Trên cơ sở đó, báo chí cần tiếp tục đa dạng hóa nội dung, hấp dẫn người đọc để tiến tới thu phí nội dung báo chí (news content), tương tự các nội dung số khác như video (video content), hình ảnh (art content), âm nhạc (music content).
Trong tiến trình đó, một số mô hình thu phí ở các ngành công nghệ cao khác đã chứng minh được sự hiệu quả, đạt thành công ở quy mô nhất định mà mỗi cơ quan báo chí có thể tìm tòi học hỏi.
Subscribe
Mô hình thuê bao trả phí hàng tháng là tương đối phổ biến ở rất nhiều lĩnh vực công nghệ, từ phần mềm, dịch vụ theo yêu cầu đến nội dung số. Đặc điểm nổi trội của phương thức này ở trên thế giới là cho phép dùng thử, thanh toán sau x ngày, hoàn tiền bất cứ lúc nào và cho phép sử dụng trên đa nền tảng, từ PC, smartphone đến TV, console.
Hiện nay, báo chí Việt Nam mới chỉ dừng ở mức độ bán gói nội dung trả phí, chưa phát triển đến mức độ bán thuê bao hay gói thuê bao trả phí. Khác biệt rất lớn ở đây là gói thuê bao (subscribe) thường bao gồm cả gói nội dung (content). Và content chỉ là một phần rất nhỏ của những tiện ích mà subscribe đem lại.
Mô hình thuê bao trả phí thường bao gồm subscription plan chi tiết về những lợi ích đi kèm.
Lấy ví dụ gói thuê bao giá 290 USD/năm mà tờ Bloomberg cung cấp bao gồm quyền xem tất cả các bài viết và phiên bản audio của chính bài viết đó, video, podcast và livestream đến từ các chuyên gia đầu ngành, newsletters độc quyền hàng ngày.
Xa hơn, mô hình thuê bao của nước ngoài còn đưa ra cả những gói thuê bao cho doanh nghiệp (enterprise), học sinh, sinh viên hoặc một nhóm người dùng với mức giá tương đối phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
Với mức giá không bị cào bằng và nhiều lợi ích đi kèm, người dùng trả phí thuê bao hàng tháng sẽ cảm thấy xứng đáng hơn với số tiền bỏ ra.
Đây là mô hình tương đối dễ học hỏi đối với các cơ quan báo chí Việt Nam. Song cho đến nay chưa có một cơ quan nào thực sự áp dụng một cách đầy đủ.
MMO
Make money online (MMO) là cách gọi chung của các hình thức kiếm tiền trên mạng thông qua các nền tảng khác mà không làm phát sinh trao đổi hàng hóa. Các loại MMO phổ biến hiện nay có thể kể tới YouTube, Google hay Facebook.
Mô hình này đã từng được ICTnews nhắc đến cách đây chưa lâu và rất nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đang áp dụng. Từ các phương thức truyền thống qua Google Adsense, YouTube Partner cho tới mới hơn như Facebook Instant Articles, Facebook In-Stream Ads, TikTok Ads…
Đọc báo kiếm tiền cũng được xem là MMO.
Điểm chung của mô hình này là dễ áp dụng, dễ triển khai, tạo ra nguồn thu ổn định nhưng phụ thuộc vào chính sách thay đổi bất thường của từng nền tảng kể trên. Về lâu dài, rất khó để cơ quan báo chí có thể thoát ly khỏi tầm ảnh hưởng của những nền tảng xuyên biên giới này ngay cả khi bị áp đặt một cơ chế chia sẻ doanh thu không công bằng trong tương lai.
Để nguồn thu ngừng chảy ra khỏi Việt Nam, cách thức duy nhất để cải tiến mô hình là cơ quan báo chí phải hợp tác với những nền tảng ‘Make in Vietnam’. Tuy nhiên, để tạo ra những nền tảng Việt có sức nặng và hấp dẫn người Việt sử dụng lại là một câu chuyện dài khác mà ICTnews xin phép chưa bàn đến trong khuôn khổ bài viết này.
