo ông Tâm, phát triển nền tảng số du lịch đặc biệt cần chú trọng hình thành trung tâm dữ liệu số (số hóa hệ thống tư liệu, tài liệu tài nguyên di sản - văn hóa, quản lý tập trung và sẵn sàng kết nối); tăng cường tương tác và kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, DN, khách du lịch và người dân; nắm bắt bức tranh tổng quan về du lịch; quảng bá và phát triển du lịch.

Trong khi đó, về lĩnh vực đào tạo nhân lực du lịch số cần phát triển đội ngũ nhân lực du lịch có năng lực chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, đào tạo đúng - trúng - đủ, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng theo tiêu chuẩn nghề, gia tăng thời gian thực hành; Bổ sung các hoạt động hoặc chương trình đào tạo nâng cao năng lực công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tiếp theo là tạo dựng môi trường số nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường du lịch trực tuyến - Giải pháp thúc đẩy phát triển cho các DN du lịch, với các hoạt động như: Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về CĐS; Thu hút đầu tư và phát triển các hệ sinh thái CĐS, liên kết hệ thống DN du lịch; Kết nối và gặp gỡ song phương các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ, giải pháp CĐS; Ứng dụng nền tảng số, gia tăng tương tác với DN theo mô hình tương tác hai chiều; và xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho DN trong quá trình CĐS.

Cuối cùng là thúc đẩy truyền thông và quảng bá. Theo đó, các địa phương cần tích cực truyền thông, quảng bá di sản và thương hiệu du lịch của địa phương trên các công cụ và phương tiện như truyền thanh truyền hình, sự kiện du lịch, hội nghị hội thảo, sản phẩm in ấn, cổng thông tin, hoạt động xúc tiến, giải thưởng, đào tạo…

Với tiềm năng di tích của chúng ta hiện nay nếu biết cách quảng bá và truyền thông, kết nối chia sẻ dữ liệu với các nền tảng khác nhau thì ngành du lịch sẽ thu được những kết quả rất tích cực.

Đặc biệt, ông Tâm nhấn mạnh cần phải có giải pháp để các dữ liệu di tích có thể được "nằm sâu" trong các DN lữ hành, để họ có thể giới thiệu đến với khách hàng của họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đây là điều rất quan trọng.

Đẩy mạnh CĐS các di sản văn hóa giúp phát huy sức mạnh của các di sản văn hóa, tạo ra nhiều những sản phẩm du lịch mới, mô hình du lịch mới hướng tới phát triền nền du lịch thông minh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây sẽ là cầu nối để đưa các di sản, văn hóa đến gần hơn với công chúng, thu hút khách du lịch, từ đó phát huy giá trị văn hóa./.

theo ictvietnam.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top