ảnh minh họa
Những ngày bỏ thuốc lá, vợ con luôn bên cạnh, động viên, củng cố quyết tâm cho anh bỏ thuốc. Những lúc quá khó chịu, anh sử dụng miếng dán để cơ thể bớt bứt rứt; tập thể dục nhẹ nhàng. Sau 1 tuần kiên trì, triệu chứng khó chịu giảm dần. Sau 1 tháng, cơ thể khỏe hơn, miệng không còn mùi hôi... Một năm sau khi bỏ thuốc, sức khỏe anh cải thiện nhiều. Anh Đoàn Văn Dũng cho biết: “Quan trọng nhất là thuốc lá rất độc hại, vừa ảnh hưởng sức khỏe của bản thân vừa ảnh hưởng đến người thân. Vì thế, tôi quyết tâm, kiên trì bỏ thuốc lá”. Đến nay, sau gần 10 năm, anh vẫn kiên trì, không tái nghiện. Cai thuốc lá hoàn toàn, lập tức có thể dẫn đến thiếu nicotine đột ngột trong máu làm xuất hiện hội chứng cai nghiện thuốc lá như: cáu gắt, bứt rứt, mất ngủ... Mức độ nặng nhẹ của hội chứng tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá trước đó là nặng hay nhẹ, như vậy có thể là một cú “sốc” thực sự đối với người nghiện nặng. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp nghiện từ trung bình trở xuống, hội chứng này tuy khó chịu nhưng không đến nỗi gây “sốc”.
Theo cẩm nang cai nghiện thuốc lá của Bộ Y tế, hội chứng cai thuốc lá không phải là kéo dài mãi, thông thường sẽ xuất hiện ngay từ 24 giờ sau cai thuốc lá nặng lên trong 1 tuần đầu tiên và giảm dần trong thời gian 4-6 tuần sau cai thuốc lá. Rất nhiều người cai thuốc lá có thể vượt qua được giai đoạn này với một chút “chịu đựng”, “nỗ lực”.
Theo bác sĩ Nguyễn Hùng Thanh Tùng, Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, trong thực tế, quan trọng nhất là người hút thuốc lá có nhận thức được tác hại của thuốc lá và quyết tâm, kiên trì bỏ thuốc hay không. Hiện nay, thuốc lá dễ mua, nhiều người xung quanh hút, hậu quả hút thuốc lá không đến ngay mà âm thầm nhiều năm... là những yếu tố khiến cho nhiều người chưa quyết tâm bỏ thuốc. Chưa kể, ngay từ nhỏ, nhiều người chứng kiến cha, ông mình hút thuốc nên lớn lên cũng hút.
Khi người cai thuốc lá cảm thấy quá khó chịu hoặc không tự tin có thể tự vượt qua giai đoạn này, theo bác sĩ Nguyễn Hùng Thanh Tùng, bác sĩ sẽ kê thuốc hỗ trợ cai thuốc lá để giảm nhẹ các khó chịu. Thuốc hỗ trợ bao gồm nicotine thay thế, bupropion, varenicilline giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai thuốc lá. Hiện nay, ở Cần Thơ, nicotine thay thế được bán rộng rãi ở các nhà thuốc. Tùy theo từng bệnh nhân, bác sĩ tư vấn dùng loại nhai hoặc dán.
Người dân có thể liên hệ qua số điện thoại 1800 6606 của Tổng đài Tư vấn cai Thuốc lá - Bệnh viện Bạch Mai để được tư vấn miễn phí từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày.