Cần có định hướng phù hợp trong đào tạo nghề ở Thủ đô

Thứ sáu, 20/09/2013 09:42

Nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động Hà Nội rất dồi dào. Công tác đào tạo nghề những năm qua cũng đã được thành phố quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, số lượng lao động chất lượng cao được tuyển dụng vào các ngành nghề vẫn rất hạn chế, chủ yếu là lao động phổ thông. Bất cập trong công tác dạy nghề đang gây lãng phí lớn nguồn nhân lực.

img

Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng nghề Hà Nội. Ảnh: nhandan.com.vn

Đối tượng học nghề trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn và các tỉnh lân cận. Số lượng người trong độ tuổi lao động ở nội thành đi học nghề rất ít, do mọi người còn nặng tâm lý phải có "bằng cấp" mới sang, cho nên hầu hết các em sau khi học xong THPT đều thi đại học hoặc theo học trung cấp, cao đẳng. Với đối tượng học nghề như vậy dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo nghề không cao, do nhu cầu học là những ngành nghề đáp ứng việc tuyển dụng ngắn hạn của các cơ sở sản xuất hoặc để mưu sinh trước mắt như may mặc, sửa chữa điện tử, cơ khí... Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp thiếu bền vững và cho thu nhập không cao. Trong khi đó, các ngành nghề được đào tạo trong các trường dạy nghề hiện cũng đã "vênh" so với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, làm cho học viên sau tốt nghiệp khó tìm việc. Điều này càng làm giảm sút nhu cầu học nghề của các đối tượng.

Theo Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Đình Đức, 100% đơn vị trên địa bàn đã hoàn thành công tác điều tra nhu cầu học nghề. Trong đó, qua khảo sát 867.794 hộ gia đình với 2.129.469 lao động trên địa bàn 20 huyện, chỉ có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Hiện nay, ngoài số ít người trong độ tuổi lao động ở nông thôn tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, còn lại phần lớn đang lựa chọn các nghề lao động tự do, việc làm thời vụ, không đòi hỏi có tay nghề, mà chỉ cần có sức khỏe. Nhiều người cho biết, lựa chọn như vậy, bởi chi phí học nghề cao, mà ra trường chưa chắc đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập đủ sống.

Ngay cả khi có những doanh nghiệp tìm đến tận trường để tuyển lao động, thì vị trí công việc cũng không hấp dẫn, làm việc theo ca kíp vất vả, lương không cao. Lao động tự do tuy thiếu ổn định nhưng thời gian thoải mái, dễ tìm việc, dễ "nhảy" việc mà cho thu nhập cũng tương đương, thậm chí cao hơn lương của công nhân trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất.

Tâm lý thiếu niềm tin vào việc học nghề như vậy cho thấy công tác dạy nghề trên địa bàn phải có sự điều chỉnh. Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề công nghệ Thăng Long Trần Thị Kim Liên cho rằng: Hà Nội đang thiếu chiến lược trong đào tạo nghề. Dạy nghề hiện rất dàn trải, cũng có đủ các ngành nghề như các tỉnh, thành phố khác.

Trong khi đó, người lao động ở Hà Nội có trình độ cao hơn các nơi khác (phần lớn đã tốt nghiệp THPT), năng động, sáng tạo hơn, khéo léo hơn. Vậy thì các ngành nghề đào tạo nên có đặc thù riêng, chỉ lựa chọn những bộ môn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Học viên tốt nghiệp có chuyên môn, tay nghề tốt, dễ tìm việc có thu nhập cao thì mới tạo được sức hấp dẫn của đào tạo nghề. Hơn nữa, đây mới chính là yếu tố bền vững trong công tác dạy nghề, tạo việc làm.

Nguồn lao động chất lượng cao sẽ có việc làm và thu nhập ổn định lâu dài; lao động giản đơn chỉ có được việc làm ngắn hạn. Lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn cho thấy rõ điều đó. Họ "nhảy" việc thường xuyên do doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc bản thân muốn thay đổi việc, do thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Chỉ sau vài lần thay đổi chỗ làm, quá độ tuổi tuyển dụng những người này rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm những công việc tự do. Thị trường lao động về lâu dài như thế là rất bất ổn.

Ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có ý kiến cho rằng, các cơ sở đào tạo nghề chưa linh hoạt nắm bắt thực tế đời sống, chưa có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa vào giảng dạy những bộ môn mới kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường. Hiện nay, có những nghề mà không ít doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu vừa đào tạo vừa tuyển dụng, nhưng Hà Nội lại không nắm bắt được cơ hội này. Thí dụ như rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản hiện đang sốt ruột tìm kiếm, mà vẫn chưa đủ nhân lực cho các ngành nghề: điều dưỡng viên, nghề thiết kế (thiết kế sản phẩm công nghiệp, sản phẩm thủ công...), ngành công nghiệp phụ trợ... Tại triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, một trong những lý do khiến họ chưa phát triển được đúng tiềm năng các ngành công nghiệp ô-tô, xe máy, điện tử - viễn thông... tại Việt Nam là do quy mô và sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hãng ô-tô Toyota đang rất mong muốn tìm thêm được nhiều nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng... Hay như đào tạo người làm dịch vụ spa, nail (sơn móng tay, chân) và nhiều nghề liên quan đến việc làm đẹp cho con người vẫn chưa được khai thác và đưa vào danh mục dạy nghề. Những người làm nghề này thường phải tự đi học ở nước ngoài...

Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Hà Nội Phạm Công Vinh, một nguyên nhân khác làm cho công tác dạy nghề thiếu hấp dẫn là do chưa làm tốt công tác hướng nghiệp. Không có định hướng rõ ràng và đủ tầm nhìn về nhu cầu thị trường lao động trong tương lai cho nên các bạn trẻ đều mơ hồ trong việc chuẩn bị hành trang nghề nghiệp; vẫn tư duy rằng phải có bằng cấp mới tìm được việc làm, cho nên ai cũng cố gắng vào bằng được các trường đại học, cao đẳng (trong đó không ít trường có điểm đầu vào quá thấp) hoặc nếu có học nghề cũng lựa chọn các trường đại học, cao đẳng được phép tuyển sinh hệ dạy nghề. Thực tế các trường chuyên đào tạo nghề mới đào tạo được nghề chuyên nghiệp, có chất lượng. Chính vì thế mà trước đây, các trường này còn tổ chức thi để tuyển sinh, nhưng hiện nay không phải thi, thậm chí miễn học phí mà vẫn khó thu hút học sinh. Ở đây không chỉ là công tác hướng nghiệp còn yếu mà cần khắc phục cả sự chồng chéo trong công tác đào tạo giữa trường trung cấp, trường cao đẳng chuyên nghiệp với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Một yếu tố nữa cũng tác động không nhỏ tới tâm lý học nghề là cần có sự tôn vinh và cơ chế khuyến khích thích đáng đối với các học viên học nghề xuất sắc...

Năm nay, thành phố thực hiện mục tiêu dạy nghề cho 39.525 lao động nông thôn và phấn đấu 80% có việc làm sau khi học nghề. Thành phố cũng đã triển khai đặt hàng dạy nghề theo mô hình đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Mong rằng, công tác đào tạo nghề của thành phố sớm khắc phục được những mặt còn bất cập, thúc đẩy phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô và đất nước.
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top