Microtransaction
Bán vật phẩm ảo được xem là ngành hái ra tiền đối với game và app miễn phí nói chung. Với trò chơi điện tử, vật phẩm ảo bao gồm rất nhiều thứ giúp tăng sức mạnh cho nhân vật trong game. Còn với app, vật phẩm ảo là những biểu tượng vui (gọi là sticker hoặc emoticon) được bán với giá khá rẻ để tăng tính tương tác giữa các thực thể.
Bigo Live hay Kakao Talk chính là nền tảng ứng dụng thành công nhất mô hình này còn với game miễn phí bán vật phẩm ảo, có quá nhiều ví dụ thành công từ xưa đến nay cho chúng ta thấy.
Vật phẩm ảo hoàn toàn không có thật nhưng được bán bằng tiền thật.
Với báo chí miễn phí, vật phẩm ảo có thể tùy biến thành những dạng số hóa khác cho phù hợp, như theme, wallpaper hay tặng quà ảo cho tác giả bài viết hay bất cứ thứ gì có thể số hóa. Điểm khó của mô hình này là mở bán những vật phẩm ảo kể trên là việc chưa từng có tiền lệ và nghe có vẻ hết sức vô lý.
Vào khoảng năm 2005, Yahoo! 360° nổi lên như một blog vô cùng lôi cuốn với bộ công cụ miễn phí để tùy biến giao diện hết sức đa dạng. Nhưng sản phẩm này chưa kịp thương mại hóa đã phải đóng cửa do vướng nhiều lỗi nghiêm trọng trong quá trình thử nghiệm.
Ngày nay, một mô hình gần hơn để học hỏi là WordPress. Đây là một nền tảng mở hướng tới đối tượng sử dụng là những người có nhu cầu tự thiết kế website với rất nhiều thứ được chia nhỏ để bán mà cơ quan báo chí quan tâm có thể tìm hiểu thêm.
OTT
Over-the-top (OTT) là dịch vụ gia tăng trên nền mạng Internet nói chung. Hiện có một số dạng OTT phổ biến ở Việt Nam như FPT Play, Zing TV (truyền hình), Zalo, Viber (ứng dụng liên lạc)...
Như vậy, báo chí hoàn toàn có thể kết hợp với OTT để cho ra ứng dụng OTT báo chí trên nền tảng số. Ở đó, từng nhóm báo chí chuyên biệt như chính trị, công nghệ, thể thao, giải trí có thể nhóm với nhau thành những ứng dụng OTT báo chí dùng chung, cung cấp đến người dùng cuối qua các thiết bị số như smartphone, smart TV, smart box, PC, console…
Người đọc phải trả tiền sử dụng các ứng dụng OTT báo chí này để đọc tin tức của một nhóm nội dung riêng biệt mà mình yêu thích. Xa hơn, nhà phát hành ứng dụng OTT báo chí có thể đàm phán với một số nhà sản xuất như Samsung, Sony hay Vsmart để cài đặt sẵn ứng dụng (pre-install) trên các thiết bị thông minh bán ra ở Việt Nam.
Đưa app báo chí vào TV box liệu có khả thi?
Đây cũng là mô hình chưa từng được triển khai, thử nghiệm trên cả phạm vi thế giới. Việc phải bắt đầu từ đâu và như thế nào là câu hỏi khá khó khăn với các cơ quan báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thành công, mô hình này có thể giải quyết bài toán lãng phí do người dùng không phải tốn công cài đặt từng ứng dụng đọc báo khác nhau của từng cơ quan báo chí riêng biệt, mà chỉ cần một bộ cài tất cả trong một, tương tự như truyền hình số.
Nhìn chung, bất cứ mô hình hay phương thu thức thu phí nào đều có những mặt hạn chế nhất định. Mỗi cơ quan báo chí phải cân nhắc ưu nhược điểm của nó kết hợp đánh giá khách quan khả năng triển khai của mình, từ đó tìm ra được giải pháp phù hợp nhất